Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp tuần qua: Hai "ông lớn" bắt tay trong thương vụ M&A khủng, MBBank bán trước nửa số cổ phiếu quỹ
Thanh Thủy - 09/12/2019 09:00
 
Hàng loạt thương vụ đầu tư được nhiều doanh nghiệp công bố tuần qua. Nổi bật là thỏa thuận hợp tác giữa Vingroup và Masan.

Thương vụ sáp nhập khủng giữa Vingroup và Masan cùng loạt kế hoạch đầu tư lớn

Sự kiện nổi bật tuần qua là thỏa thuận hợp tác giữa Vingroup và Masan - hai doanh nghiệp nằm trong nhóm có quy mô lớn nhất Việt Nam, đồng thời là các doanh nghiệp có lãnh đạo nằm trong số ít tỷ phú Việt được Forbes công nhận.

“Các bên dự định sáp nhập CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, Công ty VinEco với CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer Holding để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Vingroup và các cổ đông nhỏ lẻ khác sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần công ty mới sau sáp nhập”, thông cáo của Vingroup cho hay.

Màn “song kiếm hợp bích” của Masan và Vingroup được dự báo sẽ khiến thị trường bán lẻ khuynh đảo và không ngoại trừ sẽ có một cuộc đại thương chiến nổ ra giữa các nhà phân phối. Xem thêm

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận nhiều thương vụ đầu tư lớn của các doanh nghiệp trên sàn. CTCP Địa ốc Sài Gòn (SaigonRes) thông qua quyết định đầu tư vào CTCP Xây dựng Sài Gòn Kim Hảo thông qua hình thức mua lại 100% vốn, trị giá 175 tỷ đồng theo mệnh giá. Trước đó, SaigonRes cũng vừa chi 238 tỷ đồng để mua lại 70% CTCP Đầu tư Bất động sản Lê Gia (vốn điều lệ 150 tỷ đồng). Nếu hoàn tất thương vụ M&A trên, SaigonRes sẽ sở hữu tới 8 công ty con.

CTCP  Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (TEG) dự kiến đầu tư thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Cát Hiệp trên diện tích 50ha. Cơ cấu vốn dự kiến được xác định với 20% vốn của chủ đầu tư và 80% vốn vay và huy động hợp pháp. Thời gian hoạt động dự án dự kiến là 50 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và thời gian triển khai dự kiến là năm 2020 – 2021.

CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) thông qua chủ trương đầu tư góp vốn thành lập CTCP Dịch vụ Logistics Vĩnh Lộc. Cholimex góp vốn 95 tỷ đồng, tương đương 35,5% vốn.

Giao dịch cổ phiếu quỹ tiếp tục sôi động

Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 12, Vinhomes đã mua xong 60 triệu cổ phiếu quỹ. Ước tính theo giá 92.000 đồng/cp, công ty bất động sản này nhiều khả năng đã chi tới hơn 5.500 tỷ đồng. CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC cũng đã mua xong 500.000 cổ phiếu HVH, tương đương 2,5% vốn của công ty. Trong khi cổ phiếu VHM tăng khá sau quyết định mua vào cổ phiếu, mặt bằng giá cổ phiếu HVH vẫn còn khá thấp, giảm so với ngày công bố quyết định mua cổ phiếu quỹ.

Ngoài Vinhomes, Vincom Retail cũng đang chi tiền “khủng” mua cổ phiếu quỹ. Kết thúc tuần qua, hơn 45 triệu cổ phiếu VRE cũng đã được mua vào, tương đương gần 80% lượng đăng ký.

Ở chiều ngược lại, MBBank vừa thông báo bán 23 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương gần một nửa số cổ phiếu quỹ đang nắm giữ.

Điều chỉnh kế hoạch kinh doanh

Khi chỉ còn chưa đầy một tháng kết thúc năm tài chính 2019, một số công ty đã quyết định điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh đề ra. CTCP Chè Biển Hồ (mã  BHG – sàn UPCoM) nâng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lên lần lượt là hơn 103 tỷ đồng và 8,2 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau điều chỉnh gấp hơn 2 lần kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua và cao gấp 7 lần lãi ròng thực hiện được trong năm 2018.

Ở chiều ngược lại, CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (mã PSW, sàn HNX) điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 với mục tiêu doanh thu giảm 26% còn 1.764 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế điều chỉnh từ hơn 14 tỷ đồng xuống 7,32 tỷ đồng. Động thái điều chỉnh này đặt trong bức tranh các doanh nghiệp ngành phân bón tiếp tục ảm đạm trong 9 tháng đầu năm khi rơi vào tình trạng cung vượt cầu ở mức rất cao.

Doanh nghiệp xuất khẩu chạy đà cho năm mới

Các doanh nghiệp lớn đã sớm có sự chuẩn bị cho những kế hoạch của năm 2020 và dài hơi hơn. Tập đoàn An Phát Holdings vừa bắt tay Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) để mở đường xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành sữa cũng “thừa thắng xông lên”, tận dụng việc Trung Quốc mở cửa thị trường sữa để “tấn công” thị trường có quy mô tiêu dùng 60 tỷ USD/năm, chi nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD/năm. Xem thêm

Uniqlo chính thức khai trương, khẳng định Việt Nam là thị trường quan trọng

Ngày 6/12, Uniqlo đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Chia sẻ trước đó, ông Tadashi Yanai, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Fast Retailing, khẳng định thị trường Việt Nam quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn nênn Fast Retailing đã tốn nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị trước khi chính thức ra mắt. 

Uniqlo khẳng định sẽ không thực hiện chính sách giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng mà dựa vào tiêu chí sản phẩm chất lượng cao và sản xuất nhiều hàng dệt may hơn nữa và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa tại Việt Nam. Xem thêm

AirAsia từ bỏ ý định góp vốn vào ngành hàng không Việt vì Nghị định mới?

Trong khi đó, cuối tháng 11 vừa qua, AirAsia  đã chính thức từ bỏ tham vọng theo đuổi 13 năm qua là thâm nhập thị trường hàng không Việt với tư cách là nhà đầu tư tham gia thành lập hãng hàng không. Tất nhiên, hãng vẫn còn hiện diện đậm nét trong vai trò là nhà vận chuyển với gần 20 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... với nhiều thành phố lớn trong khu vực ASEAN. 

Quyết định rút lui của AirAsia được đưa ra ít ngày sau khi Nghị định số 89/2019/NĐ – CP được ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng, đây mới là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khi nghị định này nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ (quy định trước là 30%); phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân. Xem thêm

Cắt giảm điều kiện kinh doanh đã thực tế?

Tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động, một số vấn đề và yêu cầu cải cách”, nhiều chuyên gia cho rằng việc cắt giảm hiện nay chỉ giảm cơ học. không có nhiều ý nghĩa như giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất. Trong khi nhiều quy định không còn phù hợp như yêu cầu về diện tích phòng học trong thời đại cách mạng 4.0, những loại hình đào tạo online đang trở lên phổ biến. Xem thêm

Không riêng lĩnh vực lao động, phản ánh với nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Minh Quân, Công ty cổ phần Kiểm định kỹ thuật an toàn quốc gia, cho biết hiện vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không thể lý giải được tại sao lại có. Nhiều quy trình kiểm định lạc hậu, không thực tiễn, chưa kể nhiều thiết bị có tên trong danh mục phải kiểm định, các bộ không ban hành tiêu chuẩn, quy trình... , nhưng doanh nghiệp muốn làm thì phải lặn lội đến các cơ sở đào tạo để học, mới được cấp chứng nhận... cho thấy những quy định bất hợp lý trong không ít văn bản quy phạm pháp luật.

Điều kiện kinh doanh là một công cụ quản lý của Nhà nước để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự xã hội cho cộng đồng và các bên liên quan. Điều này cũng đồng nghĩa với trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp. Nhưng một khi cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn đứng ở hai đầu trong cuộc chiến với điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vô lý, thì sẽ không thể tìm được điểm cân bằng. Xem thêm

Liên quan đến Thông tư 68/2019/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử bắt buộc phải đáp ứng khá nhiều điều kiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính), đây chỉ là tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc cung cấp dịch vụ này, không phải là điều kiện kinh doanh. Xem thêm

Vinhomes chi hơn 5.500 tỷ đồng, mua xong 60 triệu cổ phiếu quỹ
Số tiền mà Vinhomes đã bỏ ra ước tính xấp xỉ tới 5.520 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư