Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đồng Tháp: Sức bật mới trong thu hút đầu tư và khởi nghiệp
Văn Khương - 17/07/2016 08:05
 
“Dư chấn” PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) trong nhiều năm qua không chỉ mang lại thương hiệu “Đồng Tháp – chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, mà còn mở ra nhiều cơ hội trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Nỗ lực thu hút đầu tư

Minh chứng là số nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, ký kết hợp tác với tỉnh ngày càng tăng, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như: Dialog, tỉnh Samara (Nga), VinGroup, Đất Xanh, Hoàn Mỹ, Mường Thanh ...

Sau thời gian tìm hiểu, khảo sát thị trường và đăng ký thủ tục đầu tư, dự kiến trong tháng 7 này, Tập đoàn VinGroup sẽ khởi công Trung tâm thương mại Vincom Plaza (tại phường 2, TP. Cao Lãnh). Đây là trung tâm thương mại đầu tiên trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm cũng như giải trí của người dân đô thị trung tâm của tỉnh và vùng lân cận. Người dân Cao Lãnh đang háo hức chờ đón một công trình đầu tư quy mô lớn, tạo thêm điểm nhấn cho Thủ phủ đất sen hồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương ký kết Biên bản ghi nhớ với RYNAN AgriFoods và Mỹ Lan Group về lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Văn Khương
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương ký kết Biên bản ghi nhớ với RYNAN AgriFoods và Mỹ Lan Group về lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Văn Khương

Không dừng lại đó, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Dương đã thống nhất chủ trương cho VinGroup đầu tư thêm 4 trung tâm khác tại TP. Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự, huyện Lấp Vò và Tháp Mười. Là tập đoàn mạnh, VinGroup khá “mát tay” khi chọn Đồng Tháp đầu tư nhiều trung tâm thương mại trên địa bàn.

Rõ ràng, khi chọn Đồng Tháp để đầu tư, VinGroup đã nhận thấy những ưu điểm cũng như tiềm năng của địa phương này. Ở đây chính quyền là người bạn đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn, giải quyết kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp.

Đây chỉ là một trong số 35 nhà đầu tư đến với Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm 2016. Ngoài ra, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án, nâng tổng số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 277, với tổng vốn đăng ký là 26.022 tỷ đồng. So với các địa phương khác, những con số trên tuy chưa phải thật ấn tượng, nhưng qua đó đã khẳng định bước tiến vượt bậc của Đồng Tháp trong quá trình nỗ lực thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Dương cho biết: “Để có được kết quả trên, chúng tôi đã sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp, tổ chức thăm hỏi, mở hộp thư điện tử, mạng xã hội, điểm hẹn doanh nhân, cà phê doanh nghiệp, thành lập Ban Xúc tiến thủ tục đầu tư, giúp các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; góp phần xây dựng được mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp”.

Song song đó, tỉnh còn tập trung sửa đổi rút ngắn quy trình cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao Văn phòng UBND tỉnh làm đầu mối thực hiện các thủ tục cho nhà đầu tư, thường xuyên kết nối cung cấp thông tin mời gọi đầu tư với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,3%, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 06 tháng đầu năm đạt 6,02% (cao hơn bình quân chung của cả nước).

“Đồng hành cùng doanh nghiệp” không phải là khẩu hiệu suông, mà là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của lãnh đạo Đồng Tháp trong quá trình chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế -  xã hội”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Tháp khẳng định.

Từ PCI nghĩ về sức bật mới và giấc mơ khởi nghiệp

Với các chính sách thông thoáng, nguồn nhân lực, đất đai, sản phẩm nông nghiệp và đặc biệt là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong top đầu cả nước nhiều năm liền, Đồng Tháp được đánh giá là địa phương có nhiều thuận lợi để khởi nghiệp.

Thực tế tại Đồng Tháp, “khởi nghiệp” đã nhen nhóm từ lâu. Trong nhiều cuộc nghị sự, hội thảo, toạ đàm …, lãnh đạo đã chỉ đạo và quán triệt sâu sắc trong cả hệ thống, quyết tâm xây dựng Đồng Tháp – địa phương khởi nghiệp. Từ đây, một số mô hình khởi nghiệp trong thanh niên được hình thành như Hội quán Khởi nghiệp, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp, Câu lạc bộ Thanh niên với đặc sản Đồng Tháp ... Nhờ đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp, nên số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm đã có 214 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số lên 4.233 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 33.980 tỷ đồng.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang rất quan tâm tới việc đầu tư vào Việt Nam, vì đây là thị trường trẻ, đầy tiềm năng và đặc biệt là có rất nhiều dự án khởi nghiệp hấp dẫn và khả thi. Khi có được một môi trường minh bạch và an toàn, việc các start-up (dự án khởi nghiệp) Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng nhận được đầu tư tài chính từ các nhà đầu tư này sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Vấn đề cốt lõi là làm sao để khơi thông, kích thích các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đồng thời hỗ trợ kịp thời bằng các chính sách khuyến khích khởi nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan yêu cầu lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương phải “thẩm thấu” nội dung này, xem khởi nghiệp là chuyện hệ trọng của Nhà nước, chứ không chỉ là chuyện của doanh nghiệp. Ông Hoan cũng cho biết, sắp tới, tỉnh sẽ có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời xây dựng khung chương trình khởi nghiệp cho các đối tượng: lãnh đạo, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên ...

Đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng chiến lược cho khởi nghiệp
Đó là ý kiến phát biểu khởi đầu của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại Diễn dàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL diễn ra sáng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư