Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Dòng tiền bị cạnh tranh, ngân hàng đẩy lãi suất
Hà Tâm - 11/10/2018 08:40
 
Thanh khoản ngân hàng đang có dấu hiệu “căng” khi bước vào cao điểm tín dụng cuối năm, trong khi tiền gửi ngân hàng bị cạnh tranh bởi nhiều kênh khác.
TIN LIÊN QUAN

Nhu cầu tăng, thanh khoản eo hẹp

Đầu tuần này, các ngân hàng VietinBank và BIDV  tiếp tục tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,4 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn, nối dài danh sách ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 10 đến nay lên 7 - 8 ngân hàng. Còn nếu tính trong vòng một tháng qua, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất, với mức tăng tổng cộng từ 0,3% đến trên 1%/năm.

.
.

Thực tế, làn sóng tăng lãi suất đã bắt đầu từ giữa năm nay tại một số ngân hàng nhỏ và vừa, sau đó lan sang các ngân hàng lớn từ tháng 9. Trước đây, nhận xét về xu hướng tăng lãi suất, các chuyên gia đều cho rằng, xu hướng này chỉ mang tính mùa vụ, “cục bộ” và sẽ sớm chấm dứt. Tuy nhiên, hiện tại, theo nhiều ý kiến, căng thẳng thanh khoản là có thực và lãi suất còn có thể tăng đến tận năm 2019.

“Việc ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vừa qua không đơn thuần là yếu tố mùa vụ, mà còn có thể do thanh khoản của nhiều ngân hàng có vấn đề, bằng chứng là gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng cả lãi suất kỳ hạn ngắn. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cũng tác động đến mặt bằng lãi suất trong nước. Tôi cho rằng, xu hướng tăng lãi suất sẽ còn kéo dài đến năm sau”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Trong báo cáo đưa ra cách đây không lâu, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng cao cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang eo hẹp.

Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng huy động vốn (9,1%) và cho vay (9,5%), các ngân hàng đang bị “hụt” hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại siết thanh khoản để đẩy lãi suất lên (nhằm tạo chênh lệch lãi suất hấp dẫn cho tiền đồng so với USD), khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, đẩy áp lực sang thị trường 1 (huy động từ dân cư).

Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay chưa có nhiều biến động, song nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, thì lãi suất ngân hàng tại Việt Nam rất khó có thể hạ. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng tăng lãi suất nằm trong xu hướng toàn cầu. Chưa kể, bắt đầu từ năm 2019, quy định tỷ lệ trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ tiếp tục giảm từ mức 45% xuống còn 40%... cũng đang tạo áp lực về vốn huy động cho các ngân hàng.

Tiền gửi dân cư bị cạnh tranh quyết liệt

Một thực tế không thể phủ nhận là dòng tiền gửi vào ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại. Kỳ vọng lạm phát gia tăng, xu hướng lên giá của USD, sự phục hồi của thị trường chứng khoán, bất động sản… đang khiến kênh tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Nhiều người dân, thay vì gửi tiền vào ngân hàng, đã chọn đầu tư vào các kênh khác. Trong khi đó, áp lực thanh khoản và nhu cầu vay vốn gia tăng những tháng cuối năm buộc ngân hàng phải cộng thêm lãi suất huy động để hút tiền gửi của dân cư.

Việc ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất vừa qua không đơn thuần là yếu tố mùa vụ, mà còn có thể do thanh khoản của nhiều ngân hàng có vấn đề.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nếu như Fed tiếp tục tăng lãi suất, xung đột thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, lạm phát trong nước tiếp tục tăng, thì làn sóng tăng lãi suất chưa thể sớm kết thúc. Bởi khi đó, các ngân hàng sẽ càng phải tăng lãi suất để đảm bảo chênh lệch lãi suất tiền gửi VND so với USD và so với các kênh đầu tư khác.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải “canh” rất sát diễn biến thị trường những tháng cuối năm và đầu năm tới để có chính sách lãi suất và tỷ giá phù hợp, nhằm ổn định mặt bằng lãi suất.

Thậm chí, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect còn cho rằng, trường hợp thị trường không thuận lợi, ngay cả khi đã siết tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể phải tính đến việc tăng lãi suất cơ bản trong năm 2019.

Cụ thể, theo VNDirect, nếu lạm phát gia tăng trên 5% và tiền đồng gặp áp lực lớn, thì Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phải nâng lãi suất.

“Chúng tôi ước tính lãi suất cơ bản sẽ tăng 50 điểm cơ bản trong năm 2019, nâng mức lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt lên 4,75% và 6,75%”, các chuyên gia của VNDirect nhận định.

Đáng lưu ý là, dù lãi suất tăng, song đa phần chuyên gia nhận định, lãi suất cho vay - nhất là cho vay lĩnh vực ưu tiên - chưa bị tác động. Lý do một phần do cam kết ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, một phần do đầu năm nay, nhiều ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động và hiện tại tuy đã dâng lên, nhưng nếu so với mặt bằng năm ngoái thì cũng chưa chênh lệch quá nhiều.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư