Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Đòi hỏi vượt qua chính mình
Bảo Duy - 06/11/2016 19:16
 
Không có bất cứ nghi ngờ hay đắn đo nào về việc phải tiếp tục đẩy mạnh các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, thậm chí cả kịch bản tham vọng nhất cũng nhận được đồng thuận cao vì “thế đã đến chân tường” của nền kinh tế đang đòi hỏi bước phát triển mới. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện lại nổi lên không ít quan ngại.

Thực tế, đây vẫn là công việc khó, song thách thức đang lớn hơn khi lần này, đột phá trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế được đề xuất là cải cách thể chế toàn diện, mạnh mẽ trên tất cả các mặt của nền kinh tế, chứ không chỉ tập trung cải cách thủ tục hành chính như giai đoạn vừa qua.

Có thể hiểu là, những phần việc dễ làm nhất, dễ đạt kết quả nhất đã tới hạn. Và việc cần phải làm tới đây sẽ động chạm rất lớn tới các vấn đề căn bản, cốt lõi, có thể phải thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền và lợi ích của từng bộ phận trong bộ máy nhà nước, trong các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương. Nghĩa là, nguy cơ các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tới có thể bị trì hoãn, không quyết liệt thực hiện, thực hiện không thực chất rất lớn, kéo theo đó là nỗi lo quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bị chậm lại.            

.

Đó là chưa kể tới những thách thức mới sẽ xuất hiện trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam.

Song, phải thẳng thắn, đây là những đòi hỏi không dễ thực hiện.

Nhìn lại 5 năm tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua, việc tổ chức thực hiện còn là điểm yếu lớn. Thậm chí, giới chuyên gia kinh tế đã nhìn thấy thực trạng “đi bên rìa” của các chương trình và kế hoạch hành động tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các ngành. Các ngành, các địa phương vẫn lo đầu tư, lo huy động, lo thu hút vốn thay vì xây dựng các kế hoạch sử dụng nguồn lực hiệu quả. Đầu tư công vẫn nặng xin – cho khiến ngân sách càng trở nặng gánh, nợ công tăng nhanh. Các dự án ngàn tỷ đắp chiếu của khu vực doanh nghiệp nhà nước tiếp tục bị “lộ sáng”. Những tranh chấp lợi ích giữa các địa phương trong cùng một vùng vẫn nặng nề…

Phải nhắc lại lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Quốc hội hôm 3/11. Đó để thực hiện thành công tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mấu chốt vẫn là lãnh đạo của các ngành, các cấp phải vượt qua được chính mình, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ; vượt qua tư duy e ngại khó khăn; vượt qua lợi ích cục bộ của ngành, địa phương…

Rõ ràng, thành quả tới đây của các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ nằm ở tư duy, quan điểm, mục tiêu, mà còn ở cả cách thức thực hiện, ở bộ máy điều hành. Mọi việc có lẽ cần bắt đầu từ đòi hỏi phải tái cơ cấu chính bộ máy thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cơ cấu nền kinh tế: Hiểu đúng để làm đúng
Đang còn những cách hiểu không đúng và những điều cần làm rõ trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư