Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Đối tác ngoại cam kết đồng hành cùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Hồng Sơn - Lê Toàn - 18/06/2019 18:26
 
Đại diện của Ngân hàng Thế giới và một số đối tác nước ngoài đã cam kết cùng phối hợp chặt chẽ, tích cực tham gia và cam kết sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho các chương trình, dự án về biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét, quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long là một bước đột phá vì cơ hội mà nó tạo ra để biến sự chuyển đổi mô hình phát triển thành hiện thực. Nó cũng cho phép vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuyển từ tình trạng có quá nhiều quy hoạch ngành phân tán và mâu thuẫn sang xây dựng một bản quy hoạch thống nhất, giúp định hướng phát triển cho vùng và xác định các đầu tư ưu tiên.

Tuy nhiên, để quy hoạch vùng phát huy hiệu quả, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền Trung ương, các bên liên quan tại địa phương, khu vực tư nhân, các chuyên gia trong ngành và ban soạn thảo quy hoạch. Một quá trình hợp tác và có sự tham gia của nhiều bên liên quan đảm bảo rằng việc xây dựng Quy hoạch vùng sẽ suy xét đến tất cả các yếu tố quan trọng cần chú ý và có liên quan.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam
Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam

Cũng theo ông Ousmane Dione này, đi đôi với Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có cơ chế tổ chức hiệu quả hơn để điều phối vùng, nhằm đảm bảo xây dựng và thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ hơn trong vùng sẽ giúp phản ánh các ưu tiên chung của 13 tỉnh và thành phố tại Đồng bằng sông Cửu Long vào bản Quy hoạch. Ngoài ra, cơ cấu thể chế cũng cần đảm bảo giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và có thẩm quyền huy động vốn (nhà nước và các nguồn khác) để thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trong vùng.

Cần có nguồn tài chính tương xứng với nhu cầu đầu tư ưu tiên liên tỉnh, cơ chế khuyến khích sự phối hợp và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, bên cạnh hỗ trợ để xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới và chuyển đổi, cũng như giảm thiểu rủi ro.

“Chúng ta rất cần một cơ chế tài chính toàn diện, giúp khai thông nguồn tài chính công và tư, huy động viện trợ không hoàn lại và vốn ODA để hỗ trợ triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng”, ông Ousmane Dione nói và mong muốn rằng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn sắp tới, Chính phủ sẽ tạo ra một cơ chế tài chính toàn diện và vận hành một cơ chế như vậy cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Robbert Moree, Điều phối chương trình đồng bằng, Cố vấn chính của Bộ trưởng Bộ cơ sở hạ tầng và Quản lý nước Hà Lan cho rằng, đất nước Hà Lan đã có những trải nghiệm và có thể rất hữu ích đối với Việt Nam, đó là việc xây đê cao hơn hoặc xây thêm đê không thể giải quyết vấn đề lũ lụt, mà chỉ khiến lũ xảy ra phức tạp hơn.

"Khi xây đê, mực nước sẽ tăng lên và do vậy, lũ sẽ chuyển sang nơi khác. Đó là lý do chúng tôi đề xuất không xây các đê cố định mà tìm giải pháp chuyển nước chảy tới vùng trũng hơn. Nước sẽ được giữ lại trong mùa mưa và sử dụng trong mùa khô, đồng thời, tích trữ phù sa màu mỡ cho sản xuất nông nghiệp. Thuần hóa lũ thay vì xây đê là một bài học kinh nghiệm quan trọng mà Việt Nam có thể áp dụng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Đại diện các tổ chức nước ngoài tại Hội nghị.
Đại diện các tổ chức nước ngoài tại Hội nghị

Cũng theo ông Robbert Moree, Nghị quyết 120 đã đề ra tầm nhìn mang tính chiến lược để phát triển toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần khẩn trương hành động và đưa ra các điều chỉnh phù hợp, có sự linh hoạt nhất định trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Để triển khai Nghị quyết một cách toàn diện, có 2 điều kiện rất quan trọng: sự phối hợp và vấn đề tài chính. Không chỉ sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, mà tôi đang nói về một kế hoạch hành động thống nhất giữa các bên liên quan, gồm cơ quan Nhà nước, khối tư nhân và khối xã hội dân sự. Kế hoạch Hành động thực hiện Nghị quyết cần được điều phối và Chính phủ có một vai trò quan trọng trong việc đưa ra một cơ chế hoặc một phương thức nào đó để bảo đảm hành động của các bên sẽ bổ trợ lẫn nhau.

Nghị quyết cũng đề cập tới việc Chính phủ sẽ tạo ra một quỹ hỗ trợ hướng tới sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này rất quan trọng vì việc triển khai Nghị quyết cần đóng góp tài chính từ cả chính phủ lẫn khối tư nhân.

Nói về hướng hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, ông Robbert Moree cho biết, Hà Lan đang tập trung vào 3 vấn đề chính ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tiên là thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp đó, là sự giảm trầm tích của vùng đồng bằng do tác động của việc xây đập thượng nguồn. Cuối cùng là tình trạng sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu do việc khai thác nước ngầm và đất tự nhiên nén lại.

Lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chỉ 3 ngày sau khi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch được ban hành, việc xây dựng quy hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư