Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt kháng cự lời hỏi mua của khối ngoại
Vũ Anh - 25/04/2021 10:10
 
Rất ít doanh nghiệp Việt chống lại sự thâu tóm của khối ngoại, khi phần lớn các ông chủ đều muốn rút lui, song cũng có những doanh nghiệp quyết không để sở hữu rơi vào tay nước ngoài.
Không nhiều trường hợp chống lại xu hướng M&A. Trong ảnh: Công ty cổ phần Dược Hà Tây - doanh nghiệp đã hoàn tất thương vụ bán 25% vốn cho đối tác Nhật Bản trong năm 2020
Không nhiều trường hợp chống lại xu hướng M&A. Trong ảnh: Công ty cổ phần Dược Hà Tây - doanh nghiệp đã hoàn tất thương vụ bán 25% vốn cho đối tác Nhật Bản trong năm 2020

Khi cổ đông không muốn về tay khối ngoại

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC mới đây khiến giới đầu tư khá bất ngờ, bởi các cổ đông của doanh nghiệp này không ủng hộ bán cổ phần cho khối ngoại.

Nhìn lại năm 2020, ngành dược phẩm đã trải qua giai đoạn khá sôi động với các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) đình đám. Điển hình là Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mua 25% vốn của Dược phẩm Imexpharm, ASKA (Nhật Bản) mua 25% vốn của Dược phẩm Hà Tây, hay Stada (Đức) nâng sở hữu tại Pymepharco lên tới 99,53%...

Lúc này, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi, đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực trong năm 2021.

Ông Ong Tiong Hooi, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thương vụ và thẩm định giao dịch của PwC Việt Nam

Dù vậy, ông Trịnh Xuân Vương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dược phẩm OPC không ngần ngại khẳng định, Dược phẩm OPC luôn cố gắng duy trì hoạt động, phát triển theo kỳ vọng của cổ đông, không để sở hữu rơi vào tay nước ngoài, nếu không phải trong tình huống thực sự cần thiết.

Theo ông Vương, hiện có nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ về công nghệ, tài chính... từ phía nước ngoài, nhưng ngược lại cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Trong đó, không ít doanh nghiệp phải thay đổi các vị trí trong ban lãnh đạo, ban điều hành, thậm chí thay đổi cơ cấu công ty.

Thời gian gần đây, hoạt động M&A trong lĩnh vực dược phẩm được ví như những cơn sóng ngầm. “Doanh nghiệp tầm trung như OPC hay nhiều doanh nghiệp lớn hơn đều có giấc mơ ‘vươn ra biển lớn’, song theo tôi, vẫn chưa thực sự gọi là thành công”, ông Vương nhận định.

Trên thực tế, Dược phẩm OPC không phải doanh nghiệp duy nhất chống lại sự thâu tóm, mà vẫn duy trì đà phát triển.

Nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm thị trường Việt Nam

Theo dõi diễn biến trên thị trường hiện nay, có thể thấy, không có nhiều trường hợp chống lại xu hướng M&A và không muốn bán doanh nghiệp cho khối ngoại. Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, đa số khách hàng của VCSC muốn thực hiện thương vụ thoái vốn, M&A vào thời đểm này vì chủ sở hữu muốn thoái vốn để rút khỏi thị trường, nên không có ý định chống lại thâu tóm. Trong lĩnh vực bao bì, hàng tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ… đang có nhiều thương vụ đàm phán.

“Thời điểm này không thuận lợi cho IPO, nhưng với các thương vụ M&A, thì tùy theo tình hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, sẽ có định giá khác nhau. Nếu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, đương nhiên giá cao, khỏi bàn cãi”, đại diện VCSC cho hay.

Việc định giá các doanh nghiệp Việt Nam đang tăng lên cho thấy, các nhà đầu tư ngoại ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Theo VCSC, khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thu nhập tăng thì lĩnh vực hàng tiêu dùng và các lĩnh vực liên quan đến phụ trợ, linh phụ kiện… sẽ diễn ra nhiều thương vụ M&A hơn.

Bên cạnh đó, việc huy động vốn sẽ nóng trở lại. Bằng chứng là, các thương vụ M&A mà VCSC đang tư vấn có tổng giá trị giao dịch lớn, ước tính 2,3 tỷ USD trong năm 2021 ở các lĩnh vực tài chính tiêu dùng, hàng tiêu dùng, logistics…

Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, hoạt động đầu tư trên toàn cầu có xu hướng giảm đáng kể, nhiều quốc gia châu Á được dự báo vẫn tăng trưởng âm trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn 2021 - 2022.

Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International dự báo, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc 5 tỷ USD.

Giai đoạn 2019 - 2020, giá trị M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua chiếm 1/3 tổng giá trị M&A được thực hiện. Các thương vụ M&A của doanh nghiệp Việt đã thành công và nhiều kế hoạch M&A được định hình gắn với những doanh nghiệp lớn như Masan, Novaland, Vingroup, Kido Group… Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, thị trường vẫn tiếp tục được dẫn dắt bởi nhà đầu tư ngoại. Trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore là những quốc gia dẫn dắt khối ngoại trên thị trường M&A Việt Nam.

Kiến nghị cho Vietjet, Bamboo Airways vay vốn ưu đãi, chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn - về việc nên hay không hỗ trợ tín dụng với Vietjet, Bamboo Airways như cách làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư