Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 15 tháng 08 năm 2024,
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cái nhất về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Trúc Giang - 05/05/2018 10:27
 
Ngày 4/5, tại TP. Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Dự án năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tổ chức Hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những bài học kinh nghiệm trong quản lý và cải cách”.

Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, từ đó lan tỏa những sáng kiến hay, cách làm tốt từ một số tỉnh ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây được xem là nỗ lực của VCCI  tạo dựng thương hiệu của một vùng Đồng bằng sông Cửu Long có môi trường kinh doanh thân thiện, năng động nhằm góp phần thu hút đầu tư cho vùng.

Các đại biểu đang chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ảnh: Hữu Phúc.
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Hội thảo. Ảnh: Hữu Phúc.

Theo VCCI Cần Thơ, kết quả chỉ số PCI cho thấy, một trong những thế mạnh truyền thống thời gian qua của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là chất lượng điều hành được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đồng bằng sông Cửu Long luôn là vùng có số tỉnh nằm trong top 10 PCI cao nhất trong các vùng trong cả nước. Qua điều tra PCI năm 2017, Đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Cần Thơ) nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn là nơi có điểm số trung bình PCI cao nhất trong 6 vùng trong cả nước liên tục từ năm 2014 trở lại đây.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, Giám đốc Dự án PCI, đã chỉ đã những cái nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là: nơi thành lập doanh nghiệp dễ dàng nhất; nơi cải cách hành chính có chất lượng tốt nhất, và ít nhũng nhiều nhất trong thanh kiểm tra; Đồng bằng sông Cửu Long là nơi doanh nghiệp chịu gánh nặng “chung chi” ít nhất; nơi doanh nghiệp có nhiều thuận lợi trong tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định; nơi có môi trường hoạt động an toàn về pháp lý cao nhất; nơi các doanh nghiệp được hoạt động trong một môi trường kinh doanh bình đẳng nhất; là nơi có chính quyền năng động nhất và là nơi doanh nghiệp được lắng nghe nhất.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra những lĩnh vực mà các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thêm nỗ lực để khắc phục, như: chất lượng lao động và dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh của vùng còn hạn chế, có điểm số thấp nhất trong số các vùng trong cả nước...

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, bên cạnh lực lượng lao động được đào tạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thấp trong 5 năm qua vẫn chưa thay đổi thì điểm số tiếp cận đất đai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trên đà giảm sâu so với cả nước; cả nước doanh nghiệp đánh giá mức bồi thường thỏa đáng hơn thì Đồng bằng sông Cửu Long ngược lại... Theo nhận định của ông Lam, sự thay đổi của PCI có tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng qua các năm. Hầu hết các tỉnh có điểm số PCI tích cực thì có số lượng doanh nghiệp mới tăng nhanh hoặc vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài cao.

Đồng quan điểm với ông Lam, ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, qua 2 năm phát động Chương trình Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, tỉnh Bến Tre đã hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, đã tạo lập Quỹ khởi nghiệp, thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ tiên phong khởi nghiệp, Hội đồng  bảo trợ khởi nghiệp... Theo ông Hải, chỉ số PCI của tỉnh cải thiện cũng là nhờ các yếu tố đó.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, PCI là động lực để thúc đẩy cải cách thể chế hiện nay, mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh là để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Điều quan trọng nhất của PCI không phải là thứ hạng mà quan trọng nhất là điểm số về sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương. Ông Lộc cho biết, chỉ số PCI năm 2017 có nhiều cải thiện, tốt nhất từ trước đến nay, nhưng địa phương cao nhất vẫn là 7/10 điểm, chứng tỏ trong mắt doanh nghiệp, năng lực điều hành của địa phương vẫn chưa là xuất sắc, qua đó cho thấy dư địa còn rất lớn để các địa phương thúc đẩy cải cách, cần tập trung khắc phục những điểm yếu, thúc đẩy điểm mạnh để phát triển, chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương khác trong điều hành phát triển kinh tế.

Theo ông Lộc, các địa phương cần có Nghị quyết về PCI; đồng thời cần xây dựng năng lực cạnh tranh cho cấp quận, huyện, sở ngành. Địa phương nào chưa có hiệp hội doanh nghiệp thống nhất thì cần phải thành lập ngay bởi đây là cơ quan tham mưu, cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền. Ông Lộc cũng gợi ý, ở từng địa phương, cơ quan xúc tiến đầu tư nên là cơ quan độc lập, trực thuộc UBND tỉnh thì sẽ hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy được đầu tư...

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư