Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dệt may “khóc” vì thuế xuất nhập khẩu tại chỗ
Hải Yến - 27/05/2021 16:28
 
Doanh nghiệp than khổ khi phải bố trí một lượng tiền lớn để nộp thuế trước, sau khi sản phẩm xuất khẩu xong lại phải bỏ nhiều thời gian để hoàn thuế.
Ngành dệt may được dự báo tăng trưởng trong năm nay. Ảnh: Chí Cường
Nếu không sản xuất được nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, ngành dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi ích từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp và kém hiệu quả.   Ảnh: Chí Cường

Bất cập thuế xuất - nhập khẩu tại chỗ

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có công văn gửi Chính phủ và một loạt bộ, ngành, kiến nghị về những bất cập liên quan đến chính sách thuế xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan, quy định nộp thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước.

Theo Vitas, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2021 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vitas kiến nghị sửa đổi quy định cho phép miễn thuế nhập khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hàng xuất khẩu, tạo sự bình đẳng giữa hình thức gia công xuất khẩu và sản xuất xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB), thay vì khuyến khích gia công như hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp dệt may, có một số điều bổ sung lại gây khó khăn hơn, nhất là quy định về áp dụng thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ và nhập khẩu tại chỗ.

Đơn cử, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước xuất khẩu vào khu phi thuế quan và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan đều phải nộp thuế. Doanh nghiệp phải bố trí một lượng tiền lớn để nộp thuế trước, sau khi sản phẩm xuất khẩu xong lại mất rất nhiều thời gian để hoàn thuế.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas cho rằng, quy định áp dụng thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất hàng xuất khẩu, trong khi miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công hàng xuất khẩu là bất hợp lý, không công bằng, khuyến khích doanh nghiệp gia công mà không khuyến khích doanh nghiệp làm hàng FOB với giá trị cao hơn. Ngoài ra, một số thủ tục hải quan đến thông báo hợp đồng gia công lại còn phức tạp, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Thực hiện quy định này đã tăng thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý để theo dõi, chuẩn bị hồ sơ quyết toán thuế, hoàn thuế, gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa làm hàng gia công xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa sản xuất để xuất khẩu.  

Một quy định nữa gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may là bất cập về quy định nộp thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước. Theo ông Cẩm, Nhà nước nên bỏ thuế giá trị gia tăng với các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu, thay vì phải nộp thuế trước rồi hoàn thuế sau như quy định hiện thời.

Còn theo ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sông Hồng, việc áp thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp sử dụng vải trong nước không tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và đáp ứng quy định xuất xứ hàng hóa của sản phẩm may xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời, không khuyến khích sử dụng vải trong nước và không bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công hàng xuất khẩu.

Khó tận dụng ưu đãi thuế

Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó 14 FTA đã thực thi, 1 FTA đã ký kết chờ phê chuẩn và 2 FTA đang đàm phán. Trong 14 FTA đang thực thi, có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay UKVFTA, và ngành dệt may luôn được nhận định sẽ được hưởng nhiều cơ hội mở rộng thị trường, ưu đãi thuế từ các FTA này.

Song,  để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo từng FTA, chẳng hạn, với CPTPP là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, với EVFTA là “từ vải trở đi”.

“Mong ước lớn nhất của chúng tôi là Chính phủ và Bộ Công thương chỉ đạo quyết liệt để hình thành cho bằng được các khu công nghiệp sản xuất phụ trợ và nguyên liệu cho ngành may. Bởi nếu không tự chủ được nguyên liệu sẽ không thể hưởng ưu đãi trong CPTPP hay EVFTA”, ông Bùi Đức Thịnh nói.

Hiện nay, việc sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là vải vẫn là khâu yếu và điểm nghẽn của ngành dệt may. Theo Vitas, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến điểm nghẽn này chưa được tháo gỡ là nhiều địa phương không mặn mà trong việc cấp phép các dự án dệt, nhuộm do lo ngại lĩnh vực này gây ô nhiễm môi trường.

Vitas đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương sớm trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến 2045 để sớm hình thành nên các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, tập trung thu hút các dự án dệt, nhuộm.

Nếu không sản xuất được nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ, ngành dệt may Việt Nam sẽ không được hưởng lợi ích từ các FTA và tiếp tục phải gia công với giá trị gia tăng thấp và kém hiệu quả.

Thực tế, sản xuất vải trong nước mới đạt sản lượng 2 tỷ mét/năm, đáp ứng 25-30% nhu cầu của ngành may mặc. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc đạt 35 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may đạt khoảng 19,7 tỷ USD, giảm 9,6% so với năm 2019. Trong đó, chi nhập vải đạt 11,88 tỷ USD, giảm 10,5% so với năm 2019. Sở dĩ nhập vải giảm là do xuất khẩu hàng may mặc giảm (10%) bởi đại dịch Covid-19.

Còn năm 2019, năm cao điểm xuất khẩu của ngành dệt may, chi nhập nguyên liệu toàn ngành đạt 21,8 tỷ USD, trong đó nhập vải lên tới 13,3 tỷ USD.

VITAS kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vắc-xin Covid-19
Nhiều DN đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ USD, người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư