Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng Tháp tăng cường hợp tác đầu tư với các địa phương Lào
Thanh Bình - 10/12/2018 19:39
 
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của hai bên, tỉnh Đồng Tháp và các địa phương của nước bạn Lào đang tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Môi trường đầu tư thuận lợi tại Lào

Ông Bouasone Vongsongkhone, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó tỉnh trưởng tỉnh Champasak (Lào) cho biết: “Với điều kiện vị trí địa lý và điều kiện khí hậu tự nhiên gần như tương đồng, tỉnh Champasak nói riêng và nhân dân Lào nói chung rất mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư, hợp tác song phương, đa phương với Đồng Tháp để phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt trong thời gian tới”.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu các địa phương Lào. Ảnh: Thanh Bình
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu các địa phương Lào. Ảnh: Thanh Bình

Theo ông Bouasone Vongsongkhone, tỉnh Champasak nằm ở khu vực phía Nam của Lào - vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành nông nghiệp chiếm 23,3% (chủ yếu là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản và trồng cây công nghiệp như cao su, điều, cà phê…); ngành công nghiệp chiếm 36% (chủ yếu là công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng điện và khoáng sản); dịch vụ, du lịch chiếm 41,2%. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Champasak luôn thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế theo ngành, theo vùng và chính sách miễn thuế đất hoặc tô nhượng đất của Nhà nước (theo vùng)...

Cùng chung quan điểm, ông Vi Xiên Na Vỉ Kun, Phó tỉnh trưởng tỉnh Salavan (Lào) chia sẻ, Salavan mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư và cần xúc tiến các dự án nâng cao chất lượng sản xuất bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại để phục vụ nuôi trồng, sản xuất hàng thủ công, thủy điện, chế biến sản phẩm, nhà máy sản xuất phân bón, sản xuất vật liệu xây dựng… và xúc tiến hoạt động dịch vụ khách sạn - nhà hàng, du lịch với tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Vi Xiên Na Vỉ Kun khẳng định: “Salavan là vùng đất đầy tiềm năng phát triển kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư để sản xuất lương thực và chế biến hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân”.

Doanh nghiệp Đồng Tháp sẵn sàng hợp tác

Với cơ hội đầu tư thuận lợi, ông Huỳnh Minh Đông, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết, đã từ lâu, Cỏ May mong muốn tìm hiểu thêm về tài nguyên thiên nhiên của nước bạn Lào để tạo nhiều cơ hội kết nối, phát huy nền kinh tế nông nghiệp địa phương. Bởi lẽ, sắp tới, Cỏ May kỳ vọng phát triển hơn nữa trên 3 yếu tố: tri thức - công nghệ - tài nguyên địa phương.

Để mở ra cơ hội hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất đầu mối xúc tiến thương mại giữa Đồng Tháp với Lào để đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa và các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch giữa hai bên.

“Dưới góc độ Công ty, chúng tôi luôn mong muốn sang Lào tìm hiểu thêm về môi trường kinh tế, hợp tác đầu tư phát triển thêm ngành sản xuất lúa gạo, chế biến cá tra xuất khẩu hay khai thác tốt nguồn tài nguyên bản địa để làm nên sản phẩm an toàn mang tính chiến lược như trồng nấm rơm sạch, trích xuất tinh dầu từ tim sen, trích xuất tinh dầu từ cám, gạo phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”, ông Đông nói.

Trong khi đó, theo ông Lương Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên K&Y (đồng thời là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp), Công ty đã có một số đối tác tại thị trường Lào trong 3 năm qua. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa của Công ty sang Lào gặp một số khó khăn, phải thông qua kênh trung gian, nên chi phí logistics rất cao. “Tới đây, chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội tìm hiểu về chính sách đãi ngộ xúc tiến đầu tư tại Lào, tạo tiền đề để đầu tư thêm một số sản phẩm mang tính chiến lược phát triển”, ông Thông nói.

Lạc quan về mối quan hệ hợp tác giữa Đồng Tháp với các địa phương của nước bạn Lào, ông Châu Hồng Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, ngày 3/8/2013, giữa Đồng Tháp với các địa phương Lào đã ký biên bản ghi nhớ về định hướng thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết vì lợi ích chung của nhân dân hai nước. Từ đó tới nay, không ít doanh nghiệp Đồng Tháp đã tìm đến thị trường ở một số tỉnh, thành phố của Lào để đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ... Dù mới bước đầu, nhưng đó là mốc đánh dấu sự hợp tác, xúc tiến thương mại giữa Đồng Tháp và các địa phương của nước bạn Lào.

“Để mở ra cơ hội hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất đầu mối xúc tiến thương mại giữa Đồng Tháp với Lào để đẩy mạnh xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa và các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch giữa hai bên. Đồng thời, vận động và tổ chức doanh nghiệp tham gia các đoàn sang giao thương, khảo sát thị trường, tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của hai bên”, ông Châu Hồng Phúc nói.

Đa dạng tiềm năng hợp tác nông nghiệp Đồng Tháp - Nhật Bản
Đồng Tháp tăng cường hợp tác và xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp với các quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, trong đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư