Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
“Dọn đường” để thương mại hóa 5G
Hữu Tuấn - 30/01/2021 06:41
 
Hành trình thương mại hóa 5G vẫn còn nhiều công tác chuẩn bị phải làm từ quy hoạch, dành băng tần 5G, đến các chính sách giá cước.
Các nhà mạng đã sẵn sàng triển khai thương mại hóa 5G. Ảnh: Đức Thanh

Sẵn sàng về mặt kỹ thuật

Đến thời điểm hiện tại, có hơn 100 nhà mạng ở 50 quốc gia đầu tư cho 5G đã thương mại hóa. Theo dự báo của Ericsson, thế giới sẽ có 8,8 tỷ thuê bao di động vào cuối năm 2026. Thuê bao 5G toàn cầu đạt khoảng 220 triệu vào cuối năm 2020, cao hơn dự báo trước đây do tăng trưởng tốt của thị trường Trung Quốc với việc đưa 5G vào mục tiêu chiến lược quốc gia, sự cạnh tranh cao giữa các nhà mạng và sự ra đời của các smartphone 5G giá bán phù hợp.

Công nghệ 5G được đánh giá sẽ có tốc độ phát triển thuê bao cao hơn so với 4G. Dự báo để đạt được 1 tỷ thuê bao đầu tiên, 5G chỉ cần 3,5 năm, trong khi 4G mất đến hơn 5,5 năm.

Tại Việt Nam, băng tần nào dùng cho 5G là vấn đề được các nhà mạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thiết bị vô tuyến điện đặc biệt quan tâm. Theo Thông tư số 19/2020/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 6/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã quy hoạch băng tần 24,25 - 27,5 GHz cho 5G. Băng tần 24,3 - 27,5 GHz được phân chia thành 8 khối theo Phương thức truyền dẫn song công phân chia theo thời gian (phương thức TDD - Time Division Duplex).

Thông tư này cũng quy định rõ, các doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số trong băng tần 24,25 - 27,5 GHz có trách nhiệm phối hợp với nhau để tránh can nhiễu có hại và đồng bộ về khung dữ liệu của phương thức TDD.

Song, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho rằng, có nhiều thách thức về tần số khi thương mại hóa 5G như: tìm kiếm use case chủ đạo; phát triển hệ sinh thái thiết bị mạnh với giá cả hợp lý; chuẩn bị hạ tầng trạm, cột ăng-ten, truyền dẫn đáp ứng yêu cầu; sẵn sàng về tần số để triển khai 5G thương mại.

“Giai đoạn đầu, 5G chủ yếu được triển khai trên các băng tần mới theo phương thức song công TDD, khác hẳn với 4G trước đây sử dụng các băng tần theo phương thức song công FDD. Các băng tần quan trọng với 5G đều đang được sử dụng cho các hệ thống khác như vệ tinh, radar… do đó cần phải dọn dẹp, sắp xếp lại tần số để quy hoạch cho 5G”, ông Trung cho biết.

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện, 5G còn khá mới mẻ, nhiều nước chưa sẵn sàng quy hoạch và triển khai trong vài năm tới, dẫn đến tại vùng biên 2 nước sẽ đồng thời có 5G và các hệ thống khác hoạt động, đặt ra thách thức về tránh can nhiễu và sử dụng hiệu quả tần số cho 5G. Đây là vấn đề kỹ thuật đòi hỏi nhiều thời gian để phối hợp, chuẩn bị giữa các quốc  gia.

Trong một diễn biến khác, Viettel và Vingroup đã hợp tác để sẵn sàng cho quá trình thương mại hóa mạng 5G. Theo đó, VinSmart sẽ chịu trách nhiệm phát triển thêm một phiên bản khối vô tuyến cho trạm thu phát sóng 5G gồm ăng-ten thu phát tín hiệu, bộ khuếch đại công suất và thiết bị lọc nhiễu cho trạm thu phát sóng 5G. Còn Viettel sẽ tập trung nghiên cứu và phát triển thiết bị xử lý tín hiệu gồm hệ thống mạng lõi 5G, công nghệ điều khiển búp sóng để đảm bảo tín hiệu liền mạch.

Đến những việc cần làm ngay

Vấn đề tồn tại lâu nay là các nhà mạng mạnh ai người đó đầu tư hạ tầng, khiến chi phí đầu tư cao, lãng phí, nên trong công nghệ mới 5G này cần xử lý ngay từ đầu việc dùng chung hạ tầng 5G.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng xây dựng phương án chia sẻ, dùng chung hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị. Thời điểm mở mạng 5G, Việt Nam sẽ đồng thời tắt sóng 2G, 3G để giảm chi phí duy trì hạ tầng.

“Việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tận dụng được khoảng 70% hạ tầng 4G hiện có, bao gồm các trạm thu phát sóng, ăng-ten và các thiết bị truyền dẫn khác, giúp tiết kiệm chi phí rất lớn. Theo kế hoạch, việc triển khai 5G sẽ bắt đầu ở các khu vực đô thị lớn, sau đó là các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để hỗ trợ đổi mới và tạo ra công nghệ mới”, ông Hùng cho biết.

Cuối tháng 1/2020, cả 3 nhà mạng lớn là MobiFone, VNPT, Viettel đã ký hợp đồng thỏa thuận về nguyên tắc trong việc sử dụng chung hạ tầng, tạo thuận lợi cho triển khai mạng 5G trên toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn cần “luật hóa” để có sự ràng buộc mạnh hơn, rõ ràng hơn về trách nhiệm, quyền lợi các bên tham gia, bởi sự cạnh tranh giữa các nhà mạng trong công nghệ mới là không tránh khỏi.

Liên quan đến vấn đề cạnh tranh, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT đề xuất, với chuyển đổi số, nhóm dịch vụ dữ liệu có xu hướng phát triển nhanh, các doanh nghiệp thường xuyên phải đầu tư nâng cao năng lực hạ tầng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, do tính chất cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp thường tạo những làn sóng đẩy mạnh phát triển gói với dung lượng lớn, giá cước không đổi, tác động làm giảm đơn giá/lưu lượng phát sinh, tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư nâng cao năng lực mạng đảm bảo hiệu quả.

Do vậy, VNPT đề xuất Bộ TT&TT xem xét, tăng cường vai trò giám sát để giảm thiểu việc cạnh tranh giảm giá làm giảm hiệu quả đầu tư trong giai đoạn tới, đặc biệt khi triển khai thương mại 5G.

Đại diện của Viettel cũng đề nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép mở rộng thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G tại TP.HCM và Bắc Ninh để sớm hoàn thiện kế hoạch thương mại hóa 5G.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Duy Lâm, chuyên gia của Huawei Việt Nam, việc triển khai lắp đặt hạ tầng 5G cần tìm các giải pháp phù hợp để tiết kiệm chi phí (xây dựng hạ tầng và thuê hàng tháng) và thời gian (thủ tục xin phép), chẳng hạn nên chọn trạm thu - phát sóng với diện tích nhỏ gọn, thời gian xây dựng nhanh chóng; lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, phần mềm giúp tiết kiệm năng lượng, như sử dụng AI để ước đoán thời điểm lưu lượng phù hợp, tắt bớt thiết bị không sử dụng, tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để chuẩn bị cho việc cung cấp dịch vụ 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các quy định, quy chuẩn liên quan đến chất lượng dịch vụ, làm căn cứ để nhà mạng xây dựng chất lượng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Trong năm 2021, Bộ sẽ cấp phép chính thức thương mại hóa dịch vụ.
Nhà mạng chạy đua thương mại hóa 5G
Mỗi nhà mạng đang chọn cho mình một điểm đột phá tiếp cận khách hàng khi “giờ G” thương mại hóa 5G đang đến rất gần.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư