Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Doanh thu thoại giảm mạnh, nhà mạng tìm "phao cứu sinh" mới
Hữu Tuấn - 27/08/2020 10:12
 
Dịch vụ mới sẽ là phao cứu sinh để các nhà mạng chặn đà sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
.
Dịch vụ OTT dần thế chỗ cho dịch vụ thoại truyền thống.

Doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng

Báo cáo tài chính bán niên 2020 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, VNPT đạt doanh thu đạt 24.200 tỷ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt mức 3.600 tỷ đồng, tăng nhẹ so với nửa đầu năm 2019. Mặt khác, doanh thu thuần riêng lẻ của VNPT mặc dù giảm 5,7%, đạt trên 19.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ vẫn tăng 2,1%, lên 2.450 tỷ đồng.

Trong khi đó, lợi nhuận của MobiFone lại giảm sâu 38% so với cùng kỳ. Cụ thể, MobiFone đạt doanh thu 12.069 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ, trong đó giảm đáng kể ở mục cung cấp dịch vụ. Khấu trừ giá vốn, MobiFone đạt lợi nhuận gộp 2.969,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 4.636 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2019.

Đáng lưu ý, với khoản tiền gửi tiết hàng chục ngàn tỷ đồng, riêng tiền lãi tiền gửi đã đóng góp 29% tổng lợi nhuận trong kỳ của doanh nghiệp.

Với Viettel, tổng doanh thu của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 120.000  tỷ đồng, tăng 9,1 % so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số đạt 2.600 tỷ đồng, tăng trưởng 57% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 19.850 tỷ đồng, đạt 110,2% kế hoạch 6 tháng và 49,4% kế hoạch năm.

Viettel cho biết, tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất - kinh doanh của Viettel, giúp đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch đề ra dù ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 và xu thế đi xuống của tiêu dùng viễn thông, công nghệ trên thế giới. Kết quả kinh doanh tốt tại các thị trường nước ngoài khiến cho dòng tiền về Việt Nam vượt mức kế hoạch, đạt gần 140 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù đối mặt với bất ổn chính trị, thiên tai, chính sách nước sở tại và đặc biệt là dịch bệnh, nhưng các thị trường Viettel đầu tư vẫn đạt những kết quả ấn tượng.

Tại thị trường châu Phi, Halotel (thương hiệu Viettel tại Tanzania) đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây - gần 30%; Movitel (thương hiệu Viettel tại Mozambique) tăng trưởng 26% - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua và đạt đỉnh 4,5 triệu thuê bao ngay cả trong mùa mưa; Bitel (Peru) liên tiếp thắng thầu các dự án đem lại doanh thu 6 tháng đầu năm gần 10 triệu USD, lợi nhuận hơn 1,5 triệu USD…

Gia tăng cung cấp dịch vụ mới

Sự sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của VNPT hay MobiFone, hoặc chưa đạt như kỳ vọng cao của Viettel có nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới và Việt Nam. Covid-19 là tác nhân gây sự sụt giảm này. Các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đều sụt giảm thoại, tin nhắn từ 16 -20%. Do thực hiện cách ly nên nhu cầu về thoại giảm khiến doanh thu thoại (hiện chiếm trên 72% doanh thu di động) giảm mạnh; cùng với đó là doanh thu roaming giảm theo vì các nước và Việt Nam tạm dừng xuất, nhập cảnh...

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT nhận định, xu thế giảm doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống của Việt Nam đi nhanh hơn so với thế giới. Đây là hệ quả của một loạt yếu tố như thuê bao di động bão hòa, giá cước liên tục giảm giá để cạnh tranh giữa các nhà mạng, sự phổ biến của dịch vụ gọi điện, nhắn tin trên OTT.

Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu cho Viettel 2.4000 tỷ đồng, tăng trưởng 60%; với hệ sinh thái Viettelpay, dòng tiền phát sinh trung bình hàng tháng đạt 50.000 tỷ đồng, với 40 triệu lượt giao dịch.

Còn theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc Vinaphone, trung bình mỗi năm, các nhà mạng toàn cầu sụt giảm doanh thu thoại, tin nhắn 10-15%. Tại Việt Nam xu hướng giảm dịch vụ cơ bản là thoại và tin nhắn ngày càng rõ ràng hơn, năm 2019 VNPT giảm tới 17% trong khi doanh thu data không thể bù đắp được. Data tăng trưởng người dùng, lưu lượng nhưng cạnh tranh mạnh nên giá rẻ.

Ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone cho hay, doanh thu sụt giảm còn có lý do lớn là, dịch vụ OTT dần thế chỗ cho dịch vụ thoại truyền thống.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết thêm, tăng trưởng từ data nhanh, nhưng cũng chỉ giúp nhà mạng cân bằng được mức suy giảm từ dịch vụ truyền thống, chứ chưa thể tạo ra sự tăng trưởng đột phá. Với nhà mạng, viễn thông vẫn là nguồn thu chủ yếu, nhưng tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận từ viễn thông liên tục giảm nên nhà mạng phải thay đổi trở thành nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ số. Do vậy, VNPT và Viettel đã đẩy mạnh kinh doanh các mảng có lợi thế riêng, như dịch vụ số, hạ tầng cáp quang, thanh toán số, kinh doanh các dịch vụ cloud… 

Còn VNPT đã triển khai một loạt sản phẩm có dấu ấn rõ nét cho khối khách hàng Chính phủ và các cơ quan nhà nước như: Xây dựng thành công trục liên thông văn bản quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia và các giải pháp, sản phẩm cho ngành giáo dục, y tế, thành phố thông minh, du lịch thông minh…

“VNPT đang hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030 bằng việc liên tục đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đặc biệt là những giải pháp số, VNPT cũng khẳng định vị thế tiên phong, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam bằng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, phủ rộng trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, xã hội”, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết.

Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, Viettel đang đặt mục tiêu chuyển đổi từ công ty cung cấp dịch vụ viễn thông thành công ty cung cấp dịch vụ số, tạo ra mô hình kinh doanh mới với ưu thế vượt trội về công nghệ và sản phẩm.

Nhà mạng thỏa thuận cùng đầu tư hạ tầng 5G
Việc dùng chung, cùng đầu tư trạm BTS sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư