Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Đón đầu xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe
Hồ Hạ - 19/12/2021 07:45
 
Các nhà đầu tư ngành kinh tế xanh ngày càng quan tâm và chịu chi cho các tiện tích chăm sóc sức khỏe, làm đẹp để đáp ứng “khẩu vị” du lịch mới của các “thượng đế”.
Nhu cầu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng được ưa chuộng
Nhu cầu du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng được ưa chuộng.

Du lịch chăm sóc sức khỏe “lên ngôi”

Covid-19 hoành hoành suốt 2 năm qua khiến “khẩu vị” du lịch của du khách toàn cầu đổi khác, trong đó, đậm nét nhất là xu hướng quan tâm và ưu tiên cho du lịch chăm sóc sức khỏe, hướng tới những trải nghiệm nâng cao thể chất, tinh thần. Tuy mục đích của đa số du khách vẫn là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhu cầu chăm sóc sức khỏe với tắm khoáng nóng onsen, thiền, yoga, spa trị liệu, ăn chay organic… tại những vùng đất thiên nhiên nguyên sơ thuần túy ngày càng được ưa chuộng.

Theo chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Lưu, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe thế giới sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD vào năm 2022. Loại hình du lịch này đang phát triển mạnh ở mọi khu vực, từ Bắc Mỹ, châu Âu tới châu Á và sẽ tăng tốc trong những năm tới, bởi nó nằm ở giao điểm của hai ngành công nghiệp lớn đang bùng nổ là ngành du lịch với quy mô 2.600 tỷ USD và thị trường chăm sóc sức khỏe trị giá 4.200 tỷ USD.

Năm 2018, có khoảng 350.000 lượt du khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng, chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó, hàng năm, cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa cũng là mảnh đất màu mỡ của du lịch chăm sóc sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đó là bờ biển dài 3.260 km, vùng ven biển có gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bãi cát mịn, nước trong xanh, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thể thao mặt nước, chữa bệnh. Ngành địa chất đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng với 11 loại, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai.

Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu quý, với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử phong phú, nhiều chùa, tịnh xá, hệ thống thiền viện cảnh quan hấp dẫn, có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.

Đầu tư mạnh cho các tiện ích chăm sóc sức khỏe

Đón đầu xu hướng, từ năm 2020 đến nay, các nhà đầu tư thức thời trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch đẳng cấp đã chi mạnh và ra mắt hàng loạt dự án có hệ thống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe “vạn người mê”.

Trong đó, phải kể đến khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật đầu tiên của Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh (TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh) do Tập đoàn Sun Group đầu tư, khai trương tháng 5/2020. Được bao bọc giữa thiên nhiên xanh mướt của núi rừng, bước chân vào không gian Yoko Onsen, du khách sẽ được tách biệt khỏi thế giới xô bồ, để thư giãn trọn vẹn cả tâm hồn và thể chất, với đầy đủ các loại hình tắm khoáng được ưa chuộng trên thế giới.

Tháng 5/2021, Apec Group ra mắt khu căn hộ nghỉ dưỡng đẳng cấp Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi (tại Kim Bôi, Hòa Bình), với nguồn khoáng nóng dẫn vào tận nhà. Mô hình tiện ích “all in one” với chuỗi tiện ích cao cấp được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng sẽ mang tới cho du khách đặc quyền sống trọn vẹn xứng tầm thượng lưu.

Không hề kém cạnh là dự án vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng Vinpearl Mỹ Lâm thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (Tuyên Quang) do Tập đoàn Vinpearl đầu tư, đã khởi công từ ngày 22/6/2019. Dự án có tổng diện tích quy hoạch gần 500 ha, bao gồm các chuỗi sản phẩm cao cấp gắn với lợi thế suối khoáng nóng, như trung tâm vui chơi, giải trí khoáng nóng; trung tâm khám - chữa bệnh - điều dưỡng và trị liệu khoáng nóng; sân Golf Tuyên Quang và các loại hình nghỉ dưỡng đa dạng (biệt thự sơn thủy, biệt thự trong rừng, biệt thự suối khoáng, biệt thự sân golf) chuẩn 5 sao quốc tế, hứa hẹn là “thỏi nam châm” thu hút du khách đến với Tuyên Quang.

Tại Phú Thọ, ngày 4/8, Tập đoàn Onsen Fuji đã chính thức khởi công Công viên khoáng nóng Onsen Fuji, tọa lạc trong quần thể nghỉ dưỡng phức hợp Lynn Times Thanh Thủy by Wyndham, dự kiến đón khách vào cuối năm nay. Với quy mô 2 ha cùng hơn 50 tiện ích, Onsen Fuji được đánh giá là công viên khoáng nóng có quy mô lớn miền Bắc, công suất 5.000 lượt khách/ngày.

Ở phía Nam, tháng 6/2020, chủ đầu tư Dự án Mirena Hot Springs Binh Chau đã đưa vào vận hành khu nghỉ dưỡng trị liệu được xây dựng trên nguồn khoáng nóng tự nhiên tại Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đầu năm nay, IFF Holdings cho ra mắt Dự án Hyatt Regency Ho Tram Resort & Spa tại Hồ Tràm, với phân khu Forest Hill Retreat Spa quy mô 10.000 m2, mang đến cho du khách những dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo mô hình detox cao cấp với các gói liệu trình từ 3 đến 14 ngày.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ, du lịch chăm sóc sức khỏe mới được quan tâm đầu tư. Trước khi Covid-19 xuất hiện, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, như du lịch spa; chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền; du lịch thiền, yoga; du lịch giảm cân cũng đã được các doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế, thì mức độ và hiệu quả khai thác dòng sản phẩm này vẫn chưa tương xứng.

Để tiến tới trở thành một trung tâm du lịch sức khỏe thu hút du khách, nâng cao lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, cần đưa loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe thành trọng điểm trong quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Theo đó, cần có chính sách phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu ngân sách.

Đồng thời, ngành du lịch phải có sự phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, hai ngành cần liên kết xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến quảng bá...

Du lịch Tết 2022: Tour chất, giá “ngất”
Đón mùa du lịch cuối năm và Tết 2022, các doanh nghiệp đã xây dựng và chào bán nhiều tour, sản phẩm, dịch vụ an toàn, mới lạ, độc đáo với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư