Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp tư nhân càng lớn, càng bị thanh kiểm tra nhiều
Bảo Duy - 02/12/2015 08:11
 
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) cho rằng, nếu không có những thay đổi, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ cô đơn khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập. Thêm vào đó, tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều...

Hàm ý khi ông nói doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cô đơn trong hội nhập nghĩa là gì?

VCCI vừa khảo sát về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính càng cao; doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều...

Chi phí về vốn của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang là vấn đề lớn, khi vẫn dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng và lãi suất thực của vốn vay quá cao trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác đang hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc

Sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang khiến môi trường kinh doanh phát đi những tín hiệu không an toàn.

Đây là những điểm quan ngại hàng đầu của doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện nay. Điều này cũng khiến “cuộc hôn nhân” mong muốn giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở nên khó khăn. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập, nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn cô đơn.

Vấn đề càng trở nên đáng lo ngại khi VBF diễn ra trong bối cảnh hầu hết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đã được ký kết. Mới nhất là FTA Việt Nam - EU.

Thực tế, đây không phải là lần đầu, VBF nhắc tới điểm yếu này của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến. Tại sao vậy, thưa ông?

Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này vẫn chưa đủ mạnh. Chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương như của các doanh nghiệp FDI.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ ở công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ. Nguyên nhân bởi sự yếu kém của công tác giáo dục nghề nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Công nghệ thì doanh nghiệp có thể mua được, còn quản trị và tay nghề của người lao động thì phải học.

Theo ông, có cách nào để chấm dứt sự “cô đơn” của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập?

VCCI đang trao đổi, thống nhất với các phòng thương mại công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, hình thành các liên minh doanh nghiệp để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp FDI.

Chúng tôi đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chính sách khuyến khích hỗ trợ theo chuỗi sản phẩm, ngành hàng, thay cho chính sách hỗ trợ đơn lẻ hiện hành để tiếp sức cho doanh nghiệp trong những nỗ lực liên kết.

Ngoài ra, tại VBF, chúng tôi cũng đã đề nghị Chính phủ cho giãn lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, để đảm bảo quyết định về tăng lương tối thiểu ở mức 12,4% cho năm 2016 gây đột biến trong chi phí sản xuất, duy trì năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng doanh nghiệp thành lập mới trong nền kinh tế Việt Nam, đề nghị Chính phủ có Chương trình quốc gia về khởi nghiệp. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và dự án kinh doanh được thành lập trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Mô hình các vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần… nên được nghiên cứu triển khai rộng khắp để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là trong lớp trẻ.

Các cuộc làm việc của chúng tôi với các phòng thương mại và công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp các nước Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đang nhắm tới một chương trình phối hợp hành động để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề. Chúng tôi đề nghị Chính phủ có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác công - tư, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng một hệ thống các trường và trung tâm đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, với bằng cấp được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của hội nhập, sau yêu cầu hội nhập về thể chế.

Đề xuất dành riêng cho năm 2016 thì sao, thưa ông?

Một vấn đề đặc thù cho năm 2016 là việc cung cấp thông tin kịp thời và hướng dẫn thực thi với cách thức phù hợp các hiệp định thương mại tư do mới cho doanh nghiệp. Phải triển khai cụ thể tới từng ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh với sự phối hợp chặt chẽ của VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ. Từ phía cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đang tích cực xây dựng đề án này và rất mong có sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hợp tác của các bộ, ngành.

Phó Thống đốc giải trình về những văn bản "hiệu lực tức thời" gây khó ngân hàng
Có những văn bản của NHNN từ khi ban hành cho tới khi có hiệu lực chỉ vỏn vẹn vài ba ngày, khiến các ngân hàng trở tay không kịp. Trước than phiền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư