Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dọn cơ chế gọi ngân hàng lớn tham gia tái cơ cấu
Hà Tâm - 11/01/2017 07:57
 
Ngân hàng Nhà nước cam kết tạo cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống.

Siết mua bán cổ phần để chống lũng đoạn ngân hàng

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết của Ngân hàng VietinBank đầu tuần này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã hé lộ một số nội dung chính của Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo đó, sẽ quy định khắt khe, chặt chẽ hơn về sở hữu cổ phần, cổ phiếu để hạn chế tình trạng sở hữu cổ phần ngân hàng cao hơn quy định, sử dụng ngân hàng để phục vụ lợi ích các công ty sân sau của các ông chủ. Ngoài ra, nguồn gốc vốn góp để mua cổ phần ngân hàng cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.

“Các cá nhân tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm pháp luật sẽ vĩnh viễn không được tham gia điều hành, quản trị ngân hàng”, Thống đốc khẳng định.

.
.

Tình trạng sở hữu chéo đã giảm khá mạnh từ năm 2011 đến nay, song vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) khẳng định, đến nay, NHNN đã nhận diện, đánh giá được khách quan, trung thực tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống và xử lý dần, tiến tới xử lý dứt điểm sở hữu chéo từ nay đến năm 2020.

Theo đánh giá của Thống đốc Lê Minh Hưng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thời gian qua, dù rất nỗ lực, song vẫn chưa đạt được theo yêu cầu. Cụ thể, vẫn có những tổ chức tín dụng còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, còn có cán bộ tín dụng cố ý làm trái pháp luật.

Tập trung xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém

Cùng với xử lý sở hữu chéo, trọng tâm tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới là tập trung xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn chế, bán cổ phần cho nước ngoài còn nhiều rào cản, NHNN đã kêu gọi các “ông lớn” quốc doanh tham gia tái cơ cấu các ngân hàng này.

Các cá nhân tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ.

Thực tế, ngoài BIDV đã mua lại MHB, hiện Vietcombank và VietinBank đang hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CB) bằng cách tham gia quản trị, hỗ trợ một phần thu nhập cho cán bộ, nhân viên ngân hàng này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng khẳng định, năm 2016, VietinBank đã hỗ trợ 2 ngân hàng yếu kém là PGBank và Ocean Bank tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, giúp các ngân hàng này nâng cao công tác quản trị, điều hành, từng bước kiểm soát rủi ro, thua lỗ, đảm bảo thanh khoản. VietinBank cũng đã giúp 2 ngân hàng này xây dựng Đề án Tái cơ cấu để trình NHNN, Chính phủ và Bộ Chính trị phê duyệt.

Mặc dù đã hỗ trợ các ngân hàng yếu kém về nhân lực, quản trị điều hành, song để xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu, Thống đốc cho rằng, các ngân hàng quốc doanh phải vào cuộc sâu hơn. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để ngân hàng tăng quy mô.

Thống đốc cam kết sẽ có các cơ chế, chính sách minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống, chứ không phải yêu cầu tham gia tái cơ cấu để gây bất lợi cho ngân hàng.

Để giúp các ngân hàng yên tâm, Thống đốc khẳng định, Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng và xử lý nợ xấu sẽ luật hóa những quy định cụ thể đối với các ngân hàng tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu hệ thống.

Với cam kết hỗ trợ về cơ chế của Thống đốc, cùng với sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các “ông lớn”, kỳ vọng các ngân hàng yếu kém sẽ được xử lý dứt điểm trong thời gian tới…

Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: ADB đang nhắm nhà băng nào?
Những thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại ngân hàng yếu kém trong nước sẽ mở màn cho làn sóng tái cơ cấu ngân hàng quyết liệt hơn trong giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư