Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Đồng Nai kéo dài giãn cách xã hội, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”
Việt Dũng - 15/08/2021 13:24
 
Đồng Nai kéo dài thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 8, khuyến cáo người dân không ra đường sau 18h và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”.

Tiếp tục giãn cách xã hội

Ngày 15/8, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản hỏa tộc về việc thực hiện nghiêm các biện phạm giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống Covid-19.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 13.000 ca mắc Covid-19 và 93 ca trong số đó tử vong.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết và trước hết, ổn định sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h ngày 17/8 đến hết 31/8.

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h ngày 17/8 đến hết 31/8
Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h ngày 17/8 đến hết 31/8


Cũng trong khoảng thời gian trên, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo 1 trong 3 phương án gồm: "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" và linh hoạt cùng lúc áp dụng 2 phương án trên.

Ngoài ra, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Cùng ngày, giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết toàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 374 ca dương tính, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 lên 13.622 ca. Trong đó, có 2.864 bệnh nhân khỏi bệnh và 93 ca tử vong.

Để bóc tách toàn bộ F0 và những người tiếp xúc gần ca nhiễm ra khỏi cộng đồng, từ ngày 16 đến 31/8, Đồng Nai lên kế hoạch xét nghiệm diện rộng cho khoảng 2,1 triệu người dân trên quy mô toàn tỉnh.

Doanh nghiệp gặp khó

Trước đó, Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã có văn bản gửi ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các huyện, Thành phố trên địa bàn về việc phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp không thực hiện "3 tại chỗ".

Theo đó, DIZA đã tiếp nhận, xử lý 1.179 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 138.746 lao động lưu trú tại công ty trong tổng số hơn 341.000 lao động.

Trong đó, có 1.163 đơn vị thực hiện phương án "3 tại chỗ", 6 doanh nghiệp thực hiện phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" và 10 doanh nghiệp áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số doanh nghiệp đã đề nghị ngừng "3 tại chỗ", giảm lao động của các doanh nghiệp. 

Cụ thể, có 50 doanh nghiệp đề nghị ngừng hoạt động "3 tại chỗ" với 8.011 người trong tổng số 25.432 lao động. Ngoài ra, có 216 doanh nghiệp giảm lao động với 5.124 người trong tổng số 42.283 lao động.

Như vậy, sau khi tổng hợp, rà soát kết quả tiếp nhận đăng ký và đề nghị ngừng hoạt động phương án "3 tại chỗ", giảm lao động của các doanh nghiệp, đến nay tại các khu công nghiệp của Đồng Nai chỉ còn 1.129 doanh nghiệp thực hiện 3 phương án trên.

Trao đổi với Báo chí, các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” cho biết, trước đây khi xây dựng nhà xưởng hầu hết các công ty không tính toán đến việc làm các khu nhà ở cho công nhân. Vì thế thời gian qua, những doanh nghiệp triển khai cho công nhân lưu trú tại nhà máy đều phải tận dụng các khu nhà xưởng còn trống hoặc dựng tạm các lán trại tại những khu đất trống để bố trí chỗ ở cho người lao động.

Tuy nhiên, việc này phát sinh hàng loạt vấn đề khác đi kèm như: điện, nước sinh hoạt, nơi tắm rửa, vệ sinh của hàng trăm công nhân. Người lao động có thể chấp nhận thực trạng trên trong thời gian ngắn, về lâu dài rất khó duy trì vì họ còn có gia đình... Và để công nhân đồng ý ở lại công ty, các doanh nghiệp phải tăng lương, trợ cấp, đài thọ chi phí ăn uống, điện nước… phục vụ người lao động suốt thời gian thực hiện “3 tại chỗ”.

doanh nghiệp đề nghị ngừng hoạt động
Doanh nghiệp đề nghị ngừng hoạt động "3 tại chỗ" vì gặp nhiều khó khăn


Ông Lưu Châu Bằng, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch) cho biết, trong thời điểm này, công ty không tính toán đến lợi nhuận mà chỉ tập trung phòng, chống dịch bệnh và duy trì được sản xuất. 

Nguyên do bởi Công ty đang bố trí cho gần 1.200 lao động ở lại nhà máy để đảm bảo sản xuất. Chi phí để thực hiện “3 tại chỗ” khá tốn kém vì công ty phải tăng thêm lương để khuyến khích người lao động ở lại, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên, tài trợ thêm suất ăn... 

Cũng theo ông Bằng, với những công ty từ vài trăm lao động trở lên muốn tổ chức cho người lao động ở lại lâu dài trong nhà máy rất khó thực hiện. Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đồng Nai nên có những giải pháp mới hữu hiệu để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Quan Ngọc Liên, Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, thời điểm này, nhiều công ty rất khó khăn trong duy trì sản xuất, kinh doanh vì cùng lúc phải gồng gánh và giải quyết hàng loạt vấn đề về nguyên liệu đầu vào, tìm đầu ra, chi phí vận chuyển tăng, thiếu lao động... 

Những doanh nghiệp dự trữ nguyên liệu sản xuất từ 3-6 tháng sẽ bớt lo lắng hơn, còn doanh nghiệp không có vốn chỉ dự trữ nguyên liệu trong 1-2 tháng gặp khó khăn trong xoay xở tìm nguồn cung mới.

Nhiều công ty sản xuất nằm ngoài KCN thực hiện “3 tại chỗ” gặp tình trạng khu vực đặt nhà máy bị phong tỏa, cách ly y tế, hàng hóa ra vào khó khăn nên phải dừng hoạt động. Doanh nghiệp ngừng sản xuất, doanh thu không có, đơn hàng lỡ dở, nếu khách hàng không chấp nhận thương lượng kéo dài hợp đồng thì nhiều công ty sẽ thiệt hại nặng nề và đứng trước nguy cơ phải đền hợp đồng.

DIZA cũng đã ban hành quyết định kiểm tra việc thực hiện 3 phương án sản xuất và công tác phòng chống Covid-19 tại 96 doanh nghiệp '3 tại chỗ'. Nội dung kiểm tra xung quanh việc thực hiện 3 phương án sản xuất, báo cáo nguy cơ lây nhiễm tại doanh nghiệp và một số tài liệu liên quan.
4 đoàn kiểm tra của DIZA được thành lập phối hợp đại diện công an, y tế, liên đoàn lao động và các địa phương sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong thời gian từ ngày 16 đến 21/8 tới.
Đồng Nai: Doanh nghiệp có 150 ha chuối chín kêu cứu vì không được lưu thông
Chốt kiểm soát không cho lưu không khiến lãnh đạo Công ty chuối Gia Huy Phát, có trụ sở chính tại Đồng Nai vừa làm đơn kêu cứu, gửi Sở Công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư