Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Tái cơ cấu nền kinh tế: Trọng tâm, trước hết là khu vực nhà nước chứ không chỉ là doanh nghiệp nhà nước
Khánh An - 29/10/2016 07:36
 
Trả lời câu hỏi chọn ưu tiên nào đầu tiên trong các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đang được thảo luận, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chọn khu vực nhà nước chứ không phải chỉ là doanh nghiệp nhà nước.

Thưa ông, tại sao lại chọn khu vực nhà nước?

 Vì những bất cập trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay xuất phát từ quản lý nhà nước chưa theo đúng tín hiệu thị trường, từ hoạt động không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Chúng tôi xác định đây là nguyên nhân gây nên sai lệch, méo mó trong phân bổ nguồn lực của nền kinh tế giai đoạn vừa qua. Nếu không thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi các mục tiêu tái cơ cấu khác, vì tái cơ cấu lần này không chỉ là cải cách môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, không chỉ là cải cách thể chế mà là còn là tạo ra được thị trường nhân tố sản xuất và nâng cao các yếu tố cạnh tranh trong thị trường hàng hóa và dịch vụ.

Chính bởi vậy, khu vực nhà nước chứ không chỉ là doanh nghiệp nhà nước, là đối tượng đầu tiên phải thay đổi. Sẽ phải tái cơ cấu bộ máy nhà nước, tái cơ cấu ngân sách, áp dụng kỷ luật ngân sách, tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của bộ máy nhà nước...

Hiện tại, đơn cử như muốn cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm, xin – cho sang hậu kiểm cũng đang rất khó vì không chỉ nằm ở tư duy mà còn do gắn kết lợi ích với những người có liên quan trong bộ máy nhà nước.

Nếu không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, từ đó thay đổi quyền lợi thì sẽ khó tạo ra những giải pháp thực sự đột phá cả trong tưu duy điều hành cũng như trong lựa chọn các giải pháp.

Cụ thể hơn, thưa ông?

Đơn cử như thực hiện kỷ luật tài khóa theo đúng nguyên tắc chi ngân sách được duyệt thế nào chỉ được thực chi thế, không được tăng thêm dù có tăng thu.

Nguyên tắc ngân sách cứng buộc các địa phương phải lựa chọn các việc đầu tư cho vừa với định mức chi như vậy, không có sự du di. Nguyên tắc này cũng sẽ xóa được cả tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ này cứ chi thoải mái, không cần quan tâm đến nhiệm kỳ tới, vì nếu cứ tăng chi thì nhiệm kỳ sau không còn để chi, nên sẽ xuất hiện cơ chế sẽ kiểm soát lẫn nhau.

Chỉ theo nguyên tắc này thì bội chi có thể giảm xuống còn 4% mà không cần làm gì khác. Đó chính là tái cơ cấu kinh tế.

Trong kịch bản tái cơ cấu quyết liệt và có nhiều đột phá, thì nếu tăng mức độ kỷ luật ngân sách và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì nền kinh tế sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng.

Nói đơn giản là hiện tại, với các điều hành hiện nay, nền kinh tế có thể tăng trưởng 6,5%, nhưng nếu tăng kỷ luật ngân sách, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 7%.

Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn là để tái cơ cấu danh mục đầu tư của Nhà nước chứ không phải là để suy yếu khu vực này. Ví dụ bán vốn Nhà nước trong Vinamilk, bán lấy tiền về, chuyển cơ hội kinh doanh cho tư nhân. Số tiền thu được sẽ đổ vào các dự án đầu tư hạ tầng chẳng hạn, để làm giảm chi phí xã hội, chi phí kinh doanh khi giảm bớt tình trạng tràn lan các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT...

Tương tự như vậy với dịch vụ công, phải để thị trường điều tiết, xóa bao cấp. Khu vực dịch vụ công tự chủ về giá, về nhân sự thì những quyết định điều chỉnh tăng giá như với dịch vụ y tế vừa rồi mới tạo động lực thúc đẩy sản lượng, năng suất. Chứ hiện tại thì giá lên nhưng chất lượng không có động lực thay đổi.

Tóm lại, khi các nguồn lực của nhà nước được sử dụng tốt hơn, hiệu quả hoạt động tăng lên thì sẽ thu hút vốn ngoài xã hội. Đó chính là tái cơ cấu, phân bổ lại nguồn lực bằng cơ chế thị trường, theo tín hiệu thị trường, chứ không phải huy động vốn để tái cơ cấu.

Ngay cả con số 480 tỷ USD dự tính tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng phải được cân nhắc sử dụng thế nào cho hiệu quả, để đảm bảo nguồn lực đến đúng chỗ cần trong nền kinh tế.

Nhưng khó nhất trong các mục tiêu tái cơ cấu cụ thể vẫn là xử lý nợ xấu?

Quan điểm của tôi là phải tách mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng và xử lý các đối tượng gây ra nợ xấu. Tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu phải đặt mục tiêu rõ ràng. Bài toán lúc này không phải cứu ông này hay ông kia mà là cách để cứu nền kinh tế.

Tôi muốn gọi nợ xấu của nền kinh tế, trong nền kinh tế chứ không chỉ là của ngân hàng, của các tổ chức tín dụng nữa. Nếu nợ xấu còn đó thì không chỉ các tổ chức tín dụng chịu mà chi phí xã hội tăng lên. Một là, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu chi phí này; Hai là, từ đó giảm tăng trưởng của nền kinh tế, nền kinh tế sẽ không huy động được vốn. Ba là, nợ xấu còn nằm đó thì hệ thống tài chính sẽ không hoàn thành được vai trò phân bổ vốn cho thị trường, từ đó thiệt hại cho nền kinh tế.

Vì vậy, phải xử lý nó để loại bỏ chi  phí xã hội này. Chúng ta phải có nguồn lực bỏ ra để xử lý, nhưng nguyên tắc là lợi ích cho nền kinh tế sẽ cao hơn nguồn lực bỏ ra.

Làm sao để lợi ích tốt nhất, phí tổn ít nhất?

Thì theo cơ chế thị trường, phải thiết lập thị trường mua bán nợ, để VAMC không phải là tổ chức duy nhất mua và xử lý nợ xấu, phải tạo ra cơ chế cạnh tranh trong việc mua các món nợ xấu, phải sửa một số luật hoặc ban hành 1 luật chỉ có hiệu lực 5 năm để  xử lý được các tài sản thế chấp, để các tài sản có thể mua bán được, nghĩa là các quy định về đăng ký quyền sử dụng đất... phải được thực hiện nhanh chóng, thiên về bảo vệ lợi ích của chủ nợ hơn là con nợ.

Lúc đó, cần xuất hiện nguồn lực của Nhà nước để can thiệp, để có những khoản tiền  phục hồi lại vốn chủ sở hữu của một số tổ chức tín dụng. Con số thì sẽ phải tính toán nhưng không thể giữ mãi cục u này được.

Các việc này đều khó, đỏi hỏi quyết tâm lớn, nên để làm được việc này, chúng tôi nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện, trong đó kiến nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách kinh tế.

Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020: Sửa sai hay làm mới?
Giới chuyên gia kinh tế đang đặt vấn đề về tư duy lại mục tiêu, cách làm tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư