Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đòn đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ
Lê Quang Lạng - 01/05/2013 06:53
 
Vào những ngày Xuân Mậu Thân 1968 lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã mở một đòn tiến công bất ngờ, dũng mãnh, đồng loạt vào hậu phương và căn cứ đầu não của kẻ thù trong các đô thị trên khắp miền Nam.
TIN LIÊN QUAN

Sự kiện này đã làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của Mỹ trên chiến trường miền Nam, làm phá sản toàn bộ chiến lược chiến tranh cục bộ mà Mỹ đã thực thi từ đầu năm 1965. Nhưng hơn hết, nó đã làm cho ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay đến tận gốc rễ...

Đòn đánh bất ngờ

Để đương đầu và đánh bại ý chí của đội quân xâm lược đông và mạnh của đế quốc Mỹ, Đảng ta luôn nhận thức được rằng, muốn đạt được mục tiêu chiến lược đó, đòi hỏi quân và dân ta phải có quyết tâm sắt đá, phải biết đánh và biết thắng bằng trí thông minh và óc sáng tạo của con người Việt Nam; phải biết kết hợp chặt chẽ và phát huy thật tốt sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Khí thế tiến công của tuổi trẻ Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá nhiều điểm mạnh yếu của đối phương một cách khoa học, Đảng đã có những tính toán cần thiết để lực lượng ta ở miền Nam, chỉ với 27 vạn người, đủ sức làm đảo lộn thế trận chiến tranh của đối phương. Kế hoạch tiến công của ta, vì thế, đã được Bộ Chính trị hoạch định từ rất sớm và rất kỹ lưỡng, với phương án hành động táo bạo, bất ngờ: đánh vào các cơ quan đầu não của Mỹ và Sài Gòn trong dịp Tết Nguyên đán.

Cũng phải thấy rằng, quá trình bàn bạc, xây dựng kế hoạch hành động và việc tổ chức, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thế trận trên chiến trường miền Nam là một kỳ công lớn của ta; và điều đặc biệt, hoạt động đó, đã qua mắt mạng lưới tình báo nhà nghề của đối phương.

Chính vì thế, khi đòn tiến công mãnh liệt và rộng khắp nổ ra, đối phương đã bị bất ngờ cả về thời gian, không gian và phương hướng của cuộc tiến công. Chỉ trong vòng 24 giờ (từ rạng sáng ngày 30/1 đến rạng sáng ngày 1/2/1968, tức là đêm giao thừa và đêm mùng một Tết), các thành phố lớn miền Nam - nơi được coi là hậu phương vững chắc của Mỹ và Sài Gòn bỗng chốc biến thành chiến trường ác liệt; ngay cả những vị trí được bố trí bảo vệ cẩn mật như Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hoà, Đài Phát thanh Sài Gòn, nội thành Huế... cũng đều trở thành nơi đọ súng quyết liệt giữa quân ta với các lực lượng Mỹ và quân đội Ngụy quyền.

Sau này, trong cuốn sách Một người lính tường trình xuất bản năm 1976, viên tướng W. Westmoreland - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lúc bấy giờ, đã viết: “36 thành phố, thị xã của 44 tỉnh lỵ, 5 thành phố trong 6 thành phố tự trị, 64 trong số 242 quận lỵ và 50 ấp” bị quân ta tiến công trong những ngày Tết Mậu Thân. Cũng trong cuốn sách này, Westmoreland nhìn nhận: “Nói theo quan điểm thực tế thì, chúng ta phải công nhận đối phương (quân ta) đã giáng cho Chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề”. Cách đánh táo bạo, bất ngờ, nhằm đúng dịp Tết Nguyên đán - thời điểm đối phương ít đề phòng đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần và ý chí của đối phương.

Cột khói bốc lên ở nội đô Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Dấu son trên đường tiến tới Đại thắng mùa Xuân 1975

Trong những ngày quân và dân ta nổ súng tiến công vào các mục tiêu của Mỹ và Sài Gòn ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn, cố đô Huế và nhiều thành phố lớn miền Nam, các hãng thống tấn, báo chí, nhất là của Mỹ, thông qua mạng lưới phóng viên của mình, đưa đến công chúng Mỹ và nhân dân nhiều nước trên thế giới những hình ảnh và tin tức nóng hổi của cuộc giao tranh quyết liệt, đẫm máu giữa “Việt cộng” (cách Mỹ và phương Tây gọi Quân giải phóng miền Nam) với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Những hình ảnh và tin tức sống động ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa chống chiến tranh Việt Nam trong nhân dân Mỹ... Kể từ Tết Mậu Thân 1968, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, đòi rút quân Mỹ về nước diễn ra hàng ngày trên các đường phố, trước trụ sở của các cơ quan chính quyền và quân đội Mỹ. Những gì đang diễn ra trên chiến trường miền Nam và ngay giữa lòng nước Mỹ đã làm cho chính quyền Mỹ, đứng đầu là Tổng thống L.B. Johnson, thực sự choáng váng và bối rối.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã có những đêm thức trắng vì tình hình “tồi tệ” trên chiến trường miền Nam. Ngay từ khi quân ta tiến hành đòn nghi binh chiến lược ở Khe Sanh (trước Tết Mậu Thân 10 ngày), Tổng thống Mỹ đã cho bố trí một “phòng tình hình” trong Nhà Trắng, với sơ đồ đắp nổi để theo dõi sát mọi diễn biến ở Khe Sanh; ông tổng thống này luôn mường tượng Khe Sanh giống như một “Điện Biên Phủ thứ hai” và buộc các tướng lĩnh phải cam kết không để mất Khe Sanh.

Sự suy sụp ý chí được biểu hiện cụ thể vào ngày 31/3/1968 - tròn một tháng sau đợt tiến công Tết của ta, Tổng thống Mỹ L.B. Johnson, đã phải tuyên bố trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, xem xét việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, xúc tiến đàm phán ngoại giao với Việt Nam và không ra tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ hai.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ chính là sự thừa nhận một thực tế, nước Mỹ đã không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ngay cả khi Mỹ đã đưa cuộc chiến tranh đó lên một nấc thang rất cao, với việc tham gia của hơn nửa triệu quân chiến đấu Mỹ và quân đồng minh của Mỹ, cùng với hơn 70 vạn quân ngụy, kể cả việc Mỹ đã sử dụng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam.

Điều này lý giải rõ ràng hơn vì sao tổng thống và nhiều quan chức chính phủ Mỹ đã choáng váng trước đòn tiến công Tết Mậu Thân của ta vào các đô thị miền Nam và, việc ông ta ra tuyên bố vào ngày 31/3/1968 - một bản tuyên bố “bi thảm” nhất (theo đánh giá, nhìn nhận của nhiều học giả Mỹ) đối với một tổng thống trong lịch sử gần 200 năm lập nước của Mỹ, là một hành động tất yếu...

Sau đợt tiến công Tết Mậu Thân, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam còn mở hai đợt tiến công vào tháng 5 và tháng 8/1968, nhưng do các đợt tiến công này diễn ra khi yếu tố bất ngờ không còn và trong lúc quân Mỹ và quân Sài Gòn đã tổ chức lực lượng và thế trận phản kích hoàn chỉnh, nên quân ta đã chịu tổn thất lớn và gặp rất nhiều khó khăn trong việc củng cố lực lượng và địa bàn đứng chân.

Tuy nhiên, những tổn thất và khó khăn đó không làm mờ đi hiệu quả to lớn của đợt tiến công vào dịp Tết Mậu Thân, bởi vì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt có tính quyết định cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là viên gạch đặt nền tảng quan trọng trên con đường tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Mùa Xuân này, chúng ta kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại trang sử mà cha anh ta đã viết nên, đồng thời thêm một lần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trong toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Đây cũng là dịp chúng ta bày tỏ lòng biết ơn và sự tri ân đối với những hy sinh, mất mát và những đóng góp to lớn của đồng bào, đồng chí vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nói riêng, thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung.n

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư