Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Chỉ có người Việt mới đưa Việt Nam đến đích thịnh vượng
Khánh An - 10/02/2024 11:48
 
“Chúng ta đang cần nhau trên hành trình vượt qua khó khăn, thực hiện các mục tiêu phát triển, vì chỉ có người Việt mới đưa đất nước mình đến đích thịnh vượng”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings Group chia sẻ.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn.

Chúng ta đã thấy “cần có nhau”

Thông tin về những sản phẩm đầu tiên của Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc đã được đưa ra thị trường vào những ngày đầu năm 2024 khiến các doanh nhân Sao Đỏ cảm thấy bồi hồi. Sau nhiều năm đau đáu với khát vọng cùng nhau tạo giá trị cho xã hội, những quả ngọt đầu tiên của mối liên kết doanh nhân Sao Đỏ đã kết trái.

Nhưng với ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Phú Thái Holdings Group, cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Bắc ở Lai Châu và Công ty cổ phần Sao Đỏ Tây Nguyên ở Gia Lai cũng như các cổ đông là các doanh nhân Sao Đỏ nhiều thời kỳ, thành quả đạt được không chỉ là những sản phẩm cầm nắm được.

“Sau những va đập của thị trường, của cạnh tranh, của hội nhập, chúng tôi đã thấy rõ việc cần có nhau, đi cùng nhau để làm những việc mà một, hai doanh nghiệp không thể làm được, đi cùng nhau để trở thành đối tác ngang hàng với các tập đoàn toàn cầu”, ông Đoàn chia sẻ.

Từ 15 năm trước, ông Đoàn và những doanh nhân Sao Đỏ đã tính đến kế hoạch này, thậm chí lớn hơn, với Đề án thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân. Ông Đoàn kể, lúc đó, Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sân chơi toàn cầu như biển rộng, doanh nghiệp Việt còn nhỏ bé, nhưng lại muốn ra khơi xa. Đã có những nỗ lực riêng lẻ giữa các doanh nghiệp trong hợp tác, tạo thành pháp nhân lớn hơn, nhưng vì nhiều lý do, các doanh nghiệp này không bứt lên được.

Câu hỏi được bàn tới khi đó là Việt Nam có cần tập đoàn kinh tế tư nhân tạo dựng các ngành công nghiệp chủ lực, tham gia các trụ cột trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 hay không, như các cheabol hay keiretsu từng được Chính phủ Hàn Quốc, Nhật Bản tin tưởng giao trọng trách. Đề xuất được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam gửi lên Thủ tướng vào tháng 10/2009. Tháng 3/2010, tại Hội trường lớn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã trình lên nhận diện đầu tiên, với mong mỏi thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân lớn nhanh thông qua cơ hội tiếp cận nguồn lực tương tự các doanh nghiệp nhà nước.

Trong cuộc họp đó, ông Đoàn - trong vai trò là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đặt thêm phương án “phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam”, là cho phép doanh nghiệp tư nhân mua cổ phần của các tập đoàn kinh tế nhà nước, với nguyên tắc vốn nhà nước chiếm ưu thế, để giải nhanh bài toán khai thác thế mạnh, nguồn lực hiệu quả và vẫn bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước trong những lĩnh vực then chốt…

Tháng 10/2023, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ, ông Đoàn một lần nữa đề nghị cơ chế để các tập đoàn kinh tế, của cả Nhà nước và tư nhân, thực hiện chiến lược phát triển quốc gia.

“Chúng ta chỉ còn 6 năm để đạt mục tiêu hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2030,  11 năm để trở thành nền kinh tế phát triển năm 2045. Tôi tin các mục tiêu có thể đạt được vì người Việt Nam có trí tuệ, có quyết tâm. Nhưng nền kinh tế và doanh nghiệp đang trong bối cảnh rất khó khăn, mà tốc độ thay đổi của địa chính trị, cạnh tranh, số hóa… rất nhanh. Lúc này, cần phải chỉ rõ cách  làm, ai làm để thực hiện bằng được mục tiêu này...”, ông Đoàn bày tỏ.

Theo ông, đây là cách thể hiện thật nhất những cam kết từ cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp. “Rõ ràng, chúng ta đang cần nhau trên hành trình này vì chỉ có người Việt mới đưa đất nước mình đến đích thịnh vượng được”, ông Đoàn tâm tư.

Những câu hỏi dành cho tinh thần dân tộc

Với cách tiếp cận của người kinh doanh, ông Đoàn tính toán, để Việt Nam đạt được mục tiêu 2030-2045, các chỉ tiêu của từng giai đoạn 5 năm, từng năm, từng quý cần được xác định rõ ràng, dồn nguồn lực thực hiện.

Nhiều người nói, người tuổi rồng có tính hướng ngoại, nhiệt tình, lạc quan, có chí tiến thủ cao, nhưng cứng cỏi, không dễ thỏa hiệp, hợp với không gian của hội nhập, hợp tác. Tôi cũng cảm thấy điều đó. Năm nay, bàn về hợp tác làm ăn có lẽ hợp thời.

“Đó là cách quản lý ‘tầm nhìn thì dài hạn, nhưng kết quả phải ngắn hạn’. Nếu tháng 1 không đạt chỉ tiêu thì tháng 2 phải chạy bù, không để tình trạng lỗi không hoàn thành thuộc về người ở cuối hành trình. Hệ thống chính quyền cũng có thể áp dụng nguyên tắc như doanh nghiệp, thu nạp người tài, nếu ai không hoàn thành mục tiêu sẽ bị thay thế. Kinh tế Việt Nam vẫn trong giai đoạn chuyển đổi, có thể khó khăn, đi chậm lại, nhưng xu hướng là phát triển, thậm chí đang có cơ hội phát triển nhanh hơn, theo các đánh giá của quốc tế. Không tận dụng được cơ hội, đó là lỗi của chính người Việt chúng ta”, ông Đoàn thẳng thắn.

Ngay với doanh nghiệp, câu hỏi về tận dụng cơ hội cũng được bàn tới rất nhiều. Từ tháng 9/2023 đến giờ, sau các bước nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước lớn, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc..., ông Đoàn đi nhiều, cả trong nước và nước ngoài để kết nối các cơ hội đầu tư - kinh doanh. Quan trọng hơn, ông nói, Việt Nam đang trong thời cơ vàng để bứt phá mạnh mẽ với chính sách ngoại giao đa phương, đa dạng, với nguyên tắc vì hòa bình và sự phát triển kinh tế.

“Việt Nam đang chơi với cả thế giới, làm ăn với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ukraine, Israel và với cả Palestine… Nhưng doanh nghiệp Việt có thể bắt tay với doanh nghiệp các nước không, có thể bước chân sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu hay không lại là vấn đề khác”, ông Đoàn nói.

Lấn cấn này đến từ thực trạng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn làm ăn kiểu giữ miếng, âm thầm lớn lên từ các mối quan hệ, quản trị kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, dựa vào quyết định của cá nhân doanh nhân, không tuân thủ quy trình, nguyên tắc... Đã có doanh nghiệp rất lớn “ngã ngựa” vì nguyên nhân này.

“Thời gian qua, tôi cảm nhận rõ hơn về sự đuối sức của doanh nghiệp Việt khi tham gia sân chơi chuyên nghiệp và minh bạch. Câu hỏi là chúng ta có lại lỡ cơ hội lần này không, như đã bỏ qua nhiều cơ hội khi gia nhập WTO, trong thực hiện các FTA thế hệ mới… cho các doanh nghiệp nước ngoài? Doanh nghiệp Việt sẽ tìm kiếm lợi ích nào trong cơ hội của ngành chip bán dẫn, AI…, nếu không hợp tác được với nhau hay không hợp tác được với các tập đoàn toàn cầu để lớn lên”, ông Đoàn đặt ra nhiều vấn đề.

Ông Đoàn có đủ trải nghiệm để đặt ra những câu hỏi như vậy. Năm 1995, ngay sau khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, Phú Thái đã làm ăn với P&G - tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Mối quan hệ này mở ra chiến lược đi cùng với người khổng lồ của Phú Thái cho đến giờ. Một trong những điều ông Đoàn tâm đắc suốt hành trình 30 năm của Phú Thái là các đối tác ngoại từ những năm đầu giờ vẫn đồng hành và ông đã mời được nhiều đối tác lớn đến Việt Nam.

“Làm việc với các đối tác lớn, chúng tôi lớn mạnh hơn, như người từ ruộng lên mặt đường, lên đồi, rồi lên núi, nhờ những bài học về hợp tác chân thành, xây dựng trên cơ sở quản trị doanh nghiệp bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch. Mỗi bước lớn lên, bạn bè lớn lại đến.

“Cách đây 30 năm, chúng tôi chỉ là đối tác nhỏ, giờ đã là đối tác lớn”, ông Đoàn chia sẻ. Đây cũng là cơ sở để ông tin rằng, Việt Nam rồi sẽ có những doanh nghiệp hàng đầu nếu chọn thay đổi, chọn chuyên nghiệp.

Rõ ràng, khát vọng độc lập, tự chủ, khát vọng tạo nên những doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh là một tiến trình không hề ngắn, đã bắt đầu, nhưng đang cần sự hậu thuẫn bởi chủ thuyết rõ ràng, mà ông Đoàn gọi đó là tinh thần dân tộc. Vì nỗ lực lớn lên, chuyên nghiệp hơn… của doanh nghiệp, thậm chí cả cơ hội đang rộng mở hơn của hội nhập chỉ là điều kiện cần.

“Điều kiện đủ là tư duy, ứng xử của Chính phủ, chính quyền các địa phương với cộng đồng kinh doanh. Tôi tự hỏi, các nhà quản lý có đau đáu, có lo lắng không khi nhu cầu thị trường giảm, đơn hàng của nhiều ngành sụt mạnh; nghĩ thế nào khi số doanh nghiệp đóng cửa tăng cao. Các cơ quan quản lý nghĩ gì khi tiền đọng trong ngân hàng mà không cho doanh nghiệp vay được, khi các lợi ích từ hội nhập rơi nhiều hơn về phía doanh nghiệp nước ngoài…”, ông Đoàn đặt câu hỏi.

Ông tin, câu trả lời là có. Vì khi Chính phủ, chính quyền địa phương xác định cần doanh nghiệp, doanh nghiệp vô cùng quan trọng với sự phát triển của đất nước, thì doanh nghiệp khó đến đâu cũng sẽ có cách gỡ… Khi đó, từng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng thấy rõ trọng trách phải gánh vác trong từng giai đoạn để thực hiện mục tiêu thịnh vượng của đất nước, lớp này kế tiếp, hỗ trợ, tiếp sức lớp sau...

Hãy tin ở cộng đồng doanh nghiệp!

Năm mới, ông suy nghĩ thế nào về cơ hội phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp?

Đất nước phát triển thế nào là do từng người Việt ứng xử thế nào với công việc của mình, với đòi hỏi chuyên nghiệp, cạnh tranh. Doanh nghiệp có hợp tác được với nhau không, có dùng hàng hóa của nhau không. Người tiêu dùng có chọn hàng Việt Nam với tinh thần dân tộc không…

Mỗi người dù chỉ thực hiện một phần công việc, nhưng với tinh thần dân tộc, sẽ tạo nên sự thay đổi tích cực trong từng khu vực, từ đó lan tỏa rộng ra. Tinh thần dân tộc sẽ nâng cánh cho Việt Nam bay lên.

Với cộng đồng doanh nghiệp, sau những thách thức, có cả đổ vỡ, bài học nào được đúc rút, thưa ông?

Bước chân ra khỏi giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp sẽ phải cơ cấu lại, có thể giảm quy mô, đóng cửa…, nhưng bài học lớn về quản trị, về tính chuyên nghiệp, minh bạch trong kinh doanh rất rõ ràng, sát sườn.

Cùng với đó, sự chuẩn bị cho thế hệ doanh nhân F2, thế hệ chạy tiếp sức trên hành trình kinh doanh không chỉ ở trong từng gia đình, mà trong nhà trường, xã hội và cả Chính phủ.

Chúng ta đang kỳ vọng vào thế rồng bay trong năm nay của kinh tế Việt Nam, với vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế và dòng chảy thương mại, đầu tư thế giới, nhưng với một khu vực kinh tế tư nhân đang yếu sức?

Đây là một trong những điều tôi trăn trở. Để hội nhập hiệu quả, cần sự vào cuộc chủ động, chuyên nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cũng rất cần sự quan tâm, hậu thuẫn kịp thời từ cơ chế chính sách.

Doanh nghiệp rất cần sự lắng nghe, đặt hàng của Chính phủ để thực hiện được các mục tiêu lớn của đất nước. Hãy tin ở cộng đồng doanh nghiệp, cho họ nhiều cơ hội để phát triển và đóng góp ngày càng nhiều cho sự thịnh vượng chung của dân tộc Việt Nam.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: “Tôi không e ngại nhắc đến liêm chính trong kinh doanh”
Với ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đạo đức, liêm chính trong kinh doanh chính là chìa khóa để doanh nhân thành công, doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư