Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đón đầu xu hướng 4.0 từ MTA Hanoi 2019
Hải Hà - 22/09/2019 07:40
 
Diễn ra từ 16 - 18/10 tại Hà Nội, Triển lãm quốc tế về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi 2019) sẽ tập trung vào trưng bày các sản phẩm công nghiệp nhằm đón đầu xu hướng 4.0 sẽ diễn ra tại Việt Nam.
.
Sản phẩm công nghiệp liên quan tới cách mạng 4.0 sẽ được trưng bày tại MTA Hanoi 2019 nhằm đón đầu xu hướng chuyển đổi của nền công nghiệp Việt Nam thời gian tới.

 

MTA Hanoi 2019 sẽ quy tụ 158 đơn vị triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ 7 nhóm gian hàng quốc tế đến từ nhiều nước có nền sản xuất tiên tiến như Anh, Séc, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Trung Quốc….

Với chủ đề “Sẵn sàng cho công nghiệp 4.0”, triển lãm sẽ tập trung vào trưng bày những công nghệ hiện đại liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0 như tăng cường thực tế ảo, kết nối vạn vật, xử lý dữ liệu lớn, vận hành robot tự động và dây chuyền sản xuất.

Triển lãm cũng góp mặt những thương hiệu nổi tiếng như Cybertech, Hexagon, Mitutoyo, Mitsubishi, Marposs, Sodick, Top winner, Hitachi, Kitamura, Metrol, Hoffman….

Giải thích lý do MTA Hanoi 2019 lại tập trung vào những sản phẩm phục vụ nền công nghiệp 4.0, ông William Lim, Giám đốc dự án cơ khí chế tạo, máy móc và thiết bị khu vực châu Á của Informa Markets, đơn vị tổ chức triển lãm cho biết, nền công nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tự nhiên trong tiến trình phát triển công nghiệp và Việt Nam đang là một phần của xu thế đó. Hiện một số nước trong khu vực như Indonesia đã có chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, Thái Lan và Malaysia đã có chính sách phát triển công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra định hướng phát triển công nghiệp 4.0.

“Do đó, chúng tôi muốn đưa những sản phẩm công nghệ hiện đại nhất thế giới đến Việt Nam, để các doanh nghiệp trong nước hiểu được xu thế để chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi của nền kinh tế. MTA Hanoi cũng kỳ vọng có thể đón đầu xu thế mới của nền kinh tế ở Việt Nam là thu hút dòng đầu tư có giá trị. Trong tất các các diễn đàn, hội thảo diễn ra tại Việt Nam, chúng tôi đều tập trung trao đổi về xu hướng công nghệ mới, cách giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển để nâng cao năng lực nội sinh, thích nghi khi những chuyển biến từ công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp tới doanh nghiệp”, ông Lim nói.

Mặc dù vậy, bà Đồng Phương Thảo, Trưởng phòng marketing Informa Markets cũng cho biết có tới 85% doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho công nghiệp 4.0, và chỉ số ít doanh nghiệp sẵn sàng cho sự chuyển đổi này.

Nhìn ở mặt bằng chung, ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Makino Vietnam, một trong những đơn vị tham gia triển lãm khẳng định, nhu cầu phát triển các sản phẩm phụ trợ của Việt Nam đang tăng cao, xuất phát từ nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp như Honda hay Vingroup với chiến lược phát triển ô tô Vinfast. Trong khi đó, 10 năm qua, Việt Nam cũng chứng kiến sự tăng trưởng lớn từ dòng vốn đầu tư FDI.

“Mặc dù Việt Nam vẫn là quốc gia có lợi thế so sánh về nhân công giá rẻ, ít nhất là thời điểm hiện tại và chỉ khoảng 13% nhà sản xuất quan tâm tới tự động hóa, nhưng 3-4 năm gần đây, chúng tôi chứng kiến các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào công nghệ mới nhất, khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại vẫn là nhân lực công nghệ trong nước”, ông Hòa phân tích thêm.

Ở góc nhìn khả quan hơn, ông Lim khẳng định, Việt Nam đang rất có lợi thế để tiếp cận các sản phẩm máy móc hiện đại phục vụ công nghiệp 4.0.

Theo ông Lim, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nổi bật với GDP trung bình 6% và 3 động lực chính cho phát triển công nghiệp đến từ nhu cầu nội địa, định hướng xuất khẩu và nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh. Năm nay, GDP của Việt Nam có thể đạt 6,8%, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Việt Nam vẫn có lợi thế so sánh về nhân công, chi phí vận hành doanh nghiệp thấp và cạnh tranh trong khu vực với chính sách hấp dẫn.

Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, Việt Nam đã thu hút 18,47 tỷ USD, chủ yếu đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… Nếu tính nguồn vốn theo khu vực thì miền bắc đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn khi Hà Nội dẫn đầu với 4,87 tỷ USD đầu tư FDI, tiếp đến là TP. HCM với 3,09 tỷ USD và Bình Dương 1,37 tỷ USD….

“Chúng tôi nhận thấy một số thay đổi từ các doanh nghiệp toàn cầu như LG đóng cửa một số nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc nhưng lại mở thêm ở Việt Nam. Samsung sản xuất tới 1/2 linh kiện tại Việt Nam và cuối năm nay, Google có ý định chuyển một phần sản xuất thiết bị di động sang Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ được dự đoán là đón được dịch chuyển đầu tư của nhiều thương hiệu toàn cầu khác trong thời gian tới. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng thấy, khu vực chế biến, chế tạo và bán lẻ đang thu hút nhiều vốn đầu tư bên cạnh bất động sản. Do đó, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển với nhu cầu về máy móc công cụ, cơ khi chính xác ở mức cao”, ông Lim khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng doanh nghiệp, đem đến những thay đổi sâu sắc, mà không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư