Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp Việt và “cuộc đua” xanh hóa
Thế Hải - 05/11/2024 09:28
 
Đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hướng đi cho các doanh nghiệp, ngành sản xuất để tận dụng lợi thế xuất khẩu, duy trì tăng trưởng bền vững.
Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là xu thế toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey cuối năm 2022, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt tới 12.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030. Con số này cho thấy tiềm năng rất lớn, bởi vậy, các doanh nghiệp toàn cầu luôn tiên phong tìm kiếm giải pháp xanh, bền vững.
Việc tuân thủ quy trình sản xuất xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh trong mắt các nhà nhập khẩu quốc tế

“Cuộc đua” toàn cầu

Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… là những “từ khóa” được các chuyên gia đến từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nhấn mạnh và lưu ý tới các nhà hoạch định chính sách cũng như các doanh nghiệp Việt tại Diễn đàn thường niên “Nhịp đập kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và UNDP tại Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Ông Stuart Livesay, Đồng chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh EuroCham Việt Nam nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhưng tăng trưởng sẽ không thể duy trì nếu các ngành sản xuất không chuyển đổi kịp thời để theo kịp các quy định mới về phát triển bền vững, dấu chân carbon mà các quốc gia EU đang đặt ra. Một trong những quy định cận kề nhất là Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được ban hành nhằm giảm phát thải carbon trong sản xuất”.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là xu thế toàn cầu. Theo báo cáo của McKinsey cuối năm 2022, doanh thu tạo ra từ các sản phẩm phát thải ròng bằng 0 có thể đạt tới 12.000 tỷ USD mỗi năm từ năm 2030. Con số này cho thấy tiềm năng rất lớn, bởi vậy, các doanh nghiệp toàn cầu luôn tiên phong tìm kiếm giải pháp xanh, bền vững.

EU hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong 9 tháng của năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang EU một lượng hàng hóa trị giá 38,1 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm trước) và dự kiến cả năm 2024 có thể đạt gần 50 tỷ USD. 

Với một lượng hàng hóa xuất khẩu 50 tỷ USD mỗi năm và còn tiếp tục tăng, các quy định mới áp lên hàng nhập khẩu của EU nếu không được các nhà cung ứng đáp ứng, tuân thủ kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng thương mại.

Hoạt động sản xuất công nghiệp đang chịu nhiều thách thức từ CBAM, nhất là với 6 sản phẩm phải áp dụng cơ chế này đầu tiên, gồm xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, hydrogen… Năm 2025, các sản phẩm này khi xuất sang EU phải báo cáo phát thải và đến năm 2026 sẽ áp dụng CBAM, sản phẩm gây phát thải nhiều trong sản xuất sẽ bị áp thuế carbon.

Tuy nhiên, theo ông Stuart Livesay, không nên nhìn quy định này một cách quá tiêu cực. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh cải thiện sản xuất để dần đạt mục tiêu phi carbon.

Trong tương lai, danh mục sản phẩm xuất khẩu bị áp CBAM sẽ dài thêm, dự kiến là ngành vận tải biển, dệt may, giày dép…

Cho rằng, chuyển đổi xanh đã trở thành “cuộc đua” trên phạm vi toàn cầu, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khuyến cáo: “Không chỉ EU thực hiện cơ chế CBAM, tới đây, hàng loạt quốc gia cũng áp dụng các quy định tương tự”.

Đơn cử, Mỹ cũng đang dự thảo văn bản tương đương CBAM và sẽ ban hành trong tương lai không xa. Vì vậy, nếu không cập nhật quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu để nghiên cứu, thực hành, đáp ứng, lợi thế của doanh nghiệp Việt sẽ giảm đi.

Con đường phát triển bền vững

Quy mô thương mại của Việt Nam dự kiến đạt 800 tỷ USD vào cuối năm nay. Với nền kinh tế có độ mở lớn và hội nhập sâu rộng, việc tuân thủ quy định mới từ các quốc gia nhập khẩu lớn có ý nghĩa sống còn với các ngành sản xuất. 

Bà Thủy cho rằng, chỉ có con đường tuân thủ là bền vững nhất, bởi trên hết, lợi thế của tuân thủ quy định sẽ giúp doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh trong mắt các nhà nhập khẩu quốc tế.

Một khảo sát về hành vi của người tiêu dùng liên quan tới môi trường, phát triển bền vững của Rakuten Insight và The Economist cho thấy, 84% số người Việt được khảo sát cho biết, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho sản phẩm bền vững.

Bà Đinh Hoài Giang, Tổng giám đốc Secoin (doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung) chia sẻ: “Duy trì sản xuất, giữ thị phần trong bối cảnh nhà mua hàng ngày càng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe không phải là điều dễ dàng với bất kỳ doanh nghiệp nào, nếu vẫn quen nếp sản xuất, cung ứng xưa cũ”.

Secoin sở hữu 9 nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên khắp cả nước, dù không sử dụng đất nông nghiệp làm nguyên liệu, nhưng quá trình sản xuất vẫn gây phát thải từ việc sử dụng dầu trong quá trình vận chuyển qua các công đoạn. Do đó, chuyển đổi để sản xuất tinh gọn, tự động hóa, tiết kiệm nguyên vật liệu, thực hành đồng bộ các khâu này đang được áp dụng trong tất cả các nhà máy của doanh nghiệp. Tại hệ thống nhà máy Secoin, tài nguyên nước cũng được tuần hoàn để sử dụng lại.

Thực hành tốt ESG, với 3 trụ cột về môi trường, xã hội và quản trị, đáp ứng sớm các tiêu chuẩn toàn cầu, tốt nhất, Secoin xuất khẩu sản phẩm sang 60 thị trường, trong đó, riêng thị trường Nhật Bản đã duy trì được 24 năm.

“Secoin có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản thường xuyên. Hiện Nhật Bản chưa yêu cầu đáp ứng cơ chế carbon, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, để không bị chậm trễ với bất kỳ quy định mới nào về xanh hóa sản xuất”, bà Giang nhấn mạnh.

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó công nghiệp là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, nhưng doanh nghiệp sẵn sàng và chủ động chuyển đổi xanh chưa nhiều.

Gợi ý một số giải pháp chuyển đổi bước đầu cho xanh hóa sản xuất, bà Thủy chia sẻ, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về chuyển đổi xanh (kiểm kê khí thải nhà kính); thúc đẩy sáng kiến chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp thông qua chuyển đổi năng lượng, tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, vận hành, tăng đầu tư cho tuần hoàn, tái chế…

Quỹ đầu tư ngoại đổ mạnh vốn vào doanh nghiệp Việt hướng đến sản xuất bền vững
Gần đây, nhiều quỹ đầu tư toàn cầu gia tăng tài trợ vốn không hoàn lại cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân thuộc các lĩnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư