Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Lê Hùng Mạnh: "Công việc có thể cực nhưng đừng khổ"
Hải Âu (DNSG) - 30/07/2015 09:09
 
Việc Nguyễn Thị Ánh Viên phá kỷ lục môn bơi tại SEA Games 28 vừa qua với thành tích 8 huy chương vàng nghe có vẻ chẳng liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS), nhưng sau khi gặp và nghe những gian khó mà Ánh Viên trải qua để mang niềm vui về cho tổ quốc, ông Lê Hùng Mạnh đã quyết định tặng vận động viên 19 tuổi này một căn hộ tại dự án khu căn hộ trí thức trẻ The Art (quận 9, TP.HCM).
doanh nhân Lê Hùng Mạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh Nhà Gia Hòa - Ảnh: Tấn Thảo
Doanh nhân Lê Hùng Mạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh Nhà Gia Hòa - Ảnh: Tấn Thảo

Đây không phải lần đầu tiên nhà điều hành Công ty Nhà Gia Hòa khích lệ giới trẻ, bởi hơn 10 năm nay, ông vẫn âm thầm tiếp sức cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đến giảng đường. Ông quan niệm, cuộc sống nếu không có sự sẻ chia thì trở thành vô nghĩa.

Lãng du nhưng không lãng quên sứ mệnh

Là người đam mê nghệ thuật và nổi tiếng với việc đặt tên các con đường trong khu dân cư Gia Hòa Art Village (phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM) theo tên văn nghệ sĩ đương đại của Việt Nam, nhưng nhà sáng lập Công ty Nhà Gia Hòa khá rõ ràng trong quan điểm đầu tư và cho rằng người làm kinh doanh không thể phiêu bồng như làm nghệ thuật.

* Nhà Gia Hòa xuất hiện từ năm 1999 nhưng tại sao đến thời điểm này, doanh nghiệp (doanh nghiệp) chỉ mới triển khai một dự án?

Sau 6 năm làm cho doanh nghiệp nhà nước, tôi thành lập doanh nghiệp riêng, vốn lớn nhất của tôi khi đó là uy tín. Năm 1993, tôi bước vào lĩnh vực BĐS nhưng giai đoạn đầu chỉ mang tính chất tích lũy.

Sau đó, như bao anh em khác cùng ngành, tôi không hoạt động trong phân khúc nhà riêng lẻ mà định hướng làm dự án hoàn chỉnh. Suốt thời gian dài, tôi dồn hết đam mê và tâm huyết vào khu dân cư Gia Hòa bây giờ (Gia Hòa Art Village).

Khi mới tiếp cận, dự án này là vùng sình lầy, nước ngập tận gối nhưng tôi thấy thích vì vị trí đẹp lại uốn theo sông Rạch Chiếc, nếu khéo tạo dựng, dự án sẽ trở thành cộng đồng cư dân hài hòa với thiên nhiên. Quan điểm kinh doanh của tôi là triển khai một dự án nhưng làm cho tới bờ tới bến, phải kiểm soát được sự phát triển của doanh nghiệp, tôi rất ngại phiêu lưu.

* Doanh nhân có chất nghệ sĩ thường rất ngại va chạm, hay nói đúng hơn là không dám "liều"?

Chất nghệ sĩ phiêu bồng thường xuất hiện trong nghệ thuật, còn kinh doanh không thể quyết định một cách vội vàng, cảm tính. Những khái niệm như "mạo hiểm", "có gan làm giàu" thường là cách ví von chung chung khi nói về doanh nhân nhưng thực tế doanh nhân khi quyết định một điều gì đó, họ đã gửi hết trí tuệ và tâm sức vào đấy.

Do nhìn thấy trước những cơ hội tạo ra lợi nhuận nên họ quyết định rất táo bạo. Nếu không thành công, theo tôi là do yếu tố khách quan tác động, còn về chủ quan, với bất kỳ một ý tưởng nào, doanh nhân đều cân nhắc, suy tính kỹ càng. Họ lại có đội ngũ tư vấn, chuyên gia để phản biện lại ý tưởng một cách bài bản, khoa học trước khi thực hiện.

Ngay như chuyện gắn tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Thanh Nga, NSND Út Trà Ôn hay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nữ sĩ Xuân Quỳnh... cho những con đường trong khu dân cư Gia Hòa, ngoài niềm đam mê, tôi muốn xã hội tôn vinh văn hóa, đó là giá trị của dân tộc, chúng ta phải giữ gìn cho thế hệ sau.

Trong quá trình triển khai ý tưởng, nhân viên của tôi cũng như một số cư dân là đạo diễn, nghệ sĩ trong khu dân cư Gia Hòa bảo tôi quá phiêu bồng và không tin tôi làm được.

Sau 6 năm theo đuổi, làm việc với các sở, ngành và Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM, tôi đã đạt được ước muốn. Điều này trước hết mang đến niềm vui cho cư dân trong khu, nhưng ở góc độ nào đó nó có tác động lan tỏa, để mỗi địa phương có cái nhìn tích cực và tôn vinh những người làm trong lĩnh vực văn hóa.

* Việc chưa mở rộng đầu tư có xuất phát từ nguyên nhân Gia Hòa là công ty gia đình, quy mô vốn còn ít?

Tôi có quan niệm sống riêng và điều này hình thành nên triết lý kinh doanh. Đối với tôi, công việc có thể cực nhưng đừng khổ, đặc biệt là khổ về tài chính, không ai nghe được hết bản nhạc hay đọc một bài thơ mà đầu óc luôn nghĩ đến trả lãi hằng ngày.

Trong kinh doanh, chuyện vay ngân hàng là hoàn toàn bình thường nhưng tôi lại muốn bình an. Có thể quan điểm này đúng với tôi nhưng không đúng với người khác. Khả năng tôi đến đâu thì làm đến đó. Sau một thời gian kinh doanh, tôi chiêm nghiệm điều này rõ nhất.

Danh lợi trong cuộc đời này không có đỉnh. Đi theo chiều ánh sáng, cái bóng đi trước, mình mãi không bao giờ bắt kịp, nếu có chỉ mang tính tạm thời. Tôi không muốn để một công việc hay lợi ích nào quá sức khiến mình phải khổ tâm.

* Có bao giờ ông phân vân lựa chọn giữa con đường nghệ thuật và kinh doanh?

Khi còn trẻ, tôi từng học thanh nhạc, sau này có tham gia ngâm thơ trên đài phát thanh nhưng kinh doanh mới chính là số mệnh của tôi. Hai yếu tố này hỗ tương lẫn nhau nên khi tham gia vào lĩnh vực BĐS, nhiều người nghĩ khô khan nhưng với tôi, nếu biết thổi hồn vào đất thì nó như có linh hồn.

Đất gắn liền với cộng đồng dân cư, nếu mình gắn kết được cộng đồng thì giá trị nghệ thuật trong cuộc sống nâng lên gấp bội và đó là giá trị vĩnh hằng. Bất cứ phần nào trong khu dân cư Gia Hòa, tôi đều muốn đẩy lên thành nghệ thuật, từ hàng cây, góc phố...

Sắp tới, tôi sẽ tổ chức nhiều cuộc thi tại Gia Hòa, không giới hạn đối tượng tham gia, trong đó có cuộc thi điêu khắc để tạo những hình ảnh sống động trên các con đường. Với ngành BĐS, tạo dựng dự án đã khó, tạo giá trị nhân văn nghệ thuật, không gian sống hài hòa giữa cộng đồng cư dân mới là điều khiến doanh nghiệp trăn trở.

* Trong công ty, ông nắm vai trò điều hành, vợ tay hòm chìa khóa, liệu điều này có khó để doanh nghiệp phát triển?

Tôi không thấy chuyện này phức tạp. Có hai việc tôi thỏa thuận với bà xã, đó là những vấn đề mang tính chiến lược, tôi sẽ là người quyết định, còn về chuyên môn tài chính hay vận hành cụ thể thì bà xã tôi đảm trách. Dĩ nhiên trong mọi quyết định đều phải có sự trao đổi, tôi không để nhập nhằng.

Ngoài ra, con gái lớn của tôi cũng làm việc tại công ty, tôi cũng không muốn cháu bước vào hàng ngũ lãnh đạo quá sớm. Trải nghiệm là rất cần thiết với tuổi trẻ, đến thời điểm chín muồi, nếu cháu vẫn còn đam mê với kinh doanh thì tiếp tục theo nghiệp bố mẹ. Tôi không ép các con phải làm theo ý của mình.

Vì ở bất cứ lĩnh vực nào, không đam mê thì sẽ không có thành công. Học tập ở trường, trong sách vở là một chuyện, nếu có thêm đam mê sẽ làm sức sáng tạo, năng lượng nhân lên. Đối với tôi, nếu một sự nghiệp được nối kết từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng tốt nhưng còn tùy vào hoàn cảnh mỗi người, mỗi doanh nghiệp.

* Với Công ty Nhà Gia Hòa, ông cũng sẽ đi theo xu hướng đó?

Trước mắt thì chưa vì tôi muốn doanh nghiệp phải đủ độ lớn, khi tiến hành cổ phần thì mình phải vững vàng, cổ đông mới gửi gắm được niềm tin. Nếu doanh nghiệp chưa đủ mạnh, cổ đông gửi lạc đường, tội họ (cười).

* Ông định nghĩa như thế nào là "doanh nghiệp đủ lớn"?

Thông thường, người ta dựa vào quy mô doanh số, tùy vào mỗi ngành nghề. Như BĐS, doanh thu phải từ vài trăm tỷ đồng trở lên. Với tôi, doanh nghiệp lớn thôi chưa đủ mà phải mạnh. Có doanh nghiệp lớn nhưng không mạnh. Lớn chỉ là điều kiện cần.

Cho nên, khi tham gia đầu tư vào bất kỳ doanh nghiệp nào, nhà đầu tư, cổ đông thường nhìn "sức khỏe" của doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề nhân sự, tài chính, quản trị, úy tín... Hiện, doanh số của chúng tôi mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

Sau mấy năm "nằm gai nếm mật" chờ thị trường BĐS hồi phục, sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm một số dự án nếu điều kiện cho phép. Trong quản trị doanh nghiệp, quan điểm của tôi là từ đội ngũ lãnh đạo đến tất cả nhân viên phải biết chiến lược công ty để anh em định được tương lai. Nếu lãnh lương cao mà không biết tương lai đi về đâu thì họ sẽ không đi cùng với mình lâu dài được.

Chia sẻ cùng cộng đồng

Trải qua những khó khăn thời tuổi trẻ, suốt 10 năm nay, ông Lê Hùng Mạnh là người gắn bó mật thiết với những chương trình hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó. Ông chia sẻ, đã thấy nhiều sinh viên đạt điểm thi đại học rất cao nhưng chỉ vì thiếu vài triệu đồng đóng học phí, giấc mơ giảng đường tan biến.

Đó vừa là thiệt thòi cho mỗi cá nhân các em, vừa là thiệt thòi cho đất nước vì với mong ước đổi đời, họ là những người có ý chí vươn lên mạnh mẽ. "Tôi hy vọng cả cộng đồng, chủ yếu là doanh nghiệp có một quỹ riêng giúp cho học sinh nghèo có thể bước vào cổng trường đại học", ông Lê Hùng Mạnh tâm sự.

* Thưa ông, có phải việc tạo ra "căn hộ trí thức trẻ” của Nhà Gia Hòa gần đây cũng xuất phát từ yếu tố muốn tạo điều kiện cho những người trẻ có cơ hội tiếp cận nhà ở?

Riêng việc này bắt nguồn từ ý tưởng 9 năm về trước. Khi đó, TP.HCM có chương trình xây dựng 30.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp. Trong quá trình đi làm chương trình cho sinh viên nghèo, tôi nhận thấy họ không nằm trong nhóm đối tượng thu nhập thấp.

Những sinh viên mới ra trường đi làm thường không có tiền tích lũy nhiều nên phải có một giải pháp mang tính kinh tế thỏa mãn được điều kiện thu nhập của họ, để họ tiếp cận nhà ở. Tôi cũng bế tắc về giải pháp nên tạm gác ý tưởng tham gia, triển khai chương trình. Song, cách đây vài năm, tôi tìm được giải pháp để có mức giá phù hợp với đa số trí thức trẻ.

Trớ trêu là khi đi vào thực tế mới thấy, đối tượng này không đơn giản chỉ có chuyện giá mà họ đòi hỏi cao hơn, tiền vừa phải nhưng sản phẩm phải có sự sang trọng. Đây là đề bài không dễ cho doanh nghiệp. Mãi đến năm 2014, sau nhiều lần làm việc với các đơn vị thiết kế, chúng tôi đã tìm được lời giải cho bài toán khó ấy.

Khi phát triển căn hộ trí thức trẻ The Art (nằm trong khuôn viên khu dân cư Gia Hòa Village), theo tính toán của chúng tôi, sau 5 năm làm việc, với thu nhập của hai vợ chồng trẻ khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng là có thể sở hữu căn hộ. Đây là dòng sản phẩm mà tôi muốn được tiếp tục nhân rộng và đến được cộng đồng trí thức trẻ.

* Nói về việc đóng góp, chia sẻ với cộng đồng, thực tế đã có doanh nghiệp "lách" hoặc lạm dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Về chuyện doanh nghiệp đi làm từ thiện hay doanh nghiệp xã hội, tôi tạm chia làm ba loại: Một là doanh nghiệp làm vì từ tâm, họ thấy nhiều mảnh đời bất hạnh, họ muốn chia sẻ. Hai là có tâm nhưng đồng thời muốn PR, quảng bá. Ba là làm PR hoàn toàn.

Nếu làm từ thiện hay đóng góp cho xã hội mà quảng bá được thương hiệu, doanh nghiệp phát triển thì trước hết, họ sẽ nộp ngân sách nhiều thông qua đóng thuế, mặt khác, nhân viên công ty đó có thu nhập khá hơn và những người quá khó khăn trong cuộc sống cũng đón nhận được sự chia sẻ.

Một doanh nghiệp chỉ biết làm PR nhưng đối diện thường xuyên với những mảnh đời bất hạnh thì họ sẽ dần bị cảm hóa. Trực quan giáo dục rất quan trọng, con người có sỏi đá thế nào thì cũng xuất hiện lòng từ tâm, xuất hiện đạo đức doanh nghiệp. Trong mỗi con người đều có ưu và khuyết điểm, mình nên nhìn phần ưu của họ để có cách ứng xử phù hợp, còn khuyết thì nên vị tha.

Cơ quan quản lý nhà nước khi ra một quy định hay chính sách nên lấy số đông làm chuẩn. Cơm trong bát còn rơi khỏi chén, mất mát trong cuộc sống là lẽ đương nhiên, miễn là đừng ảnh hướng đến cái chung. Mất lòng tin trong cuộc sống là bi kịch.

Tôi vẫn nhớ chuyện hoàng đế Napoleon của Pháp, người soạn ra bộ luật dân sự để quản lý xã hội nhưng cuối đời, Napoleon kết luận: Một xã hội nếu không có tín ngưỡng, niềm tin thì chỉ có cai trị bằng súng đạn. Chính lòng tin, tín ngưỡng là tiêu chuẩn đầu tiên để ngăn con người làm chuyện không đúng.

Doanh nhân Lê Đình Trọng: "Chẳng có phép lạ nào ngoài sức người"
Là một trong những người tiên phong đón nhận làn sóng xã hội hóa truyền hình, cái tên Lê Đình Trọng, Tổng giám đốc Công ty Truyền hình cáp STV,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư