Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dòng tiền đầu tư sẽ chuyển hướng
Hà Tâm - 12/12/2019 13:28
 
Không còn dồn dập đổ vào chứng khoán, bất động sản, từ năm 2020, dòng tiền đầu tư sẽ có sự chuyển hướng sang các lĩnh vực vừa sinh lời tốt, song vẫn đảm bảo độ an toàn nhất định.
Vàng vẫn là kênh đầu tư đáng chú ý năm 2020. Ảnh: Đức Thanh
Vàng vẫn là kênh đầu tư đáng chú ý năm 2020. Ảnh: Đức Thanh

Nhà đầu tư đau đầu với chứng khoán, bất động sản

Năm 2020 sẽ là năm khó khăn của dòng tiền, khi hiệu quả các kênh đầu tư đều có xu hướng giảm và rủi ro gia tăng. Trong đó, chứng khoán và bất động sản - hai kênh đầu tư chủ chốt - lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư e dè nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng phân tích, thị trường chứng khoán toàn cầu năm nay vẫn khá tốt. Riêng thị trường chứng khoán Mỹ, hầu hết các chỉ số chính đều tăng hơn 20%, nhưng thị trường này đã trải qua 11 năm tăng điểm và đang ẩn chứa rủi ro chu kỳ, trong khi thanh khoản cũng đang giảm.

Nhận định này trùng với đánh giá của Credit Suisse và Morgan Stanley, khi cả hai định chế tài chính này đều cho rằng, năm 2020 thị trường chứng khoán Mỹ sẽ bắt đầu lao dốc.  

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán thậm chí còn xấu hơn. Từ đầu năm đến nay, vốn hóa thị trường tăng khoảng 15%, trong khi thanh khoản giảm tới 35%. Giá trị vốn hóa tăng không phải do giá cổ phiếu tăng, mà do thị trường có thêm cổ phiếu niêm yết mới. Thanh khoản giảm chứng tỏ dòng tiền vào thị trường giảm, nhà đầu tư ít giao dịch.

“Theo một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đầu năm 2018 - thời điểm thị trường đang đi lên - chỉ có chưa đến 10% nhà đầu tư mở tài khoản có giao dịch. Năm nay, con số này chắc chắn còn ít hơn nữa. Thị trường càng ảm đạm hơn khi các quỹ đầu tư năm nay hầu như không ai vượt qua được mức tăng của VN-Index, còn chưa tính phí quản lý”, ông Khánh phân tích.

Phân tích dữ liệu của Bloomberg cho thấy, hiệu quả đầu tư của hàng loạt quỹ ngoại 11 tháng đầu năm 2019 tại thị trường Việt Nam rất thấp, thấp hơn nhiều lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Điều này có thể dẫn tới làn sóng rút vốn của khối ngoại năm 2020.

Trong khi xu thế dòng tiền đang rất yếu, thị trường lại bị bồi thêm bởi một loạt quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt tín dụng bất động sản và hạ lãi suất dự trữ bắt buộc với ngân hàng. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách mới này sẽ khiến cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu bất động sản tiếp tục sụt giảm năm 2020.  

Mặc dù vẫn có một số công ty chứng khoán kỳ vọng chỉ số P/E thấp kỷ lục như hiện nay sẽ khiến thị trường hồi phục năm 2020, nhưng phần đông còn lại đều cho rằng, hy vọng này là rất khó, nhất là khi bất động sản đang gặp khó. 

Về thị trường bất động sản, theo các chuyên gia kinh tế, phân khúc nhà ở bình dân đang khan hiếm nguồn cung, trong khi các phân khúc khác lại có dấu hiệu đầu cơ, giá ảo, thanh khoản giảm trầm trọng. Xu hướng này dự kiến còn kéo dài đến năm 2020. Mặc dù giá nhà liên tục tăng cao, song việc tăng giá này chủ yếu do yếu tố kỳ vọng của nhà dầu tư, không phải do cung - cầu.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, giao dịch bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư phải bán lỗ để trả lãi ngân hàng. Số liệu được công bố tại một hội thảo về bất động sản gần đây cho thấy, số lượng người đăng tin bán bất động sản tăng 43%, trong khi số lượng người quan tâm chỉ tăng 3%. Việc NHNN siết tín dụng bất động sản càng làm thị trường này khó khăn hơn nữa năm 2020.  

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Năm 2020 sẽ là năm khó khăn với các nhà đầu tư. Phải đến giữa năm 2020, các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản may ra mới có thể khởi sắc”. 

Bất ngờ vàng, tiền ảo

“Tôi cho rằng, nếu không có những thông tin tích cực, chứng khoán và bất động sản năm 2020 sẽ không kích hoạt được dòng tiền. Theo đó, nhà đầu tư sẽ hướng vào những kênh an toàn như tiết kiệm, vàng, trái phiếu, một số loại tiền ảo…”, ông Phan Dũng Khánh nhận xét.

Trên thị trường, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài vẫn đang ở mức hấp dẫn, nhiều ngân hàng trả lãi 8,5%/năm. Việc NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi vừa qua hầu như chỉ tác động đến mặt bằng tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, lãi suất vẫn là kênh đầu tư vừa an toàn, vừa hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.

Một kênh đầu tư khác sẽ được nhiều người lựa chọn năm 2020 là vàng. Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới tăng 14%, trong khi giá vàng trong nước cũng tăng hơn 11%. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm mang tính chu kỳ, thương chiến Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, thì vàng vẫn là kênh đầu tư đáng chú ý năm 2020. 

Tuy nhiên, bất ngờ nhất trong số các kênh đầu tư có lẽ là đồng tiền ảo Bitcoin. “Bitcoin giảm mạnh 3 tháng gần đây, song nếu tính từ đầu năm đến nay thì đây là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất. Cụ thể, đầu năm nay, giá Bitcoin chỉ hơn 3.000 USD/BTC nhưng đã có lúc vọt lên 12.000 USD (tăng gấp 4 lần). Hiện tại, Bitcoin đã giảm về 7.500 USD/BTC, song so với đầu năm vẫn tăng gấp đôi. Có thể thấy, tiền ảo đang đứng đầu bảng về tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay”, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho hay.

Một số quốc gia đang lên kế hoạch phát hành tiền số, đồng Libra của Facebook có khả năng ra đời. Dù vậy, ông Khánh cho rằng, Libra là “stablecoin” - tức không có khả năng tăng giá và có sự quản lý. Điều này khác với Bitcoin: không ai quản lý và có khả năng tăng giá. Vì vậy, Bitcoin vẫn có sức hấp dẫn riêng.

Năm 2020, những kênh đầu tư có thể coi là an toàn đối với nhà đầu tư gồm tiết kiệm, vàng, trái phiếu, một số ít đồng tiền số, bảo hiểm, một số ngoại tệ. Trong khi đó, các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản dự báo thanh khoản vẫn rất yếu và khó thu hút dòng tiền.

Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Vốn Nhật ra “mặt tiền” kinh tế Việt Nam
Bằng việc ngày càng mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đã cắm rễ trong các nhà máy, nay mở rộng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư