Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Anh Trung - 16/05/2019 19:00
 
Chỉ 3 ngày sau khi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch được ban hành, việc xây dựng quy hoạch vùng đầu tiên đã được khởi động.
.
Việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới được kỳ vọng sẽ mang đến tầm nhìn mới, cơ hội mới.

Để giải quyết các vấn đề của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đề ra 5 nhóm giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp về xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL.

Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bắt tay vào việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là dự án đầu tiên thí điểm việc tổ chức lập quy hoạch vùng theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Phát biểu tại hội thảo khởi động cho quá trình xây dựng quy hoạch được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Quang Mạnh cho biết, việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL theo cách tiếp cận mới, phương pháp mới được kỳ vọng sẽ mang đến tầm nhìn mới, cơ hội mới, đưa vùng ĐBSCL vươn lên trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

“Từ đó, đón đầu các xu thế phát triển toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển vùng ĐBSCL bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội - môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.

Giải đáp thắc mắc của một số đại biểu tại hội thảo về việc xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay các quy hoạch đều đang được Chính phủ giao cho các bộ, ngành triển khai một cách đồng thời, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, 39 quy hoạch ngành và các quy hoạch vùng, không gian biển...

“Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên lập ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chờ theo thứ tự, làm xong quy hoạch trên mới bắt đầu lập quy hoạch dưới, thì không thể đáp ứng được yêu cầu về thời gian Chính phủ đề ra”, ông Các giải thích.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch cho rằng, quá trình lập quy hoạch bao gồm việc lập quy hoạch ở cấp trên, đồng thời tiến hành cập nhật quy hoạch ở cấp dưới. Việc bổ sung lẫn nhau giữa các quy hoạch, đặc biệt khi các quy hoạch được triển khai đồng thời được xem là một trong các điều kiện thuận lợi.

“Nếu như quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt mà bản quy hoạch này có những điểm không phù hợp thì sẽ được điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia”, ông Vũ Quang Các giải thích.

Việc bổ sung lẫn nhau giữa các quy hoạch, đặc biệt khi các quy hoạch được triển khai đồng thời được xem là một trong các điều kiện thuận lợi.

Về sự tham gia của các bộ, ngành trong quá trình xây dựng quy hoạch, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch chia sẻ, quy hoạch vùng là trách nhiệm thuộc Hội đồng Quy hoạch quốc gia, bao gồm các bộ, ngành và các tỉnh trong vùng, nên khi tư vấn nghiên cứu về lĩnh vực nào, vấn đề phát triển của ngành nào, thì đều có báo cáo vấn đề đó với bộ chuyên ngành để xin ý kiến đúng định hướng phát triển.

“Nếu các vấn đề đưa ra giữa các ngành còn có ý kiến khác nhau, có thể dẫn đến mâu thuẫn, thì thẩm quyền giải quyết thuộc cấp Hội đồng Quy hoạch quốc gia”, ông Các nói.

Bên cạnh một số băn khoăn của các bộ, ngành, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra lưu ý liên quan đến thời gian xây dựng quy hoạch. Đại diện này cho rằng, thời hạn trình Chính Phủ ban hành quy hoạch cuối năm 2020 là cực kỳ khó, vì trong quá trình xây dựng, cần xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành, địa phương...

“Thủ tướng đã ban hành chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, trong đó, xác định rất nhiều nhiệm vụ cho các dự án mang tính quy mô liên vùng. Nếu quy hoạch này không ban hành được trước năm 2020, thì những nhiệm vụ, dự án triển khai trong giai đoạn 2031 - 2030 sẽ bị vênh với quy hoạch. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương và đẩy nhanh tiến độ trình ban hành quy hoạch”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý.

Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 417/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư