Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân Phạm Mạnh Tân: Chàng “dịch thuật” thích lãnh đạo kiểu dẫn đường
Anh Vũ - Anh Trung - 23/09/2017 09:55
 
Ulytan đang trên đường trở thành công ty có vị thế cạnh tranh uy tín nhất trên thị trường dịch thuật thầm lặng, nhưng có quy mô doanh thu lên tới trăm triệu USD/năm.

Giúp khách hàng tiết kiệm mọi thứ

Một sự thật là, có tới 90% người biết ngoại ngữ nói rất tốt, nhưng khi dịch văn bản lại không chuẩn, gây hậu quả nghiêm trọng cho công việc, ảnh hưởng đến thời gian, tiền bạc.

Có thể nêu một ví dụ để minh chứng. Chẳng hạn bạn đi làm 1 tháng được 10 triệu đồng, sếp giao bạn dịch 3 trang tài liệu, bạn dịch mất 1 ngày, tương đương chi phí 500.000 đồng, mà nội dung chưa chắc đảm bảo. Nhưng nếu sử dụng một đơn vị dịch thuật uy tín với mức phí 20.000 đồng/trang, bạn sẽ chỉ mất 60.000 đồng/3 trang, đảm bảo đúng hạn, không những được sếp tin tưởng, mà còn học hỏi kinh nghiệm dịch thuật từ những chuyên viên dịch thuật uy tín.

.
Doanh nhân Phạm Mạnh Tân, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Ulytan.

Đó là lý do cho sự ra đời và phát triển của Ulytan - thương hiệu dịch thuật của doanh nhân Phạm Mạnh Tân. Với đội ngũ chuyên gia dịch thuật, bản địa hóa ngôn ngữ dày dạn kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, am hiểu kiến thức sâu rộng…, Ulytan giúp khách hàng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và chi phí.

“Chúng tôi tự tin vào sự phát triển của Công ty, với hơn 146 chuyên ngành dịch thuật chuyên sâu và cao hơn nữa là việc bản địa hóa chính ngôn ngữ đó”, Phạm Mạnh Tân chia sẻ.

Không ai muốn bị đẩy ra khỏi vùng an toàn

Trong khuôn viên văn phòng chật hẹp, nơi góc phòng có nhiều thể loại sách kinh doanh, dịch thuật là những kỷ vật gợi nhớ những ngày đầu gian khó mà người chủ của nó rất trân trọng. Chàng thiếu niên gốc Hà Nội ngày nào giờ đã trở thành giám đốc công ty dịch thuật khá uy tín và được nhiều đối tác lựa chọn.

9 năm trước, Phạm Mạnh Tân khai sinh Ulytan. Đó là thành quả của những tháng ngày học tập, lao động, cống hiến ở xứ sở bạch dương. Đầu những năm 2000, sau khi tốt nghiệp cấp 3, chàng trai gầy còm lên đường sang Liên bang Nga học tập. Lúc đó, gia đình anh có cơ sở kinh doanh có tiếng ở Nga. Tuy nhiên, do người mẹ không thông thạo tiếng Nga, khiến cuộc sống và kinh doanh của gia đình gặp nhiều khó khăn.

Khi đó, mẹ anh thường bảo anh học giỏi tiếng Nga để giúp bà trong việc làm ăn, buôn bán với người bản địa. Chàng trai trẻ khi đó chưa ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với cuộc sống. Chỉ đến khi gia đình gặp biến cố phải phá sản, anh mới quyết tâm học giỏi ngoại ngữ và ấp ủ dự định mở một công ty dịch thuật sau khi về nước.

“Đúng thật, không ai muốn bị đẩy ra khỏi vùng an toàn như thế, nhưng tôi là chỗ dựa duy nhất cho mẹ tôi khi cả gia đình gặp biến cố. Tôi quyết định học giỏi ngoại ngữ để kinh doanh”, Tân chia sẻ.

Tiền thân của Ulytan là Công ty Dịch thuật Moscow với thương hiệu dichsach.vn, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch sách cho một số trường đại học ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi thị trường trở nên bát nháo, các công ty dịch thuật mọc lên như nấm, tranh cướp khách hàng của nhau, khiến anh có thời điểm đã phải chuyển kinh doanh dịch vụ làm visa đi Angola. Nhưng không được bao lâu, anh quyết định quay trở về với “người yêu” dịch thuật.

“Tôi không biết làm gì tiếp theo để duy trì sự nghiệp kinh doanh của mình. Dịch thuật là lĩnh vực duy nhất tôi cảm thấy mình đủ tự tin. Tôi quyết định quay lại để chiến đấu và tìm ra thị trường ngách để sống sót”, Tân nhớ lại.

Theo số liệu của Common Sense Advisory, thị trường dịch thuật Việt Nam đạt doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm và có tốc độ tăng trưởng 30%/năm, với hơn 800 công ty đăng ký hoạt động. Với những người kinh doanh có kinh nghiệm trong lĩnh vực này như Tân thì thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều đất để chiếm lĩnh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị cho hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều, nên nhu cầu về dịch thuật ngày càng cao.

Thị trường mục tiêu được Công ty Ulytan nhắm tới là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), công ty xuất khẩu lao động, công ty du học, công ty xuất nhập khẩu, Việt kiều, khách du lịch…

Dù là một thị trường “thầm lặng”, nhưng cuộc cạnh tranh trong thị trường dịch thuật khá gay gắt. Đa phần doanh nghiệp dịch thuật trong nước cạnh tranh bằng giá, chứ không bằng những giá trị gia tăng cho khách hàng. Nắm bắt được  yếu điểm này, Ulytan đã vươn lên, thoát khỏi mác cạnh tranh bằng giá. “Chúng tôi không cam kết giá rẻ nhất, nhưng chất lượng bản dịch thì phải nhất thị trường”, Tân cho biết.

Hiện Ulytan đã kết nối một mạng lưới những chuyên gia ngôn ngữ giỏi ở hơn 60 quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu dịch thuật, bản địa hóa ngôn ngữ trong thời kỳ toàn cầu hóa. Đặc biệt, Công ty Ulytan vẫn luôn tập trung vào thực hiện các đơn hàng với tốc độ nhanh hơn các đối thủ và chất lượng đảm bảo như cam kết, đồng thời mở rộng các kênh phân phối, tạo ra sự thuận lợi mỗi khi khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Công ty.

Trong thực tế, các trung tâm dịch thuật mọc lên như nấm, được quảng cáo rầm rộ có chất lượng hàng đầu, uy tín nhất trên thị trường, song chính các trung tâm dịch thuật này cũng không kiểm soát được chất lượng dịch vụ của mình, ngay cả khi người đứng đầu trung tâm là chuyên gia ngôn ngữ, vì một chuyên gia thường chỉ dịch được 10 - 20 trang tài liệu/ngày. Các trung tâm dịch thuật thường thuê người khác dịch, nhưng không kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, dẫn đến bản dịch thiếu chính xác. Vì vậy, không ít hợp đồng của doanh nghiệp bị đổ bể, người đi xin visa bị các đại sứ quán từ chối cấp, khách hàng hỏng việc vì các trung tâm dịch thuật thiếu chuyên nghiệp.

Biết đầu tư cho cuộc sống và kinh doanh

Khi Công ty bắt đầu đủ lớn và có nhiều khách hàng cũng là lúc Tân phải đối diện với nhiều khó khăn. Lúc công ty còn nhỏ, một mình Tân có thể làm được tất cả, từ vận chuyển đến thu tiền, bán hàng, kiêm luôn cả trực điện thoại, sửa máy tính, quét dọn vệ sinh. Khi Công ty lớn hơn, Tân phải thuê người để giúp mình làm các việc. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, nên khi tuyển dụng, Tân đã tuyển người không làm được việc, lại hay gây mất đoàn kết nội bộ.

Nhưng đó không phải là thất bại lớn nhất của Tân sau gần ấy năm dấn thân vào kinh doanh. “Khi đã có tiền, tôi tập trung vào quá nhiều lĩnh vực kinh doanh và ôm việc vào người quá nhiều. Đó là thất bại lớn nhất của tôi. Tôi đã từng đọc một cuốn sách nói về Alexander Đại đế (Nga), trong đó có nói đến việc ông đã đánh bại quân đội Ba Tư với quân số lớn gấp nhiều lần bằng cách tập trung vào một mục tiêu duy nhất, đó là tiêu diệt vua Darius - lãnh đạo tối cao của quân Ba Tư. Alexander đã giành chiến thắng nhờ chiến lược này. Tôi cũng quyết định phải tập trung vào một mục tiêu”, Tân cho biết.

Với Tân, cuộc sống cũng như kinh doanh phải biết đầu tư. Trong kinh doanh, khi mở công ty, bạn phải đầu tư tiền bạc vào việc mua sắm mọi thứ thì mới tạo ra lợi nhuận. Trong cuộc sống cũng vậy, bạn hãy đầu tư bằng cách tốt với mọi người, giúp đỡ họ trước. “Trong Công ty, tôi luôn cố gắng dành cho nhân viên của mình thật nhiều. Cái tôi cho họ là kiến thức, kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy”, Tân chia sẻ.

Vì lẽ đó, anh thích phong cách lãnh đạo kiểu dẫn đường. Với phong cách này, mục tiêu đặt ra luôn cao, nên phải cân nhắc rất kỹ nếu đội ngũ trong Công ty chưa thực sự khát khao chiến thắng. Hiện tại, anh đang cố gắng xây dựng cho mình một phong cách lãnh đạo tuỳ thuộc vào đội ngũ mà anh lãnh đạo, từ đó, anh sẽ dẫn dắt họ theo cách phù hợp nhất.

Chat với Doanh nhân Phạm Mạnh Tân

Lý do nào khiến anh tham gia Chương trình CEO – Chìa khoá thành công?

Tôi muốn nghe những câu chuyện thực tế mà các chuyên gia học thật, làm thật chia sẻ tại chương trình này.

Anh đã học được những điều gì?

Nên có một cái nhìn toàn diện, chứ không thể vì một lý do nhỏ mà làm hỏng mục tiêu chung.

Anh có lời khuyên đến các bạn trẻ?

Họ không có gì để mất, nên hãy cứ làm mọi việc đi.

Anh muốn nói điều gì về mình mỗi khi có cơ hội chia sẻ?

Một người cầu toàn, luôn chấp nhận sự thay đổi và sẽ luôn học hỏi để thay đổi đến khi nào tôi không còn khả năng thay đổi, không còn khả năng làm việc nữa thì thôi.

Anh có rất nhiều sách chiến lược kinh doanh. Cuốn nào khi gấp lại mà anh vẫn muốn mở ra đọc lại?

Đó là cuốn “Khác biệt hay là chết” của tác giả Jack Trout. Tôi học được nhiều câu chuyện thú vị về chiến lược khác biệt hóa đã làm nên thành công của các thương hiệu hàng đầu thế giới như Heineken, Pepsi, Humberger.
Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng với giấc mơ “Uber” trong bất động sản
Dám buông bỏ thành công nhỏ để theo đuổi mục tiêu lớn khi có cơ hội, doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư PMAX đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư