Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Dồn tổng lực giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Hạnh Nguyên - 08/06/2021 11:54
 
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định các cấp, ngành đang dồn tổng lực để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến khẳng định, mặc dù Covid-19 gây nhiều khó khăn, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo nhu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu. Các cấp, ngành đang dồn tổng lực để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thưa ông, Bộ NN&PTNT đã có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp?

Nông nghiệp là ngành dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thiên tai. Covid-19 bủa vây khó khăn lên toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp hơn một năm qua, nguyên liệu đầu vào tăng giá, sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ… đều gặp nhiều chướng ngại.

Từ đầu năm đến nay, hai lần dịch bùng phát và diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt, tổng hợp thông tin về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản, đặc biệt là tại các địa phương chuẩn bị vào vụ thu hoạch nông sản (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít...), bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19.

Bộ cũng kịp thời phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương triển khai kế hoạch tiêu thụ tại Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên...; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…; tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản...; tháo gỡ khó khăn, phòng vệ thương mại tại thị trường trọng điểm.

Những ứng phó kịp thời đã giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 42,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu khoảng 19,57 tỷ USD, tăng 51%; xuất siêu khoảng 3,27 tỷ USD.

Chuỗi chế biến đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất trong nước và xuất khẩu. Do đó, trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tập trung cao độ chỉ đạo giữ an toàn các nhà máy chế biến. Hầu hết cơ sở chế biến đều thực hiện cho công nhân ăn, nghỉ tại chỗ, thực hiện tốt 5K, nên chưa có doanh nghiệp chế biến trong ngành nông nghiệp bị phát sinh dịch bệnh.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát hơn 1 tháng qua và đang có những diễn biến phức tạp. Liệu sản xuất lương thực, thực phẩm có đảm bảo nhu cầu và mục tiêu xuất khẩu, thưa ông?

Năng lực cung ứng của chúng ta không phải vấn đề đáng lo ngại. Việt Nam có hệ thống sinh thái nông nghiệp đặc thù, với 13.500 doanh nghiệp, 17.000 hợp tác xã, hơn 34.000 trang trại và 8,6 triệu hộ nông dân kết thành hệ sinh thái tương đối vững chắc để cung cấp lương thực.

Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch cụ thể và chi tiết. Về lương thực, năm 2021 phấn đấu đạt 43 triệu tấn lúa, trong đó, 14,5 triệu tấn tiêu thụ trong nước; 7,5 triệu tấn phục vụ chế biến; 3,5 triệu tấn dự trữ; 1 triệu tấn làm giống; 13,5 - 13,8 triệu tấn xuất khẩu.

Sản lượng rau có thể đạt trên 18 triệu tấn/năm, trong đó, hơn 4 triệu tấn xuất khẩu. Các loại quả đạt trên 5 triệu tấn/năm. Sản lượng thủy sản  ước đạt 8,6 triệu tấn/năm; chăn nuôi đạt 5,6 triệu tấn thịt/năm...

Mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp đã được tính toán linh hoạt hơn. Ví dụ, trong trồng trọt, vừa qua, toàn ngành tổ chức xuống giống lúa sớm 15 - 20 ngày, nên tránh được đợt hạn mặn. Trồng trọt phát triển theo hướng giảm diện tích, tăng năng suất, nên vẫn đạt được sản lượng theo yêu cầu. Trong chăn nuôi gia cầm và thủy sản, khi giá thức ăn tăng lên, cần tính toán lại chu trình vào đàn thật hợp lý.

Việc khó nhất hiện nay là hạ tầng chế biến, kho bãi dự trữ, cụ thể là kho lạnh còn hạn chế, việc nâng cấp hạ tầng cần huy động nhiều nguồn vốn và công nghệ.

Hiện nay, Bộ đã huy động tổng lực các kênh tiêu thụ, từ hệ thống phân phối siêu thị đến các kênh phân phối online và bán lẻ… Cùng với đó, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đảm bảo nguồn cung, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

Những năm gần đây, tuy có nhiều bước tiến trong thương mại nông sản, nhưng đầu tư hạ tầng nông nghiệp mới chiếm 5,7% ngân sách. Theo ông, làm thế nào để ngành nông nghiệp thu hút được các nhà đầu tư lớn?

Để thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ nỗ lực hết sức tạo môi trường thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ đã đề xuất sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho sát thực tiễn hơn nữa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư - kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, Danh mục Thủ tục hành chính trong lĩnh vực NN&PTNT đã được ban hành với tổng số 379 thủ tục hành chính, trong đó, 253 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, cắt giảm 129 thủ tục so với trước; đã công bố 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành; xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan.

Chúng tôi kỳ vọng, với việc cải thiện môi trường kinh doanh, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp. Nếu có các doanh nghiệp lớn kết nối với các trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân, thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có hệ sinh thái bền vững, nguồn cung ổn định, từ đó cũng giúp xuất khẩu tốt hơn.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Lô vải thiều Việt Nam đầu tiên xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA
Chiều 7/6, Công ty Cổ phần Pacific Foods đã chính thức xuất lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên đi châu Âu theo hiệp định Hiệp định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư