Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Đại biểu Phan Văn Quý: Phát triển kinh tế biển cần cơ chế đặc thù
Hà Thanh - 03/11/2015 10:17
 
Doanh nhân - Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (Đoàn Nghệ An) cho rằng, kinh tế biển là lĩnh vực đặc thù, do đó cần có cơ chế tổ chức đặc thù, trong đó cần dành nhiều hơn nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội.

Góp ý tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, Đại biểu Phan Văn Quý nhận định, so với các kỳ họp đầu khóa, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên những năm gần đây tình hình thế giới khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen. Cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, Đại biểu Phan Văn Quý đồng thời nhấn mạnh hai vấn đề lớn.

Vấn đề thứ nhất là, phát triển kinh tế biển cần tăng cường nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tầu quân đội, bởi kinh tế biển là lĩnh vực kinh tế đặc thù nên việc tổ chức thực hiện cũng phải có cơ chế đặc thù.

Tại Kỳ họp thứ 3 khi góp ý về Luật biển, ông đã đề nghị cần san bớt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho một số doanh nghiệp cùng ngành của Bộ quốc phòng. Đồng thời tại buổi chất vấn tại hội trường ngày 13/6/2012, ông cũng đã gửi tới Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư câu hỏi: Theo Bộ trưởng có cần san bớt nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cho cho một số doanh nghiệp cùng ngành của Bộ quốc phòng không? Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đồng tình và ủng hộ sẽ đưa nội dung này vào chương trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 5, Đại biểu Phan Văn Quý tiếp tục đề nghị cần san xẻ nhiệm vụ kinh tế biển của các đơn vị yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ cho các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực.

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An)
Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An)

"Chúng tôi kiên trì nhiều lần đưa ra vấn đề trên, vì mấy lý do. Trước hết là vì an ninh biển đảo. Phát triển kinh tế biển đi đôi với công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh biển đảo là một quy trình hợp lý mà doanh nghiệp quân đội đóng vai trò quan trọng là cần thiết. Có chuyên gia đã khẳng định mọi lời tuyên bố và chủ quyền chỉ mang lại lợi ích quốc gia, khi nó gắn liền với thực lực và thông qua sự hiện diện quốc gia tại vùng biển có chủ quyền. Hai là, kinh nghiệm quốc tế cho thấy thực tế cần có những doanh nghiệp quốc phòng mạnh. Nhìn ra khu vực, chúng ta có thể thấy Công ty ST Engineering thuộc tập đoàn Temasek của Singgapore là một ví dụ. Đây là công ty đại chúng có khoảng 35.000 cổ đông, nhà nước chiếm khoảng 50%, nhưng trong 5 năm gần đây doanh thu trung bình mỗi năm của đơn vị này khoảng 5 tỷ USD, xếp số 1 của Đông Nam Á về công nghiệp quốc phòng và kinh tế biển", ông Phan Văn Quý nói.

Về doanh nghiệp quân đội, thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp quân đội của nước ta được tổ chức chặt chẽ, có hệ thống từ cơ quan bộ đến các đơn vị thành viên, do vậy khi xảy ra bất ổn, việc xử lý rất nhanh. Những năm qua, một số doanh nghiệp quân đội đã thành công với nhiều thương hiệu, nổi bật như Viettel, Tân Cảng, Ba Son, Sông Thu, Hồng Hà, MB, trong đó các nhà máy đóng tàu quân đội đã cho xuất xưởng những chiếc tàu hiện đại, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của quân sự và xuất khẩu. Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội, tuy nhà nước sở hữu vốn gần 40% nhưng với phương thức quản trị điều hành mang màu sắc áo lính MB vẫn phát triển ổn định trong tư thế vững vàng, tin cậy.

Như vậy, việc tăng nguồn lực cho doanh nghiệp quân đội để đóng tàu, để các doanh nghiệp này đổi mới công nghệ, dẫn dắt ngành đóng tàu cả nước góp phần tăng cường khai thác kinh tế biển và đảm bảo an ninh biển đảo là cần thiết, hợp lý. Phát triển ngành đóng tàu cần đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình nội địa hóa.

Hiện nay, chúng ta đã có quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đây là chủ trương đúng, từ Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ năm 2002, chương trình nội địa hóa ngành năng lượng được đẩy mạnh và từng bước có hiệu quả.

Trong 3 năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí đã có nhiều công trình với tỷ lệ nội địa hóa cao, trong đó có công trình đạt tới 35-40%. Tuy nhiên, đến năm 2018-2020 khoảng 90% dòng thuế sẽ bị xóa và dự kiến đến năm 2028, 2030 trên 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có dòng thuế suất bằng 0, theo cam kết các hiệp định song phương và đa phương mà nhà nước ta đã ký. Như vậy, việc sản xuất và chế tạo của các ngành sẽ bị co lại, nhưng dư địa cho ngành đóng tàu sẽ còn rất lớn.

Do đó, Việt Nam cần có quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá trong ngành đóng tàu, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cho ngành công nghiệp đóng tàu và sản phẩm nội địa hóa phải được tối đa.

Theo Đại biểu biểu Quốc hội, doanh nhân, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Quý, để chương trình phát triển kinh tế biển có hiệu quả, tạo thêm được nhiều nguồn lực cho ngành đóng tàu của cả nước góp, phần bảo vệ và giữ vững an ninh biển đảo, cần phải sớm tăng thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp đóng tàu quân đội, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp này theo mô hình ngân hàng quân đội, có lộ trình nâng Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng thành Luật phát triển công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh đó, phát triển ngành đóng tàu cần đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình nội địa hóa. Cần có chương trình nội địa hóa trong ngành đóng tàu, như Quyết định 1791 của Thủ tướng Chính phủ đang thực hiện tại ngành năng lượng và sớm ban hành Luật nội địa hóa.

Đại gia đóng tàu thế giới muốn mua công ty con của SBIC
Tập đoàn đóng tàu nổi tiếng thế giới Damen muốn mua ít nhất 70% cổ phần của Công ty Đóng tàu Sông Cấm thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư