Thứ Năm, Ngày 17 tháng 07 năm 2025,
Mạc Đức Mạnh, nhà sáng lập Sóc Con Fast Food: Từ xe chè nhỏ đến chuỗi quán ăn Việt giữa lòng Tokyo
Nhung Bùi - 17/07/2025 08:57
 
Hành trình khởi nghiệp nơi xứ người của vợ chồng anh Mạc Đức Mạnh không chỉ là câu chuyện mưu sinh, mà còn là hành trình gìn giữ và đưa hương vị quê nhà bay xa.
Mạc Đức Mạnh, nhà sáng lập Sóc Con Fast Food
Mạc Đức Mạnh, nhà sáng lập Sóc Con Fast Food.

Khởi nghiệp từ gánh chè nhỏ giữa lòng Tokyo

Tháng 5/2015, giữa những cơn mưa mùa hè Tokyo (Nhật Bản), ga tàu Shinokubo trở thành điểm dừng chân quen thuộc của một chàng trai Việt Nam. Hằng ngày, anh đạp xe chở gánh chè nhỏ, kiên nhẫn mời chào từng khách hàng là người Việt xa quê. Chàng trai đó là Mạc Đức Mạnh, du học sinh quê Hải Phòng, khi đó học tập và làm thêm tại Nhật Bản.

Dù thu nhập từ mỗi ly chè không nhiều, chỉ 300 yên (khoảng 50.000 đồng), nhưng Mạnh vẫn miệt mài bán hàng, bởi theo anh, “điều hạnh phúc nhất là nhìn thấy ánh mắt khách hàng sáng lên khi thưởng thức hương vị chè Việt, giữa nơi đất khách quê người”.

Ít ai biết rằng, ý tưởng khởi nghiệp với món chè đến từ lần anh Mạnh về Việt Nam tổ chức đám cưới với chị Nguyễn Ngân Nhi - bạn gái đồng hương, cùng là du học sinh tại Nhật Bản. Trong lần đi mời cưới họ hàng, nhìn thấy gánh chè thập cẩm nhỏ, nhưng đông khách của người bác, vợ chồng anh Mạnh bất chợt nghĩ đến việc mang món ăn vặt giản dị ấy sang Nhật.

Món ăn Việt vẫn có chỗ đứng ở quốc tế, nếu giữ được hương vị truyền thống và làm bằng cái tâm.

- Mạc Đức Mạnh, nhà sáng lập Sóc Con Fast Food

“Lúc đó, chúng tôi không nghĩ được gì nhiều, chỉ đơn giản nghĩ rằng, món chè này chắc chắn có thể giúp chúng tôi trang trải cuộc sống”, chị Nhi nhớ lại.

Sau đám cưới, hành lý trở lại Nhật của đôi vợ chồng trẻ là 80 kg gạo nếp, đậu, bột cốt dừa và đủ thứ nguyên liệu để nấu chè. Trong căn phòng trọ vỏn vẹn 20 m2, suốt nhiều ngày, chị Nhi nấu chè, rồi gửi tới bạn bè người Việt ăn thử để góp ý. Nhiều nồi chè hỏng phải đổ đi, có lần hai vợ chồng phải ăn chè thay cơm vì tiếc của. Qua nhiều lần điều chỉnh, cuối cùng, hai vợ chồng tìm được công thức chè đạt vị ngon. Họ bắt đầu đăng bán trên các hội nhóm người Việt ở Nhật. Không ngờ, những bài đăng đầu tiên đã nhận về hàng ngàn lượt tương tác, đơn hàng đổ về liên tục.

Lúc đó, chị Nhi mang thai, nên công việc giao hàng do anh Mạnh đảm nhận. Sáng đi học, chiều anh đạp xe hàng chục cây số đi giao chè tại ga Shinokubo. Khách đông, có ngày, Mạnh chạy không kịp, điện thoại reo liên tục. Nhận thấy hình thức giao hàng lẻ tẻ không hiệu quả, anh chuyển sang đứng bán trực tiếp ở ga.

Anh Mạnh nhớ lại, đó là khoảng thời gian không dễ dàng. Có hôm, do mệt quá, anh đạp xe về nhà nghỉ một lúc rồi lại quay ra bán tiếp. Nhưng dần dần, gánh chè nhỏ của anh đã có khách hàng quen thuộc, không chỉ là người Việt, mà cả thực khách Nhật.

Anh Mạnh tiết lộ, để giữ được khách, mỗi mẻ chè đều phải đảm bảo tuyệt đối về chất lượng. Có lần, nước cốt dừa bị khê, anh buộc phải đổ đi toàn bộ. “Khách Nhật rất kỹ tính, chỉ cần ăn một lần không ngon, họ sẽ không quay lại nữa”, anh chia sẻ.

Trong một năm bán rong, doanh số bán chè của hai vợ chồng tăng đều đặn, có ngày đạt 500 cốc. Thu nhập từ bán chè bắt đầu cao hơn cả công việc làm thêm trước kia. Vợ chồng Mạnh quyết định nghỉ hết các công việc bốc vác, làm siêu thị…, để tập trung cho gánh chè nhỏ. Từ đây, họ chính thức bước chân vào hành trình lập nghiệp nơi đất khách.

Hiện thực hóa giấc mơ ẩm thực nơi xứ người

Năm 2017, sau hai năm rong ruổi với gánh chè, anh Mạnh và chị Nhi mở quán ăn đầu tiên tại Tokyo. Họ dùng toàn bộ số vốn 600 triệu đồng tích góp được, cùng khoản vay 1 tỷ đồng từ họ hàng, để chuẩn bị cho hành trình mới. Quán ăn nằm trên một mặt bằng nhỏ gần ga Shinokubo, nơi tập trung cộng đồng người Việt. Vợ chồng anh Mạnh đặt tên quán là Sóc Con Fast Food. Sóc Con là tên gọi thân mật của cô con gái đầu lòng. Với anh Mạnh, cái tên này không chỉ là lời nhắc về gia đình nhỏ của mình, mà còn là động lực giúp hai vợ chồng kiên trì trong từng bước đi.

Khởi đầu chỉ với xôi, chè, nem rán và bún thịt nướng, quán Sóc Con nhanh chóng trở thành điểm hẹn của cộng đồng người Việt xa quê. Những ngày tháng ban đầu, vợ chồng Mạnh tự tay làm tất cả mọi việc, từ bếp núc, phục vụ, đến rửa bát. Có những ngày cao điểm, họ làm việc đến 4 giờ sáng, chợp mắt vài tiếng rồi lại dậy đi chợ. Nhưng theo chị Nhi, những ngày tháng vất vả ấy cũng là quãng thời gian hạnh phúc nhất, bởi từng món ăn quê nhà được khách hàng yêu thích và đón nhận.

Sau khi quán đầu tiên đi vào ổn định, vợ chồng Mạnh mạnh dạn mở thêm 2 quán ăn vào năm 2020. Đến năm 2022, cửa hàng thứ tư chính thức ra đời. Hiện nay, khách hàng của chuỗi quán không chỉ là người Việt, mà hơn 60% là khách Nhật và khách quốc tế từ Australia, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Không dừng lại ở số lượng, vợ chồng Mạnh luôn chú trọng giữ gìn hương vị chuẩn Việt trong từng món ăn. Có thời điểm, thực đơn trong quán lên tới gần 100 món, chất lượng bị dàn trải, lượng khách sụt giảm. Rút kinh nghiệm, anh Mạnh quyết định thu hẹp menu, chỉ giữ lại các món thế mạnh như xôi, chè, bánh mì. Anh Mạnh thậm chí còn về Việt Nam hơn 10 lần, học nghề từ các quán nổi tiếng ở Hà Nội, Hải Phòng để hoàn thiện công thức.

“Bánh mì phải giữ vỏ giòn, nóng hổi, không thay đổi vị Việt chỉ để phù hợp khẩu vị người Nhật. Tôi muốn người ta cầm trên tay ổ bánh mì đúng vị Việt Nam, như một cách giới thiệu ẩm thực đất nước mình”, anh Mạnh chia sẻ.

Sự cầu thị và kiên trì đã giúp thương hiệu Sóc Con dần khẳng định được chỗ đứng. Vào năm 2023, Đài truyền hình NHK của Nhật Bản chọn quán Sóc Con để ghi hình, giới thiệu món xôi, chè Việt đến khán giả trong nước.

Hiện tại, dù đối mặt không ít khó khăn do kinh tế đi xuống, chi phí nguyên liệu tăng, anh Mạnh và chị Nhi vẫn bám trụ với nghề. Họ coi chuỗi quán không chỉ là kế sinh nhai, mà là “sứ giả” giúp quảng bá ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản.

Doanh nhân Hồ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TripHunter: Khát khao phụng sự luôn là ngọn lửa dẫn đường
Tư duy công nghệ cùng khát khao kiến tạo và phụng sự đã thôi thúc doanh nhân Hồ Anh Tuấn bước vào cuộc chơi chuyển đổi số bằng trí tuệ nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư