Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Đăng, CEO Công ty cổ phần Koro: Người tiên phong “chẩn bệnh” cho nước
Gia Hân - Ngọc Thu - 25/08/2024 08:54
 
Với mong muốn người dân được sử dụng nước với chất lượng tốt nhất, CEO Nguyễn Thị Minh Đăng “chẩn bệnh cho nước” để đưa ra giải pháp lọc nước phù hợp. Đặc biệt, chị còn nghiên cứu, sáng chế công nghệ tạo nước từ trường hoàn nguyên, giúp nâng cao sức khỏe cho người dùng.
doanh nhân Nguyễn Thị Minh Đăng, CEO Công ty cổ phần Koro
Doanh nhân Nguyễn Thị Minh Đăng, CEO Công ty cổ phần Koro

Cơ duyên

Không học kỹ thuật, máy móc, khoa học hay chuyên ngành về nước, chị Nguyễn Thị Minh Đăng đến với lĩnh vực nghiên cứu và cung cấp giải pháp lọc nước, sản phẩm lọc nước bởi sự tình cờ, mà chị gọi là “cơ duyên”.

Minh Đăng kể, chị khởi nghiệp lần đầu tiên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Với đam mê được cống hiến, thể hiện bản thân, chị đặt mục tiêu phải trở thành một người làm kinh tế giỏi, có công ty riêng...

“Tôi được thừa hưởng gen di truyền từ sự thông minh của ba, sự lanh lợi, hoạt bát trong buôn bán của mẹ. Năm 2010, khi học đại học năm thứ 3, tôi tích cóp tiền làm thêm để lập một công ty nhỏ về truyền thông, marketing. Rất may mắn là Công ty liên tục được chạy ‘chiến dịch’ truyền thông cho nhiều tên tuổi lớn như Vinamilk, Uniliver, OCB… Nhờ đó, tôi được tiếp xúc với nhiều khách hàng trong các lĩnh vực khác nhau”, Minh Đăng nhớ lại.

“TÔI TIN VÀO NHỮNG GIÁ TRỊ BỀN VỮNG”

Nhiều doanh nghiệp không chọn giải pháp “chẩn bệnh cho nước”, cũng không sản xuất máy tạo nước từ trường hoàn nguyên. Tại sao chị chọn đi ngược với số đông?

 Vì nhiều người không làm, nên tôi làm. Dù thực tế đến nay đã gần 10 năm kinh doanh, chúng tôi vẫn chưa thực sự có lợi nhuận với mảng máy lọc nước, máy tạo nước từ trường hoàn nguyên, thậm chí còn bù lỗ. Song, tôi vẫn tin vào những giá trị bền vững mà mình đang theo đuổi.
Trước mắt, chúng tôi tập trung hướng đến vào tệp khách hàng quan tâm nhiều đến sức khỏe. Tôi tin tưởng rằng, lượng khách hàng trong nhóm này sẽ tiếp tục tăng và cùng với đó là sự đi lên của Koro.

Tiên phong “chẩn bệnh cho nước”, điều chị thấy khó nhất là gì?
Theo tôi, khó nhất là làm sao để người dùng thay đổi nhận thức, hiểu rõ và sâu hơn về nước. Ở Việt Nam cũng chưa có tiêu chuẩn rõ ràng về nước. Đáng nói là, chúng ta còn thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá về nước.

Chị có thể chia sẻ về những dự định trong thời gian tới?
Để thực hiện mục tiêu của mình, tôi sẽ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông như chương trình “Chuyện của nước”, “Sống như nước”… nhằm mang đến những kiến thức sâu rộng hơn về nước cho người dân.
Với Koro, năm nay, chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan Chính phủ thực hiện Dự án Nước tốt cho em, thực hiện lắp máy lọc nước cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, để các em có cơ hội được tiếp cận nước tốt cho sức khỏe.

Nhưng phải đến 5 năm sau (năm 2015), thì cơ duyên với ngành nước của nữ doanh nhân này mới xuất hiện. Trong một lần làm việc với đối tác là nhà sản xuất máy lọc nước đến từ Mỹ, Minh Đăng có cơ hội hiểu thêm về ngành này và phát hiện ra một “lỗ hổng” lớn của thị trường máy lọc nước.

Chị nhận thấy, trong quá trình sử dụng máy lọc nước, cả người bán và người mua đều tin tưởng rằng, sản phẩm này sẽ cung cấp thiết bị tái tạo nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh. Do đó, các sản phẩm lọc nước được xếp vào ngành gia dụng đơn thuần. Trên thị trường chưa có nhiều đơn vị làm nhiệm vụ chuyên môn “chẩn bệnh” cho nước để lắp

máy phù hợp nhất, đạt chất lượng nước tốt nhất cho sức khỏe của người dùng.

“Tôi lấy ví dụ, khi chúng ta bị ốm, thì phải đi khám bệnh để được bác sĩ khám, xét nghiệm, chẩn bệnh, rồi mới kê toa, sau đó mới mua thuốc để uống. Đối với nước cũng vậy, phải đo đạc, xét nghiệm nguồn nước tại nơi sử dụng, rồi mới điều chỉnh bộ lọc, máy lọc phù hợp, thì mới cho ra lượng nước đảm bảo nhất”, nữ doanh nhân sinh năm 1989 giải thích.

Minh Đăng phân tích, chất lượng nước lọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự phù hợp giữa thiết bị lọc nước và mức độ ô nhiễm của nguồn nước, vật liệu chế tạo thiết bị phải đảm bảo an toàn vệ sinh, việc lắp đặt thiết bị phải tuân thủ đúng quy định của nhà sản xuất cũng như các điều kiện lắp đặt cụ thể… Chỉ cần một trong các yếu tố này không được đáp ứng, thì chất lượng nước lọc có thể bị ảnh hưởng.

Trăn trở về chất lượng nước lọc, Minh Đăng đã đề xuất hợp tác với nhiều đơn vị trong và ngoài nước nhằm kết nối, xây dựng đơn vị kinh doanh có cả bộ phận hỗ trợ “chẩn bệnh” cho nước, giúp người dùng sử dụng máy lọc nước tối ưu và hiệu quả hơn, nhưng đều bị từ chối.

“Muốn chẩn bệnh cho nước, phải lấy mẫu nước và gửi đi xét nghiệm tại các đơn vị chuyên môn. Điều này có thể khiến doanh nghiệp mất một số khách hàng, vì họ cảm thấy phiền phức và mất thời gian. Thực tế, chỉ những người thực sự quan tâm đến sức khỏe và hiểu rõ tầm quan trọng của nước mới sẵn sàng đầu tư vào việc này. Ngoài ra, việc thực hiện các bước kiểm tra nguồn nước cũng làm tăng chi phí, khiến lợi nhuận giảm xuống, nên các bên sản xuất không thiết tha”, CEO Công ty Koro chia sẻ.

Theo quan điểm của chị, các sản phẩm, thiết bị lọc nước có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng, nên cần được xếp vào lĩnh vực sức khỏe,  để có những nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn. Bước đầu, nữ CEO thành lập Phòng R&D (nghiên cứu và phát triển) để nghiên cứu về các sản phẩm máy lọc nước, đồng thời nghiên cứu việc triển khai “chẩn bệnh” cho nước và cung cấp các giải pháp lọc nước phù hợp cho người tiêu dùng.

Sau một thời gian nghiên cứu, Phòng R&D của Koro đề xuất một loạt tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của máy lọc nước. Minh Đăng cũng tìm ra đối tác phù hợp cho việc cung cấp máy lọc nước, đó là tập đoàn sản xuất máy lọc nước Pentair. Trải qua quá trình thương lượng, Koro trở thành nhà phân phối sản phẩm máy lọc nước Pentair tại thị trường Việt Nam.

“Hiện nay, các sản phẩm máy lọc nước của Pentair được rất nhiều thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) cũng như các khách sạn từ 4 sao trở lên tại Việt Nam sử dụng”, nữ doanh nhân nói.

Để “chẩn bệnh cho nước”, Koro có một đội ngũ nghiên cứu các báo cáo về chất lượng nước ở từng địa phương, từ các đơn vị cung cấp nước. Những khách hàng có nhu cầu sẽ được lấy mẫu nước và đưa đi xét nghiệm tại các đơn vị chuyên môn. Dựa trên kết quả xét nghiệm mẫu nước, Koro sẽ cung cấp giải pháp lọc bổ sung cho máy lọc, để đảm bảo chất lượng nước tốt nhất cho người sử dụng.

Tuy nhiên, nữ doanh nhân cũng khá tâm tư, vì công đoạn “chẩn bệnh” cho nước và kiểm tra điều kiện lắp đặt có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy e ngại về việc gia tăng chi phí lẫn thời gian.

Sáng chế công nghệ tạo nước từ trường hoàn nguyên

Bên cạnh việc cung cấp giải pháp nước sạch, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về nước, doanh nhân Nguyễn Thị Minh Đăng còn sáng chế ra công nghệ tạo nước từ trường hoàn nguyên trong phạm vi gia đình.

Minh Đăng cho biết, nước từ trường là nước nguyên thủy trong tự nhiên, có cấu trúc lục giác, lưu giữ trong nó năng lượng từ tính được hấp thụ từ trái đất - một nam châm khổng lồ, thường xuất phát từ các mạch nước ngầm, nước suối thuần túy không bị phá vỡ cấu trúc.

“Ở nước ta, nước từ trường hoàn nguyên đã được cung cấp trên thị trường từ hơn 10 năm nay, dưới hình thức đóng túi, đóng lon, nhưng giá rất đắt, khoảng 70.000 - 200.000 đồng/lít. Điều này đã thôi thúc tôi cùng cộng sự nghiên cứu và sáng chế ra thiết bị tạo nước từ trường tươi với giá rẻ hơn rất nhiều lần”, Minh Đăng chia sẻ.

Nữ doanh nhân cùng đội ngũ Koro chế tạo ra máy tạo nước từ trường hoàn nguyên dựa trên nguyên lý: nước được xử lý bằng cách đưa qua cụm nam châm vĩnh cửu được thiết kế đặc biệt từ các kim loại quý, giúp kích hoạt, ion hóa các phân tử nước và chuyển hóa cấu trúc nước từ hình bông tuyết thành hình lục giác để nước lưu thông và hấp thụ dễ dàng hơn. Sau đó, Koro chuyển giao công nghệ này cho đối tác tại Italia sản xuất, Công ty đảm nhận khâu phân phối.

“Đây được coi là nghiên cứu sáng tạo khoa học - công nghệ giúp có nước từ trường hoàn nguyên tươi liên tục, tiện lợi, tiết kiệm hơn, thay vì trữ trong chai, túi, sản phẩm rất đắt đỏ, nhưng chỉ sử dụng tốt nhất trong 24 giờ. Hiện tại, thiết bị này được bán ra thị trường với giá 16 - 17 triệu đồng/máy, thời hạn sử dụng 20 năm, thời gian bảo hành lên tới 10 năm. Chúng tôi cũng đã nộp hồ sơ đăng ký cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế này”, Minh Đăng tự hào nói.

Chia sẻ thêm về tính năng, ưu điểm của nước từ trường hoàn nguyên, Minh Đăng cho hay, đây là loại nước sạch không màu, không mùi, vị, nhưng với người dùng có giác quan tốt, thì có thể cảm nhận vị nước thanh khiết. Đồng thời, nó giúp các khoáng chất trong nước dễ dàng hấp thụ vào cơ thể.

“Các báo cáo khoa học trên thế giới về nước từ trường hoàn nguyên chỉ ra, nếu uống thuốc với nước từ trường, thì cơ thể sẽ hấp thụ dễ hơn và nhanh hơn. Hoặc dùng nước từ trường hoàn nguyên để pha trà, cà phê, thì trà, cà phê sẽ sẫm màu hơn, ngon hơn. Nhiều khách hàng của Koro đã sử dụng nước từ trường hoàn nguyên để uống thuốc trong quá trình điều trị và thực tế cho thấy, nước từ trường hoàn nguyên giúp thuốc phát huy tác dụng điều trị bệnh hiệu quả hơn”, nữ doanh nhân trẻ dẫn chứng.

Dù vậy, theo Minh Đăng, nhiều người Việt Nam vẫn chưa biết đến những tác dụng của nước từ trường hoàn nguyên, nên doanh thu từ mảng này của Koro vẫn còn thấp, cần có nhiều thời gian hơn nữa để thị trường tiếp nhận. Hiện nữ CEO của Koro vẫn phải “lấy ngắn nuôi dài”, lấy lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác để bù lỗ với kỳ vọng, mảng nước từ trường hoàn nguyên sẽ tạo giá trị bền vững và mang đến thành công trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư