Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tăng tốc thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam
Tú Ân - 11/07/2020 07:34
 
Việc tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thiết bị 5G không chỉ là một bước tiến đặc biệt quan trọng, mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành viễn thông Việt Nam.
.
Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. 

Từng bước làm chủ công nghệ 5G

Sự kiện thực hiện thành công cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng eNodeB, do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đánh giá là “Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.

“Đến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị Việt Nam - đây là một bước tiến quan trọng. Chúng ta vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng, đảm bảo đủ tần số cho mục đích an ninh - quốc phòng”, ông Hùng nói.

Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, phát triển mạng 5G là một trong những định hướng trọng tâm về nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để triển khai định hướng này, giải pháp đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần nghiên cứu làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.

Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Bộ TT&TT cho biết, sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G trong năm 2020.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020, Bộ TT&TT cho biết, đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy phát triển 5G. Tổ công tác có nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, tập đoàn công nghệ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển, sớm triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam.

Ngay trong năm 2020, Bộ sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố.

Doanh nghiệp Việt bước vào cuộc chơi 5G

Cho đến thời điểm này, việc nghiên cứu, sản xuất, thiết kế mạng lưới 5G đang gấp rút tiến hành để kịp thương mại vào tháng 10/2020.

Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) cho biết, hiện Viettel có hơn 1.000 kỹ sư CNTT và dành 300 kỹ sư nhiều kinh nghiệm cho chương trình nghiên cứu sản xuất 5G. Toàn bộ sản phẩm 5G về phần cứng và phần mềm đều được Viettel nghiên cứu và sản  xuất tại Việt Nam. Viettel cũng đã đầu tư 500 tỷ đồng cho phát triển Microcell 5G và đang đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng. Viettel cũng hợp tác với nhiều đối tác Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.

Do tự nghiên cứu sản xuất nên chi phí thiết lập mạng 5G sẽ rẻ nhiều so với việc phải phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. Đây là điều kiện để Viettel thiết lập mạng 5G nhanh hơn, rộng lớn hơn, giá cước rẻ hơn, tạo môi trường để thiết lập hệ sinh thái cho công nghiệp 4.0.

Còn VNPT mới đây cũng đã công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Trong lần thử nghiệm này, mạng VinaPhone 5G được thực hiện tích hợp vào hệ thống mạng vô tuyến, truyền dẫn và mạng lõi hiện hữu của VinaPhone. Do vậy, ngoài việc thử nghiệm tốc độ của mạng VinaPhone 5G, VNPT còn thành công trong việc làm chủ kỹ thuật và công nghệ 5G phục vụ thương mại.

Trong khi đó, ông Ngô Hoàng Anh, Trưởng phòng Phần mềm nhúng, Viện Nghiên cứu thiết bị viễn thông (Công ty VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup), cho hay: “Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT. Đồng thời, xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Tháng 7/2020, sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên đã ra mắt. Dự kiến, tháng 8/2020, chúng tôi bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. Hiện nay, VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G”.

Có thể thấy, 5G mở ra một cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp để thành công không chỉ tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu các sản phẩm “Made in Vietnam” trên mạng lưới phân phối toàn cầu.

Nhà mạng thỏa thuận cùng đầu tư hạ tầng 5G
Việc dùng chung, cùng đầu tư trạm BTS sẽ giúp các nhà mạng giảm chi phí đầu tư, tăng vùng phủ sóng, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư