Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đồng Tháp nỗ lực phụng sự người dân và doanh nghiệp
Hữu Phúc - 19/04/2021 15:46
 
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi về những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2 cả nước trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Với kết quả này, Đồng Tháp nối dài thành tích 13 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố rất tốt, lần thứ 5 được xếp hạng nhì và từng giữ vị trí quán quân vào năm 2012.  

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với các doanh nghiệp tại điểm hẹn “Cà phê doanh nghiệp” ở Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) 	ảnh: văn khương
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với các doanh nghiệp tại điểm hẹn “Cà phê doanh nghiệp” ở Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp).   Ảnh: Văn Khương

Theo Bảng xếp hạng PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố, Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước. Là người đứng đầu chính quyền địa phương, ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về thành tích ấn tượng này ?

Chỉ số PCI năm 2020 vừa được công bố tiếp tục là một tin vui với Đồng Tháp, khi một lần nữa tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, giúp tỉnh giữ vững sự tiến bộ và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất” Bảng xếp hạng của cả nước.

Chúng tôi luôn ý thức rằng, Chỉ số PCI dù cao đến mấy đều không có ý nghĩa gì khi mà vai trò kiến tạo và chất lượng phục vụ của chính quyền không đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

Tôi xin được chia sẻ niềm vui và lời cám ơn chân thành đến với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã có đánh giá khách quan, công tâm và tinh thần trách nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại Đồng Tháp. Kết quả PCI năm 2020 thật sự là một phần thưởng vô cùng quý giá đối với chúng tôi.

Trải qua chặng đường hơn 15 năm gắn bó với PCI, Đồng Tháp đặc biệt đánh giá cao việc triển khai sáng kiến PCI một cách bài bản, khoa học. Đây chính là cơ sở, động lực để đẩy mạnh cải cách, giúp lãnh đạo địa phương xác định những tồn tại, hạn chế trong quá trình điều hành kinh tế, trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm phát triển kinh tế của địa phương.

Tôi cho rằng, đóng góp to lớn nhất của PCI không phải là điểm số, hay thứ bậc của các địa phương, mà chính là những mô hình hay được phát hiện, những bài học kinh nghiệm đã được chia sẻ, lan tỏa và thu hẹp dần khoảng cách giữa nỗ lực phụng sự của các cấp chính quyền đối với sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Đây chính là bài học quý báu và là cơ sở thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành.

Việc PCI của Đồng Tháp liên tục nhiều năm đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu đã tạo ra một hiệu ứng tốt, một hình ảnh Đồng Tháp tích cực cho tất cả những ai đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Năm 2020, doanh nghiệp chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng là giải pháp hữu hiệu để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh. Vậy Đồng Tháp đã có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

Bên cạnh việc quyết liệt triển khai ngay các gói hỗ trợ của Chính phủ, hỗ trợ giải quyết vấn đề về lao động, lãnh đạo tỉnh đã chủ động đến với doanh nghiệp để lắng nghe, nắm bắt tình hình và chia sẻ khó khăn qua việc trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tại các điểm “Cà phê doanh nghiệp” ở các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp. Đây được xem như là một bước tiến của mô hình “Cà phê doanh nghiệp”.

Song song đó, tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng trên cả nước như: ra mắt Trung tâm Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội (ngày 8/6/2020) trưng bày trên 200 sản phẩm từ 50 doanh nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp đặc thù của tỉnh; tổ chức “Tuần hàng cá tra/ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội năm 2020 ở siêu thị Big C Thăng Long” (tháng 8/2020); các gian hàng đặc sản Đồng Tháp chiếm lĩnh những không gian riêng và đậm nét Sen Hồng tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM (GIGAmall, BigC, AEON, CoopMart…); Câu lạc bộ Doanh nghiệp tại các địa phương, Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp... lần lượt ra đời cùng nhau kết nối và hỗ trợ nhau phát triển…

Qua đó, doanh nghiệp, người dân tin tưởng, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn. Năm 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 610 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 4.096 tỷ đồng. Đây cũng là năm Đồng Tháp có số doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, tỉnh còn tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính với nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương, để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ông có thể giới thiệu về các mô hình cải cách hành chính đó?

Tỉnh đã thiết lập các kênh thông tin giao tiếp giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng thân thiện, hiệu quả và nhanh chóng hơn. Bên cạnh những mô hình hoạt động hiệu quả như: “Họp mặt doanh nghiệp”; “Cà phê doanh nghiệp”, “Hội quán nông dân” mạng xã hội (Website, Facebook, Zalo…); giảm 30% cuộc họp để đi cơ sở…, thì việc đưa vào hoạt động tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 của tỉnh ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã góp phần tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng hơn kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, là một bước tiến trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Với mô hình “Kết hợp dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, người dân không cần đến trụ sở cơ quan nhà nước, nhưng vẫn có thể gửi nhận hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Tại mô hình “Ngày không viết, không hẹn và hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3,4”, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ thực hiện viết hộ toàn bộ các loại giấy tờ, hồ sơ cho người dân lớn tuổi, khó khăn khi viết chữ. Người dân kiểm tra độ chính xác các thông tin trong tờ khai. Mặt khác, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 bằng cách hỗ trợ hướng dẫn cho tổ chức, công dân thực hiện từ khâu đăng ký tài khoản công dân cho đến hoàn thành các bước nộp hồ sơ; từng bước hướng tổ chức, công dân quen dần với chính quyền điện tử.

Việc triển khai mô hình “4 tại chỗ: tiếp nhận - thẩm định - giải quyết - trả kết quả” trong một ngày làm việc (8 giờ) đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án cũng đã rút ngắn hơn phân nửa so với quy định…

Việc áp dụng các mô hình trên đã góp phần giúp Đồng Tháp xếp thứ 2 cả nước về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.

Không bằng lòng, thỏa mãn với kết quả hiện có chính là “bí quyết” để Đồng Tháp luôn duy trì thứ hạng cao trên Bảng xếp hạng PCI liên tục trong 13 năm qua, thưa ông?

Đồng Tháp luôn xác định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một quá trình, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi luôn ý thức rằng, chỉ số PCI dù cao đến mấy đều không có ý nghĩa gì khi vai trò kiến tạo và chất lượng phục vụ của chính quyền không đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

Do đó, ngay sau lễ công cố PCI hằng năm, chúng tôi đều tiến hành nghiên cứu, mổ xẻ, nhìn nhận các mặt yếu để tập trung khắc phục, đề ra những phương án mới để tiếp tục nỗ lực trên chặng đường dài, nhằm thúc đẩy đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế - xã hội.

Vui mừng với những kết quả đạt được, Đồng Tháp nhận thức được rằng, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả PCI cho thấy, dư địa cải thiện của tỉnh còn khá nhiều, chứng tỏ nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết được mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị tiếp tục phải phấn đấu hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng để chuyển hóa những thách thức, khó khăn thành cơ hội phát triển; tiếp tục lan tỏa tinh thần “Đồng hành với doanh nghiệp” để đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

Tôi xin khẳng định rằng, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đang theo đuổi. Trên chặng đường phát triển, chúng tôi cũng ý thức được rằng, chúng tôi phải đang chắt chiu từng cơ hội của doanh nghiệp và nhà đầu tư, vì đó cũng chính là cơ hội của chúng tôi.       

Đồng Tháp: Phát triển du lịch nâng tầm vị thế tiềm năng đất Sen Hồng
Sáng 2/4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển Du lịch Đồng Tháp 2015-2020; đề ra định hướng phát triển tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư