Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Người tiên phong
Khánh Linh - 12/10/2014 20:47
 
Buổi sáng trên boong tầu 5 sao sang trọng, giữa sự mênh mang và tĩnh lặng của Vịnh Hạ Long, 5 người đàn ông thưởng thức hương vị cà phê sáng trong một một không khí đầy tâm trạng. Họ đang mạn đàm về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam của… hàng chục, hàng trăm năm tới.
TIN LIÊN QUAN

1

Buổi sáng trên boong tầu 5 sao sang trọng, giữa sự mênh mang và tĩnh lặng của Vịnh Hạ Long, 5 người đàn ông thưởng thức hương vị cà phê sáng trong một một không khí đầy tâm trạng. Họ đang mạn đàm về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam của… hàng chục, hàng trăm năm tới.

  Doanh nhân Phạm Đình Đoàn: Người tiên phong  
  Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái  

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói về chất lượng đào tạo với mối lo về nút thắt nguồn nhân lực có chất lượng của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước trong khu vực. Ông Đỗ Quý Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Viễn thông Việt Nam nói về những doanh nhân trẻ ít kinh nghiệm. ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch, Tổng giám đốc Constrexim - HOD nói về những người con đang ở ghế phó…

Ông Phạm Đình Đoàn là người trẻ nhất trong nhóm, nhưng có vẻ trăn trở hơn cả. Ông nói nhiều về những người con, người cháu, về sự chuẩn bị cho thế hệ kế nghiệp. “Doanh nghiệp Việt Nam giờ không thể hoạt động kiểu 'riêng ta có' được. Mỗi lần đi ra nước ngoài, gặp lại những đồng nghiệp, doanh nghiệp quen, thấy họ khác trước nhiều. Ngay cả các tập đoàn đa quốc gia, với bề dày trăm năm, họ cũng thay đổi hàng ngày để khổng lồ hơn. Vậy mà về Việt Nam, thấy doanh nghiệp, doanh nhân ta vẫn thế. Sốt ruột lắm. Phải bắt đầu chạy thật nhanh thôi”, ông chia sẻ với những người bạn cao niên.

Sinh năm 1964, doanh nhân Phạm Đình Đoàn đang ở tuổi đỉnh cao của một vòng đời với một sự nghiệp đáng nể. Ông đang là Chủ tịch của Tập đoàn Phú Thái, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Tập đoàn Phú Thái đang là công ty mẹ của vài chục công ty con, trong 5 lĩnh vực gồm phân phối, bán lẻ, logistics, công nghiệp, thời  trang, thuốc thú ý và đầu tư xây dựng hạ tầng bất động sản và bất động sản thương mại (hệ thống siêu thị, kho vận và trung tâm phân phối…). Có những công ty ông Đoàn thuê tổng giám đốc là người nước ngoài như PhuthaiCat - nhà phân phối và đại lý chính thức duy nhất của Caterpillar, tập đoàn sản xuất máy xây dựng, thiết bị khai mỏ, động cơ công nghiệp lớn nhất thế giới…

Ông cũng tham gia HĐQT của một số tập đoàn lớn của châu Âu, châu Á. Vào kỳ họp HĐQT của các doanh nghiệp này, thấy ông “bay” suốt, một mình với chiếc máy tính…

Có dịp tham gia một buổi họp HĐQT của Tập đoàn Phú Thái, mới thấy hết cảm giác sốt ruột của ông Đoàn. Với mô hình công ty cổ phần, dù là công ty của gia đình, độ mở của doanh nghiệp Việt Nam đã khá rộng, có sự tham gia góp vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cuộc họp HĐQT của một doanh nghiệp sẽ không chỉ toàn người Việt, những người cùng văn hóa, cùng tiếng nói, quen với cách tư duy lấy 9 bỏ làm 10…

“Nếu không theo chuẩn quốc tế, không nói tiếng nói của doanh nhân toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể có đối tác chiến lược, có người góp vốn đúng tầm như mình muốn”, ông Đoàn nói.

Một trong những bí quyết thành công mà ông Đoàn đã từng chia sẻ, đó là gây dựng uy tín để chơi với những người lớn nhất. Trong sự thay đổi của cuộc chơi toàn cầu, khi doanh nghiệp Việt Nam đang ở phía sau và rất xa với thế giới, thì để lớn mạnh, để bền vững, người chủ gây dựng muốn có những thương hiệu để đời, cách nhanh nhất là đi cùng với những người bạn lớn.

Ông Đoàn đang dẫn Tập đoàn Phú Thái theo đúng hướng này. Trong các kế hoạch hợp tác, liên doanh, liên kết của Phú Thái, đối tác luôn là những thương hiệu lớn của ngành.

2

Ông Đoàn vốn là người trầm tính và cẩn trọng. Làm việc với ông, có cảm giác như ông muốn lắng nghe hơn. Vậy mà khi nói về doanh nhân trẻ, ông nói như dốc bầu tâm sự.

Phạm Đình Đoàn từng là một thành viên tích cực của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội. Năm 2005, doanh nhân Phạm Đình Đoàn đã nhận Giải thưởng Sao Đỏ - giải thưởng tôn vinh doanh nhân xuất sắc của Hội Doanh nhân trẻ  Việt Nam dành cho doanh nhân dưới 40 tuổi. 

Hiện giờ, quá tuổi theo quy định của Hội, ông Đoàn vẫn là người đàn anh của những doanh nhân trẻ Hà Nội. Họ vẫn gặp gỡ và tìm kiếm những lời khuyên của nhau.

“Tôi khởi nghiệp vào năm 1993, khi cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh mới hé mở cho kinh tế tư nhân. Nhưng vì có cơ hội đi học nước ngoài, nhìn thấy những gì doanh nhân thế giới lúc đó làm, nhất là trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, tôi nhìn thấy tương lai của mình…”, ông kể.

Chặng đường phát triển của Phú Thái, cũng như của doanh nhân Phạm Đình Đoàn hơn 20 năm qua nhằm đúng giai đoạn có thể nói là nhiều kịch tích nhất của nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam. Đó là sự bùng phát vào đầu những năm 2000, sự ồ ạt, dễ dàng những năm 2005 - 2007, rồi thoái trào vào 2008 và trì trệ vào những năm gần đây.

“Tôi là người được học và chịu học, nên có thể có thói quen tính kỹ trước khi làm. Cũng từng nói với một vài anh là nên dừng lại khi những quả bong bóng thị trường quá lớn, hay khi nội lực kinh doanh lại là quan hệ. Nhưng giờ, tôi đang chứng kiến doanh nghiệp của họ lao đao, chứng kiến họ đối mặt với những khoản nợ mà không thể chia sẻ được. Buồn và trăn trở lắm”, ông tâm sự.

Có thể nói, ông Đoàn là một trong số ít doanh nhân học nhiều. Ông đang theo học tiến sỹ kinh tế ở nước ngoài. 

Vào những năm 2006 - 2008, khi cả xã hội đổ vào chứng khoán, bất động sản, ông Đoàn đi xây dựng hệ thống. Năm 2007, ông cùng với 3 ông lớn trong ngành phân phối, bán lẻ là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hệ thống phân phối Việt Nam (VDA) trong chiến lược… bó đũa, cách đối mặt với các đại gia bán lẻ nước ngoài khi thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa vào năm 2009 theo cam kết với WTO.

Khi đó, ông Đoàn đang ở vị trí phụ trách các vấn đề chính sách của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ông miệt mài nghiên cứu, tổ chức hội thảo, lên kế hoạch thành lập những tập đoàn tư nhân, trong đó phân phối sẽ thí điểm đi đầu.

Những buổi hội thảo, những cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao cũng có kết luận này nọ, rồi mọi việc rơi vào dĩ vàng. Ngay cả VDA ra mắt rầm rộ giờ cũng âm thầm lặng tiếng.

“Môi trường kinh doanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cách tốt nhất vẫn là học và chuẩn bị các điều kiện để chơi được với những doanh nghiệp, doanh nhân của thế giới”, ông nói.

3

Hiện giờ, 3 đứa con và 8 cháu của ông đang trong kế hoạch đào tạo của đại gia đình. Không chỉ chuẩn bị về tiền, về sự định hướng phát triển nghề nghiệp, ông Đoàn còn lập cả trường học vì … “không có trường nào phù hợp với chiến lược đào tạo những doanh nhân kế nghiệp như tôi và những người bạn đang tính”, ông lý giải.

Trường Phổ thông liên cấp Olympia không có tên trong danh sách các công ty thành viên của Tập đoàn Phú Thái, nhưng là nơi gia đình ông Đoàn dành khá nhiều tâm sức và nguồn lực để đầu tư. Khoản tiền đầu tư đã lên tới 150 tỷ đồng và còn có thể tiếp tục khi đầu tư vào giáo dục luôn tốn kém và cần thời gian dài để hoàn vốn.

Nhưng ông không muốn nói về điều đó. Lý do để trường Olympia ra đời cùng rất đặc biệt, đó là khi những người con, cháu trong gia đình không xác định được kinh doanh là một nghề như thế nào. Gia đình cũng không nhìn thấy ở các trường khác có câu trả lời. “Người con đầu của tôi lúc đầu học ở trường quốc tế, nhưng đến hết cấp 1 thấy không ổn, vì những người bạn của con mình là người Việt mà nói tiếng Việt không sõi. Là doanh nhân VIệt Nam, nếu không hiểu và yêu đất nước này, không hiểu và yêu con người Việt Nam thì không thể xây dựng doanh nghiệp Việt Nam được, dù anh có giỏi đến đâu, có hội nhập đến đâu”, ông Đoàn lý giải việc đưa con về học trường của mẹ.

Người con lớn đã ra nước ngoài học, như dự định của 80% học sinh của Trường Phổ thông liên cấp Olympia có bố mẹ là doanh nhân. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến du học, trường đã đào tạo cho học sinh của trường văn hóa Việt Nam, phong tục tập quán, truyền thống, nghĩa lễ của người Việt.

Theo ông Đoàn, ra nước ngoài với nền tảng văn hóa vững vàng, những người trẻ sẽ hội nhập nhưng không bị hòa tan. Họ sẽ biết cách so sánh, lựa chọn và học hỏi những điều mới mẻ của thế giới mà bố mẹ không sợ mất con.

“Thậm chí, môn học về kinh doanh, về nghề giám đốc… được đưa vào chương trình học chính thức để những người con của các doanh nhân hiểu bố mẹ, ông bà họ đang làm gì, hiểu gia sản mà họ đang được hưởng được gây dựng vất vả như thế nào, kích thích nhu cầu được hỗ trợ, được tham gia sự phát triển của gia nghiệp ngay từ nhỏ - cách tốt nhất để không có những “em chã” trong những gia đình giàu có”, ông nói.

Ngay cả với những người con không muốn theo nghiệp kinh doanh, cách dạy làm doanh nhân cũng sẽ trang bị cho những người trẻ tư duy năng động, khả năng nắm bắt cơ hội… của nghề kinh doanh. Để khi làm gì, thì họ cũng sẽ phát huy được thế mạnh đó.

Có dịp nói chuyện với bà Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường Phổ thông liên cấp Olympia, phu nhân của ông Đoàn về sự phát triển của trường, về mục tiêu “dạy các con của doanh nhân những thành công và thất bại của các thế hệ đi trước, để các em rút ngắn hơn thời gian phải trải nghiệm thực tế, sẵn sàng đón nhận trọng trách khi được giao”, có thể thấy rõ, không dễ dàng để tạo nên chất lượng tiêu chuẩn quốc tế cho đội ngũ doanh nhân kế cận.

Một mình Olymia không thể giải quyết được bài toàn chất lượng nhân lực đang làm đau đầu các lãnh đạo ngành giáo dục, nhưng như vợ chồng doanh nhân Phạm Đình Đoàn nói thì làm gì cũng phải bắt đầu, từng bước một, thì mới tính được điểm đến…

4

Là một trong số những người trẻ nhất trong thành viên sáng lập Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, ông Đoàn đang được chỉ định là Chủ tịch lâm thời.

Trong lễ ra mắt nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với nhiều ẩn ý, ông Phạm Đình Đoàn đã chia sẻ về việc sẽ giúp các doanh nhân Việt Nam kết nối, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với một vài tỷ phú của châu Á. “Họ cũng là những người có nền văn hóa, truyền thống châu Á, với quan niệm Á Đông khá tương đồng về dòng tộc, về gia đình, nhưng họ đã thành công và trở thành tỷ phú trong nền kinh tế toàn cầu. Có phải cứ doanh nghiệp gia đình là bé, là quản trị lạc hậu đâu. Chúng ta sẽ học trực tiếp từ những tỷ phú châu Á”, ông nói với những đồng nghiệp khác.

Có thể những bài học với tỷ phú của những thành viên đầu tiên của Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam sẽ là những viên gạch đầu tiên lót đường cho giấc mơ doanh nghiệp Việt Nam trường tồn của ông Đoàn, của những thành viên Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam và của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư