Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng chiến lược cho khởi nghiệp
Huy Tự - 13/07/2016 16:40
 
Đó là ý kiến phát biểu khởi đầu của ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại Diễn dàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL diễn ra sáng 13/7 tại TP. Vị Thanh trong khuôn khổ các sự kiện MDEC Hậu Giang 2016.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các bộ ngành, Ngân hàng nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đại diện 13 tỉnh, thành và hơn 400 doanh nghiệp trong vùng.

Trong bài phát biểu, ông Thiên cũng đặt ra các vấn đề mà theo ông là rất hệ trọng cho ĐBSCL: "Phải chăng chính quyền, nhà quản lý và doanh nghiệp cần đánh giá đúng thực chất xu thế và triển vọng, lợi thế phát triển ĐBSCL và các điều kiện cơ bản ảnh hưởng đến lốii sống, tập quán sinh hoat, sản xuất và văn hóa lâu nay của ĐBSCL đã có sự thay đổi đáng kể trong xu thế biến đổi khí hậu hạn hán và xâm nhập mặn như vừa qua... có tác động đến hội nhập và xu thế phát triển vùng ra sao?. Cần nhìn nhận rõ và thật cụ thể, từ đó có bước đi phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, nhất thiết liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đặc biệt là vai trò chủ thể của doanh nghiệp là lực lượng chính dẫn dắt thị trường và cấu trúc phát triển. Do điều kiện tự nhiện, văn hóa lập nghiệp, khai phá và vị thế của vùng".

Ông Thiên cũng nhấn mạnh: "Chỉ có miền Tây Nam bộ là môi trường hấp dẫn cho khởi nghiệp, tìm tòi, khám phá, phát hiện  cái mới, vượt qua thách thức và nghịch cảnh, định hướng trở thành vùng khởi nghiệp của đất nước".

.
Quang cảnh Diễn dàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho biết: "Với tính chất năng động, tìm tòi khám phá cái mới, các doanh nghiệp của vùng ngày càng hội nhập sâu và chấp nhận cạnh tranh thị trường, hiện có khoảng 1 triệu nông hộ tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tuy nhiên điểm yếu của các doanh nghiệp trong vùng còn ở quy mô nhỏ, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, dự án phục vụ nông nghiệp còn thấp, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế... cũng là những rào cản cho phát triển vùng ĐBSCL".

Là doanh nghiệp tiêu biểu ở ĐBSCL về sản xuất các sản phẩm chế biến từ bột gạo, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Bích Chi cho biết: "Có những thời điểm đơn vị cũng gặp những khó khăn về tìm kiếm nguồn nguyên liệu gạo đặc sản chất lượng cao, để chế biến các sản phẩm như phở, hủ tiếu, bánh tráng đáp ứng thị trong nước và xuất khẩu, ảnh hưởng đến việc sản xuất thường xuyên và ổn định của đơn vị. Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ qua chính sách thuế cho những doanh nghiệp vừa tập trung đổi mới công nghệ, nhưng vừa phải bỏ vốn đầu tư hệ thống xử lý môi trường hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xanh và bền vững".

Về phía mình, ông Lê Hoàng Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Mía đường cần Thơ chia sẻ: "Cạnh tranh là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, do vậy để ngành mía đường ĐBSCL và cả nước có thể tồn tại và cạnh tranh được trong thời kỳ hội nhập thì điều tiên quyết là nông dân trồng mía phải cạnh tranh được và sống được với cây mía, bắt buộc các công ty mía đường có thế mạnh phải chủ động liên kết với các công ty, nhà máy đường khác trong đầu tư, sản xuất mía, nhất là công nghệ chế biến và liên kết trong khâu tiêu thụ để có được sức mạnh trong cạnh tranh theo và hội nhập sâu rộng hiện nay".

Ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng doanh nghiệp cần phải chủ động sáng tạo hơn để tạo lợi thế cho mình, phải thay đổi cách thức, đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết: "Để đồng hành cùng với các doanh nghiệp ĐBSCL trong xu thế đẩy mạnh phát triển khởi nghiệp của vùng, Ngân hàng nhà nước đảm bảo sẽ hỗ trợ đủ vốn cho các dự án có hiệu quả, nhất là các dự án đầu tư vào nông nghiệp trong vùng. Từng bước giảm lãi suất đầu ra để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không giảm lãi suất đầu vào để đảm bảo cho người gửi tiền có lãi trong điều kiện biến động trượt giá. Có chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và nông hộ gặp khó khăn trong đợt thiên tai vừa qua. Do vậy khó khăn và áp lực lên ngân hàng là không nhỏ, bắt buộc ngân hàng phải tái cơ cấu, phải giảm chi phí, tìm kiếm khách hàng, dự án, tập trung nguồn vốn vào các chương trình tín dụng lớn ở vùng ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ".

Tuy nhiên, ông Tú cũng băn khoăn rằng tiềm năng của vùng, của doanh nghiệp lớn là vậy, nhưng dư nợ cho vay của ĐBSCL hiện chỉ khoảng  400.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 8% dư nợ cả nước, đây là con số rất khiêm tốn, nếu không nói rất thấp so với bình quân cả nước, cần có lời giải chính xác và thỏa đáng hơn, bởi không ít doanh nghiệp trong vùng hiện nay đang khát vốn, có dự án tốt nhưng chưa tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.

MDEC - Hậu Giang 2016 với những hoạt động thiết thực
Từ ngày 11 đến 15/7/2016, tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) diễn ra Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Hậu Giang 2016) với chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư