Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp và hải quan vẫn có khúc mắc về mã HS
Hàn Tín - 30/08/2021 14:35
 
Mặc dù thủ tục hải quan đã có sự cải cách mạnh mẽ những năm gần đây, nhưng việc áp mã HS vẫn còn xảy ra xung đột giữa hải quan và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên 76% doanh nghiệp gặp khó trong xác định mã HS

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khảo sát doanh nghiệp về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu của VCCI cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp với các thủ tục xuất nhập khẩu như thủ tục hải quan; quản lý, kiểm tra chuyên ngành; tiếp cận thông tin; kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá.... ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, mã HS vẫn là vấn đề nóng do giữa hải quan và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.

“Rất nhiều doanh nghiệp gặp trở ngại khi xác nhận mã HS (mã hàng hóa dùng để xác định thuế xuất nhập khẩu) ở giai đoạn trước khi khai hải quan. Tình trạng này không những không giảm, mà còn gia tăng. Khảo sát năm 2020 của VCCI cho thấy, có tới 76,2% số doanh nghiệp cho rằng, họ gặp khó khăn trong việc xác định mã HS, tăng đáng kể so với tỷ lệ 66,3% vào năm 2018”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, tình trạng áp mã HS không thống nhất giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, có tình trạng xác nhận mã HS giữa của cơ quan hải quan này với cơ quan hải quan khác không giống nhau khiến nhiều doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính, bị truy thu thuế xuất - nhập khẩu oan. Để tránh tình trạng này, nhiều doanh nghiệp đã tham vấn trước với cơ quan hải quan về mã HS, nhưng việc tham vấn không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, do việc áp mã HS sai, nên nhiều doanh nghiệp đáng ra không phải nộp thuế nhập khẩu lại phải nộp, đáng ra chỉ phải nộp mức thuế thấp thì phải nộp thuế suất cao hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế sau khi cơ quan hải quan áp lại mã số HS.

“Nhiều doanh nghiệp nói thẳng là rất muốn kiện cơ quan hải quan xung quanh việc áp mã HS, nhưng cuối cùng đành ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’, không dám khiếu kiện vì rất nhiều lý do tế nhị, đành chấp nhận mã HS do cơ quan hải quan áp đặt”, bà Thảo chia sẻ. 

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung cho biết, nhiều thành viên Hiệp hội phản ánh, cùng một mặt hàng, tuần này ở cửa khẩu này bị áp mã HS này, nhưng tuần sau cửa khẩu khác lại bị áp mã HS khác. “Tình trạng này khiến doanh nghiệp rất bức xúc, đã phản ánh lên Tổng cục Hải quan và ngay lập tức được áp đúng mã HS đối với hàng hoá. Nếu không có việc xác định mã HS sai thì cần gì phải áp lại”, ông Trung nhấn mạnh.

Cố tình áp sai mã HS, doanh nghiệp cũng không được lợi gì

Theo bà Thảo, mặc dù các bộ, ngành đã rất cố gắng cụ thể hoá mã HS đối với các mặt hàng đến 8 chữ số, nhưng vẫn có sự không thống nhất, đồng bộ giữa các bộ, ngành và giữa các bộ, ngành với cơ quan hải quan, thậm chí giữa các cơ quan hải quan ở các cửa khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng trang thiết bị y tế. “Việc áp mã HS khác nhau đối với cùng một mặt hàng đã dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ ở khâu thông quan, mà còn liên quan đến nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước”, bà Thảo cho biết.

Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Hiệp hội Logistics Việt Nam, Giám đốc Công ty Logistics quốc tế Delta cho biết, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đa số hàng nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc chịu thuế suất thấp, nên doanh nghiệp không có động cơ áp sai mã HS. “Nếu cố tình áp mã HS sai để giảm thuế nhập khẩu, thì thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ở khâu tiêu thụ hàng hoá trong thị trường nội địa sẽ tăng”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics rất mong cơ quan hải quan nhìn nhận lại việc áp mã HS theo hướng cởi mở hơn để tránh việc rất nhiều trường hợp bị áp mã HS oan uổng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp hầu như không còn do không thể cạnh tranh được khi tiêu thụ hàng hoá ở thị trường nội địa với doanh nghiệp khác.

Thực hiện các FTA, 85-90% hàng hoá nhập khẩu đã xóa bỏ thuế quan, nhưng việc áp mã HS vẫn chưa hết nóng. Vì vậy, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cơ quan hải quan cần phải có cơ chế, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn để giảm thiểu vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện. “Nếu xảy ra khiếu nại, cơ quan hải quan cần phải giải quyết nhanh hơn, minh bạch và thân thiện hơn, tránh tình trạng hàng hoá xuất nhập khẩu bị cơ quan hải quan giữ lại do chưa thống nhất về mã HS”, ông Tuấn đề xuất.

Mã HS không chỉ là công cụ để xác định nghĩa vụ tài chính của hàng hoá xuất nhập khẩu với ngân sách nhà nước, mà còn là công cụ để quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu của Chính phủ. Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận, việc xác định mã HS là vấn đề khá khúc mắc giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Hải quan đã nhận ra khúc mắc này và từng bước xác định mã HS chính xác hơn. Nhưng vấn đề này không chỉ riêng ngành hải quan có thể làm hết được do liên quan đến rất nhiều bộ, ngành.

“Thực hiện các FTA, đa số hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế nhập khẩu 0%, nhưng số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu của Việt Nam vẫn quá nhiều khiến việc xác định hàng hoá để xếp mã HS rất phức tạp. Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Tài chính thu hẹp các mức thuế nhập khẩu chỉ còn khoảng 10 mức như các nước, thay vì hơn 30 như hiện nay. Khi giảm được số lượng mức thuế suất, thì việc áp mã HS sẽ đơn giản hơn, nhưng việc này đòi hỏi các bộ, ngành hữu quan phải cùng vào cuộc”, ông Cường nói.

Dệt may “khóc” vì thuế xuất nhập khẩu tại chỗ
Doanh nghiệp than khổ khi phải bố trí một lượng tiền lớn để nộp thuế trước, sau khi sản phẩm xuất khẩu xong lại phải bỏ nhiều thời gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư