Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2018)
Doanh nhân Phan Văn Quý: “Người chiến sỹ ấy…”
Thùy Nhung - 22/12/2018 09:05
 
Năm 23 tuổi, khi là chiến sỹ lái xe Trường Sơn, Phan Văn Quý được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 45 tuổi, ông bước vào thương trường sau khi nghỉ hưu. Năm 57 tuổi, ông tự ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội. Tập đoàn Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch HĐQT đã và đang đồng hành cùng nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới với những dự án tỷ đô. Có quá nhiều điều để nói về ông - “người chiến sỹ ấy”...

1.

Năm 2012, tôi có dịp làm việc với ông Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương. Khi đó, ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII. Những bài phát biểu trên diễn đàn Quốc hội của ông liên quan đến các đề tài khá nóng bỏng lúc bấy giờ về kinh tế biển, nội địa hóa, đấu thầu… như một hấp lực khiến tôi quan tâm và tìm đến ông.

Ông Phan Văn Quý phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội.
Ông Phan Văn Quý phát biểu trong phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội.

Ông trăn trở nhiều, nhưng vấn đề nội địa hóa là điều mà ông quan tâm hơn cả. Ông bảo, không có công nghiệp phụ trợ thì không có nội địa hóa. Không có nội địa hóa thì thu hút đầu tư nước ngoài sẽ không mang lại hiệu quả cao và bền vững. Nghĩ sao làm vậy, ông bắt đầu dành thời gian để bước vào lĩnh vực mới: tổng thầu các dự án năng lượng.

Đúng 2 năm sau, ngày 9/3/2014, báo chí dồn dập đưa tin khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu Mitsubishi (Nhật Bản), Doosan (Hàn Quốc), Công ty cổ phần Tư vấn điện 2 và Tập đoàn Thái Bình Dương thực hiện tổng thầu EPC. Đây cũng là dự án đầu tiên có doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia tổng thầu cùng các tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới.

Hôm khởi công dự án, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội) đến dự. Trong bài phát biểu của mình, Phó thủ tướng khẳng định, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án đầu tiên trong 3 dự án điện cấp bách của Chính phủ… Dự án thành công sẽ tạo tiền đề để nhân rộng sang các mô hình khác.

Trong Lễ khởi công dự án, tôi nhận thấy trong ánh mắt ông niềm vui khôn tả. Ông bảo: “Phía Việt Nam thực hiện chiếm 37% tổng giá trị Hợp đồng EPC. Sẽ có khoảng 500 triệu USD của Dự án do các doanh nghiệp trong nước thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc giải quyết việc làm, phát triển nội địa hóa và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh phát triển”.

Sau ngày khởi công, Tập đoàn Thái Bình Dương bắt tay ngay vào việc thực hiện gói thầu hạ tầng. Địa tầng ở dự án đa dạng và bất ổn, nhiều lúc máy móc trong nước “bó tay”. Rất nhiều hôm, ông và các chuyên gia, kỹ sư thức trắng đêm để tìm giải pháp thi công.

Ngày bàn giao mặt bằng dự án, ông vui lắm. Vui vì phần công việc Tập đoàn đảm nhiệm đã về đích đúng hẹn, được chủ đầu tư ghi nhận và khen thưởng; vui vì sự thành công của Tập đoàn đã góp phần giúp Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 trở thành dự án điện đầu tiên hoàn thành vượt tiến độ, hòa lưới điện quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là một trong 5 công trình của cả nước được Bộ Xây dựng công nhận là “Công trình tiêu biểu” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành xây dựng (29/4/1958 - 29/4/2018). Trong niềm vui chung của ngành xây dựng, điện lực còn có niềm vui của các đơn vị tham gia liên danh tổng thầu dự án, trong đó có Tập đoàn Thái Bình Dương do ông Phan Văn Quý làm Chủ tịch HĐQT.

Tổng thầu đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh mũi nhọn của Tập đoàn Thái Bình Dương. Không chỉ thực hiện công trình trong nước, giờ đây, Tập đoàn Thái Bình Dương vươn mình hội nhập, triển khai các dự án trong khu vực cùng các đối tác lớn ở trong và ngoài nước.

2.

Ngày khởi công Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, tôi có dịp cùng Chủ tịch Phan Văn Quý ghé thăm một vùng đất rộng lớn mà Tập đoàn dự kiến triển khai Dự án Vĩnh Tân Paradise. Bác tài xế giỏi đường trường, chẳng ngại cỏ bạt ngàn, um tùm, lủng củng đất đá. Xe chạy lắc lư, va đập thành trên, ghế dưới, rồi cũng đưa chúng tôi ra đến mép biển. Cái mặn mòi của biển, cái ràn rạt của gió làm chúng tôi bừng tỉnh. “Mát quá!”, Chủ tịch Quý thốt lên.

Biển Bình Thuận sóng lớn, nhất là vào mùa gió chướng. Ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, khi sóng lớn, tàu thuyền rất khó cập bến, nên phải làm đê chắn sóng, mà đê chắn sóng thì cơ man nào là tiền và hầu như chỉ ngân sách nhà nước mới kham nổi. Tôi thấy ông phóng tầm mắt ra xa, miên man nghĩ.

Bẵng đi 1 năm, từ bãi đất trống, rải rác có vài lối mòn do bà con đi ra biển đã trở thành Dự án Cảng Quốc tế Vĩnh Tân. Hôm khởi công Dự án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (nay là Phó thủ tướng Chính phủ) và Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng đã tới dự, chúc mừng tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Thái Bình Dương.

Mới đây, ông Quý điện thoại báo tin vui, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân sẽ khánh thành vào đầu tháng 1/2019 và tiếp tục đầu tư mở rộng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Thuận, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Đất nước ở thời kỳ quá độ muốn phát triển phải bắt đầu từ sản xuất, từ công nghiệp… Từ ý nghĩ ấy, Phan Văn Quý đã và đang chỉ huy con tàu Thái Bình Dương hướng đến vị trí tốp đầu trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, đóng góp một phần sức lực vào công cuộc dựng xây đất nước.

3.

Là đại biểu Quốc hội khóa XIII từ một doanh nhân tự ứng cử, câu chuyện tranh cử của ông Phan Văn Quý cũng đến lạ. Trong một dịp tranh cử tại Tổ bầu cử số 3 của tỉnh Nghệ An, ông phát biểu rằng, nếu phải lựa chọn giữa chúng tôi, xin cử tri hãy bỏ phiếu cho anh Phan Trung Lý và các anh khác. Các anh ấy có năng lực và nhiều năm đóng góp cho Quốc hội. Còn tôi, nếu không trúng cử đại biểu Quốc hội, tôi vẫn là doanh nhân với công việc kinh doanh thường nhật của mình. Sau này, khi tâm sự với nhiều người, có vị đại biểu Quốc hội trong Tổ bầu cử số 3 đã nói: “Chưa từng thấy ai tranh cử mà lại vận động cử tri bầu cho người khác như ông”.

Ông là thế, không màu mè, hào nhoáng, không thích nói về mình. Ông không dùng điện thoại thông minh, không dùng siêu xe và cũng không dùng hàng hiệu. Trên túi áo ông luôn sẵn có một chiếc bút bi, một tờ giấy trắng để sẵn sàng ghi lại những bài học quý từ đối tác, khách hàng, hay những ý tưởng lóe lên trên mỗi hành trình và mỗi bước ông đi...

Trong số những ý kiến của ông và các đại biểu được Quốc hội ghi nhận, phải kể đến đề xuất phát triển công nghiệp quốc phòng, kinh tế biển, hay đề xuất điều chỉnh tỷ lệ 30% thành 25% tại khoản 2, Điều 14 của Dự thảo Luật Đấu thầu, mục b quy định ưu đãi cho nhà thầu liên danh…

Có lần đến thăm ông vào cuối ngày làm việc, sau khi tham gia buổi họp của Quốc hội trở về công ty, ông lại dành thời gian để chuẩn bị nội dung cho bài phát biểu tại nghị trường ngày hôm sau. Ông chỉnh sửa từng câu, từng chữ. Rồi ông bấm đồng hồ để đọc đi, đọc lại sao cho không quá 7 phút. Ông bảo, Quốc hội cho 7 phút để phát biểu, nếu phát biểu quá thời gian cho phép 1 phút thì sẽ giảm thời gian phát biểu của đại biểu khác và làm gần 500 đại biểu mất tổng cộng gần 500 phút. Đó là một sự lãng phí đáng trách.

Có lẽ cũng chính vì nghĩ cho mọi người trước khi nghĩ đến mình, nghĩ cho cái chung trước khi nghĩ đến cái riêng, nên khi nhận xét về ông, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khóa XIII, ông Phạm Văn Tấn nói: “Ông Quý là người luôn biết lo cho tổng thể”.

4.

Năm 2007, khi miền Trung vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, ông Phan Văn Quý đã cùng một số nhà hảo tâm gặp ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đề nghị ông tham gia cuộc vận động quyên góp hỗ trợ miền Trung.

Cuộc vận động thành công ngoài mong đợi. Ông và các thành viên nảy ra ý tưởng thành lập quỹ có tư cách pháp nhân để vận động, quyên góp cho công tác phòng tránh thiên tai tại miền Trung. Tháng 3/2009, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung do ông Phan Diễn làm Chủ tịch và ông là Phó chủ tịch Thường trực. Sau gần 10 năm, Quỹ đã nhận được gần 500 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, xây dựng được gần 100 nhà cộng đồng phòng tránh bão, trồng hàng trăm héc-ta rừng ngập mặn thuộc 14 tỉnh duyên hải miền Trung.

Ông Phan Văn Quý còn là sáng lập viên Quỹ Tâm Tài Nghệ An, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Ông và Tập đoàn đã dành gần 100 tỷ đồng để tài trợ cho các hoạt động từ thiện, xã hội trên địa bàn cả nước. Nhiều chương trình mang sáng kiến của ông Phan Văn Quý đã được nhiều bộ, ban, ngành, hội ở Trung ương và địa phương ghi nhận, như Cuộc thi “Sâu nặng ân tình”, “Hào khí Trường Sơn”, chương trình bình xét và trao thưởng của Quỹ Tâm Tài Nghệ An…

5.

Năm 23 tuổi, khi là chiến sỹ lái xe Trường Sơn, Phan Văn Quý được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 45 tuổi, ông chính thức bước vào thương trường sau khi đã nghỉ hưu với quân hàm trung tá. Năm 57 tuổi, ông tự ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội. Tập đoàn Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch đã và đang đồng hành cùng nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới với những dự án tỷ đô. Có quá nhiều điều để viết về ông, thế nhưng, tìm thông tin về ông trên trang tìm kiếm khổng lồ Google cũng chỉ có những bài phát biểu chuyên sâu về kinh tế, còn thông tin về ông, chỉ vỏn vẹn: Phan Văn Quý, sinh năm 1954 tại Nghệ An, là đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông nhập ngũ cuối năm 1971 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976…

Doanh nhân Phan Văn Quý: Từ thương trường tới nghị trường
Theo ông Phan Văn Quý, để mỗi đại biểu nói đúng tiếng nói của ngành mình, cương vị của mình, không gì thuyết phục hơn là đóng góp bằng những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư