Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Phan Văn Quý: Từ thương trường tới nghị trường
Bá Thư - 12/02/2014 10:24
 
Theo ông Phan Văn Quý, để mỗi đại biểu nói đúng tiếng nói của ngành mình, cương vị của mình, không gì thuyết phục hơn là đóng góp bằng những việc làm, những trải nghiệm từ thực tiễn công việc. Nhìn toàn cục để thu hút đầu tư nước ngoài >Thái Bình Dương quan tâm đầu tư sang Myanmar >Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Thần tốc để về đích đúng hẹn >Thu xếp 1,36 tỷ USD cho Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

Từ thương trường tới nghị trường

Lần đầu tiên tham gia nghị trường Quốc hội, với vai trò là Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, doanh nhân Phan Văn Quý đã có một số góp ý được ghi nhận tại các văn bản Luật. Dù vậy, nhắc đến việc này, ông vẫn giữ phong thái nhỏ nhẹ, điềm tĩnh thường thấy, vì theo ông, đó chỉ là những đúc rút từ va vấp thực tiễn mà ông thấy cần chia sẻ, mong góp phần gì đó cho cộng đồng doanh nhân và xã hội.

Doanh nhân Phan Văn Quý: Từ thương trường tới nghị trường

Đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) góp ý tại nghị trường
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa rồi, góp ý của Đại biểu Phan Văn Quý vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được nhiều người ghi nhận.

Trong Luật Đấu thầu (sửa đổi), Tại Khoản 2, Điều 14 của Dự thảo, mục b quy định ưu đãi cho nhà thầu liên danh trong đó các thành viên là nhà thầu trong nước đảm nhận từ 30% trở lên giá trị công việc của gói thầu, ông đã góp ý, đề nghị điều chỉnh tỷ lệ 30% thành 25%.

Đề xuất này của ông cũng xuất phát từ một thực tế là, để triển khai các dự án, đa số các chủ đầu tư đều đối ứng vốn khoảng 15%, còn lại khoảng 85% là vay vốn thương mại của các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Trong khi đó, theo Điều 10 quy định của Tổ chức OECD, để vay được tối đa 85% vốn thì tỷ lệ nội địa hóa của gói thầu là khoảng 26%. Do vậy, việc điều chỉnh tỷ lệ nói trên là phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Trước đó, Đại biểu Phan Văn Quý đã có những đề xuất, góp ý được ghi nhận, liên quan đến Luật Bảo hiểm tiền gửi, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, kinh tế biển…

“Diễn đàn Quốc hội tập hợp các đại biểu gồm nhiều thành phần, cương vị, lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ cấp quản lý, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục, các doanh nghiệp… Do đó, mỗi đại biểu cần nói lên tiếng nói của ngành mình, cương vị của mình. Như vậy sẽ góp phần thu hẹp tối đa khoảng cách giữa thực tiễn đời sống với cơ chế, chính sách, cũng là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”, đại biểu Phan Văn Quý chia sẻ.

Làm từng việc nhỏ vì doanh nghiệp Việt

Nhờ luôn tâm niệm phải bắt tay làm việc trước, để mỗi ý tưởng đã trở thành hình hài, nắm được, nhìn được rồi mới đề xuất, nên có thể hiểu vì sao, những đóng góp của Đại biểu Phan Văn Quý tại nghị trường Quốc hội có được sự sát thực và sức thuyết phục để được ghi nhận.

Cũng chính với cách làm đó mà ở cương vị một doanh nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương luôn cảm thấy nhẹ nhõm, khi Công ty ông luôn được các đối tác cả trong và ngoài nước tôn trọng.

Mới đây, Tổ hợp nhà thầu gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2), Tập đoàn Công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc) và Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã ký kết Hợp đồng EPC “Thiết kế, mua sắm, xây lắp Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4” với chủ đầu tư là Tổng công ty Phát điện 3 (EVN), trị giá hợp đồng lên tới 1,36 tỷ USD.

Việc ký kết Hợp đồng EPC này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong lĩnh vực tổng thầu, khuyến khích nhà thầu trong nước liên doanh với các nhà thầu quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động trong nước.

“Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 494/CT-TTg ngày 20/10/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, thực hiện chủ trương cuộc vận động ‘người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’, thì chính những dự án như thế này là cách làm thiết thực nhất”.

Sự thiết thực mà doanh nhân Phan Văn Quý nói đến hoàn toàn không phải là thứ mơ hồ, mà là cái nhìn thấy được, đo đếm được.

Theo tính toán của một cán bộ ngành điện lực, phần thiết kế kỹ thuật trong gói thầu EPC có trị giá lớn và PECC2 chiếm hơn một nửa giá trị này. Đây cũng là lần đầu tiên một đơn vị thiết kế của ngành điện Việt Nam với nhà thầu nước ngoài tham gia với tư cách một thành viên của Tổ hợp nhà thầu EPC.

Không chỉ PECC2 tham gia phần thiết kế và giám sát dự án, một phần chế tạo cơ khí và thiết bị phụ trợ cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng sẽ được thực hiện ở Việt Nam. Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương đảm nhận phần hỗ trợ thu xếp vốn từ nước ngoài và thực hiện công việc mua sắm các thiết bị phụ trợ cung cấp cho nhà máy. Từ cách làm này, một số nhà máy sản xuất trong nước sẽ có điều kiện cung cấp hàng hoá cho dự án.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, khi dự lễ ký kết EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cũng rất tin tưởng và đánh giá rằng, đây là cơ sở để kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn lên trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thương trường và có được sản phẩm đạt chất lượng tốt, với chi phí hợp lý.

Việc đảm nhận ngày càng nhiều hơn phần công việc trong những gói thầu EPC của các công trình công nghiệp lớn như tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động được công việc của mình, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các nhà thầu nước ngoài.

Tuy nhiên, theo doanh nhân Phan Văn Quý, để doanh nghiệp Việt trưởng thành, tự tin giành lấy những “miếng bánh” ngày càng lớn hơn trong những dự án như vậy, không thể tự phát, mạnh ai nấy làm. Nhà nước cũng cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đã có điều kiện và thế mạnh để đầu tư công nghệ, sản xuất chế tạo sản phẩm, đồng thời yêu cầu một số doanh nhiệp trong nước đột phá trong các khâu mà nền kinh tế đang cần, như sản xuất thiết bị phụ trợ, hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ để tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Theo tôi, cần thành lập Hiệp hội Nội địa hóa để tạo ra sự liên kết các nhà sản xuất, chế tạo trong nước, dần dần cạnh tranh ra thị trường nước ngoài, tạo nhiều việc làm cho lao động trong nước”, ông nói.

Suy nghĩ của doanh nhân Phan Văn Quý gợi nhớ tới bài học về sự đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp như Nhật Bản, Israel... Sự thành công của các nước này có một phần từ chính sự đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp trước sức cạnh tranh từ bên ngoài. Và khi mỗi doanh nhân Việt đều chung tay làm từng việc nhỏ nhất cho doanh nghiệp Việt, thì ở một tương lai thật gần, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nắm chặt tay nhau để cùng tiến lên, đưa doanh nghiệp mình phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Không có đặc thù ngành trong đấu thầu
Đó là khẳng định của ĐBQH, doanh nhân Phan Văn Quý liên quan đến Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đây cũng là một trong những Dự thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư