Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Đổi mới kinh tế cũng phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới thì để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận.

Năm 2015, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 – 1-7-2015), Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Những bài nói, bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh về con đường đổi mới ở Việt Nam đã cho thấy tầm nhìn sắc sảo về sự lựa chọn con đường đi lên của Việt Nam trong các giai đoạn đổi mới.

Trước hết, theo đồng chí Nguyễn Văn Linh: Đổi mới nhanh chóng và mạnh mẽ, ngày nay là xu hướng chung của thời đại. Đảng Cộng sản Cu ba nêu khẩu hiệu: “Đổi mới hay là chết”. Chẳng những chúng ta không thể nằm ngoài mà còn phải tiếp thụ được những đổi mới chung của thời đại.

Trở lại thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Tổng Bí thư đặt ra yêu cầu muốn lãnh đạo được công cuộc đổi mới, Đảng ta phải “ Đổi mới tư duy và phong cách lãnh đạo”. Theo ông, có thực sự đổi mới tư duy và phong cách mới hiểu được thực chất của hiện trạng, phân biệt rõ đúng sai, phát huy được nhân tố tiến bộ; gạt bỏ được những sai lầm. Từ đấy, mở ra một trình độ mới trong việc nhận thức và vận dụng đúng đắn chủ nghĩa Mác-Lênin, khơi dậy được tính chủ động sáng tạo vô tận của nhân dân lao động, phát huy tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội để đưa đất nước tiến lên.

Đây là một quá trình đấu tranh kiên quyết “ Chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong từng bản thân chúng ta”.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Diễn văn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) - Đại hội khởi đầu thời kỳ Đổi mới
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc Diễn văn tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986) - Đại hội khởi đầu thời kỳ Đổi mới (ảnh tư liệu)

Tổng Bí thư khẳng định: Có nhận thức đúng và sâu mới làm đúng và có hiệu quả. Do đó, muốn có đổi mới trong đời sống thì trước hết phải đổi mới tư duy. Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và áp dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề xuất các ý kiến mới, nói đến các biện pháp có hiệu quả cho hành động…

Điều này phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, chống cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, chống việc tách rời lý luận với thực tiễn. Muốn làm được điều này phải gắn liền lời nói với việc làm, có nhiệt tình cách mạng cao thống nhất với khoa học vững chắc, dám nhìn thẳng vào sự thật…Nói cách khác, đổi mới tư duy phải đi liền với dổi mới phong cách, đó là quá trình thống nhất không thể tách rời.

Theo đồng chí Nguyễn văn Linh, để tiến hành công cuộc đổi  mới ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội cũng cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự khám phá về lý luận phải là tiền đề, điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn, vì như V.I.Lênin nói: Không có lý luận thì không có phong trào cách mạng. Trên cơ sở lý luận đúng đăn dẫn đường, tiến hành thiết kế các cơ chế quản lý cụ thể cũng như soạn thảo các chính sách, biện pháp phù hợp đáp ứng  được yêu cầu của cuộc sống. Thông qua phương pháp thử nghiệm xã hội ở những mô hình trong các ngành và các địa phương khác nhau, chọn lọc những nhân tố phù hợp với quy luật và được cuộc sống chấp nhận, sẽ triển khai ứng dụng trên quy mô đại trà.

Đến đây, tư duy mới dúng đắn được định hình trong cuộc sống, được thể chế hóa về mặt nhà nước, biến thành hành động thực tiễn hàng ngày của quảng đại quần chúng. Đây là cội nguồn sâu xa tiếp thêm sinh lực dồi dào, phong phú cho hoạt động lý luận, điều chỉnh nó theo phương hướng đúng, đưa nó lên một tần cao mới, lớn hơn. Nhà lãnh đạo của đổi mới ở Việt nam đi tới một nhận xét mà hiện nay chúng ta phải đặc biệt chú trọng. Đó là: “ Chỉ có lý luận nào vận động theo chu trình nghiêm ngặt đó mới có tương lai đầy hứa hẹn và làm đúng chức năng xã hội của nó. Và cũng chỉ trên cơ sở tuân theo chu trình đó thì hoạt động thực tiễn mới thoát khỏi chủ nghĩa kinh nghiệm, tự phát, bớt mò mẫm đường vòng và phải trả giá đắt. Tôi nghĩ rằng, từ nay về sau việc đề ra các quyết định lớn của Đảng và Nhà nước phải kiên trì đi theo con đường đó”.

Yêu cầu của hoạt động tự giác và làm chủ quá trình vận động xã hội không thể có sự lựa chọn nào khác. Đó là một vấn đề cốt tử trong công cuộc đổi mới tư duy và phong cách. Mặt khác, chính cuộc sống vận động không ngừng luôn luôn đề xuất những yêu cầu mới đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ không còn phù hợp. Phải tích cực chủ động, dùng toàn bộ sức mạnh tác động vào việc tạo ra những điều kiện cần thiết để quá trình đổi mới xuất hiện nhanh chóng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta.

Phương pháp tư duy đúng đắn không thừa nhận sự cường điệu hóa, nhấn mạnh việc này, coi nhẹ mặt kia trong khi sự vật vốn bao hàm sự thống nhất của các mặt đối lập như kế hoạch và thị trường, tập trung và dân chủ, trung ương và địa phương…

Là nhà lãnh đạo luôn bám sát thực tế vận động của xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh  thấy rất rõ rằng: Đổi mới là công việc đặc biệt khó khăn. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc đã đủ thấy không thể dễ dàng và nhanh chóng. Tư duy, phong cách cũ đã kéo dài trong nhiều năm, ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, mọi tổ chức như một căn bệnh cố hữu, thậm chí một số mặt của nó còn được thể chế hóa về pháp lý.

Quá trình thay đổi tư duy, nếp làm việc sẽ không tránh khỏi sức ỳ ghê gớm của tác phong công tác và lề lối làm việc đã hình thành như một thói quen khó sửa, nhất là chúng lại được gắn với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi. Muốn giành thắng lợi trong cuộc tấn công vào nhận thức, phong cách cũ, cần có đủ dũng khí cách mạng, hết sức kiên trì và nhất thiết phải tiến hành công việc trên cơ sở khoa học. Thậm chí trong cuộc đấu tranhh này còn cần phải có cả ý thức cảnh giác, vì những cái cũ vốn nằm trong bản thân mỗi người và chúng rất dễ hồi phục dưới những hình thức có vẻ như mới. Cần phân biệt đâu là cái cần đổi mới, đâu là cái cần bồi đắp, nâng cao hơn.

Nói đổi mới tư duy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận và quan điểm đúng đắn của Đảng, phủ nhận các quy luật phổ biến của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trái lại cần tiếp tục hoàn chỉnh và phát triển thêm các thành tựu đó.

Công cuộc đổi mới hiện nay đòi hỏi cán bộ chúng ta phải không ngừng học tập, phải học nhiều, học rất nhiều, bằng mọi hình thức mới đảm đương nổi những nhiệm vụ mà thiếu trình độ lý luận, học vấn thì khó mà làm được. Mặt khác, trong quá trình tiến lên của đổi mới, theo đồng chí Nguyễn Văn Linh: chúng ta chắc phải đối diện với những cán bộ có chức, có quyền đã quan liêu hóa. Họ lấy cá nhân nhân mình làm mục đích cao nhất, ham danh lợi, sống giả dối, cơ hội, dối trên, lừa dưới, ức hiếp quần chúng nhân dân, tạo cho mình một cuộc sống vương giả bằng những hình thức thu nhập bất chính, đều không thể chấp nhận, dung dưỡng trong đội ngũ chúng ta được. Lâu nay, chúng ta xử lí vấn đề này không nghiêm túc, thiếu sự kiên quyết cần thiết. Vì sự trong sạch của Đảng, vì hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, vì quyền làm chủ của nhân dân, chúng ta phải có những đổi mới kịp thời, khẩn trương hơn nữa để giải quyết tình trạng này.

Như vậy, thông qua một số bài viết quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta thấy rằng: Sự nghiệp đổi mới muốn đi tới thắng lợi và có hiệu quả thiết thực thì cần phải chuẩn bị trước về cơ cơ sở lý luận. Sự khám phá về lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn. Mọi sự đổi mới từ đổi mới tư duy đến phong cách đều phụ thuộc vào việc đổi mới cán bộ. Kinh nghiệm đã chứng tỏ, sau khi có đường lối đúng, cán bộ là khâu quyết định nhất để biến đường lối thành hiện thực. Công cuộc đổi mới ở mỗi thời kỳ có những đòi hỏi cán bộ chúng ta phải không ngừng học tập vì thiếu trình độ lý luận, học vấn thì khó mà đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ mới với những đòi hỏi mang tính thời đại mới.

Đúng như nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Linh, cuộc sống càng phức tạp, nhiệm vụ càng khó khăn, thời đại càng diễn biến nhanh chóng thì lý luận càng trở thành điều thiết yếu như cơm ăn và nước uống hàng ngày. Việt Nam từ một nước sản xuất nhỏ lên chủ nghĩa xã hội càng phải quán triệt điêu này.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta điểm lại những những bài viết, bài nói nổi tiếng của ông về lý luận của công cuộc đổi mới và về việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để có cơ sở lý luận vững vàng, phát huy  sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/2015-1/7/2015), chiều 29/6, diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu lưu niệm Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư