Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 17 tháng 11 năm 2024,
Dòng tiền vẫn dè dặt, VN-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp
Tùng Linh - 18/05/2022 19:54
 
Trên ba sàn, số lượng mã chứng khoán tăng áp đảo. Tuy nhiên, HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa giảm điểm. Duy nhất chỉ số sàn HoSE giữ mạch tăng, lên 1.241 điểm. Khối ngoại mua ròng gần 200 tỷ đồng.
.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam đóng cửa trái chiều phiên 18/5

Giao dịch giằng co, số mã tăng giá vẫn áp đảo

Sau phiên hồi phục mạnh hôm 17/5, các chỉ số chứng khoán Việt Nam đóng cửa trái chiều. VN-Index tăng 12,39 điểm (1,01%) lên 1.240,76 điểm. Chỉ số này từng có thời điểm tiến sát mốc 1.250 điểm vào đầu phiên chiều.

Chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng trượt dốc nhanh hơn trong phiên chiều. HNX-Index giảm 5,6 điểm (-1,78%) xuống 309,84 điểm. UPCoM-Index giảm 1,16 điểm (-1,21%) xuống 94,73 điểm.

Trên ba sàn, số lượng mã chứng khoán tăng áp đảo với 495 mã tăng, 30 mã tăng kịch biên độ; trong khi chỉ có 307 mã giảm và 18 mã giảm sàn.

MSN  tăng trần phiên thứ hai liên tiếp và trở thành trụ cột dẫn đầu đà tăng của VN-Index phiên hôm nay. Nhóm dẫn dắt đà tăng của chỉ số sàn HoSE còn có GAS, BCM, TCB, STB. Ở chiều ngược lại, “anh cả” vốn hoá thị trường Vietcombank lại là cổ phiếu ghìm chân thị trường khi kết phiên giảm 0,79%, góp hơn 0,7 điểm giảm.

Trên sàn HNX, IDC, CEO, L14 và HUT tiếp tục hồi phục và giúp kìm đà giảm của chỉ số chung. Trong khi đó, cổ phiếu Thaiholdings (THD) giảm sâu 9,63%. Cùng quy mô vốn hoá lớn, THD cũng chính là “tội đồ” kéo HNX-Index khi góp hơn 2 điểm giảm phiên này.

 Theo công văn của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Bộ Công an (C03), Thaiholdings đã buộc phải hoàn trả số tiền 840 tỷ đồng đã giao dịch từ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh từ thương vụ bán cổ phần của Công ty cổ phần Bình Minh Group - chủ sở hữu Dự án 11A Cát Linh. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2021 niêm yết này do đó giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng. 

Giao dịch nhóm nhà băng có sự phân hoá. SHB và STB thậm chí tăng kịch biên độ gần 7%.

Cổ phiếu bán lẻ, phân bón phục hồi mạnh với nhiều mã tăng kịch biên độ trong phiên. Cổ phiếu Digiworld kết phiên tăng 6,9% lên 106.600 đồng. FRT, MWG lần lượt tăng 4,8% và 1,9%. Nhiều cổ phiếu ngành phân bón hoá chất tăng 5-7% như DCM tăng kịch biên độ, DPM cũng chạm trần trong phiên nhưng đóng cửa còn tăng 6,4%, DGC tăng 5,3%...

Dòng tiền vẫn dè dặt, tự doanh quay đầu bán ròng 620 tỷ đồng

Thanh khoản vẫn ở mức thấp 3 phiên gần đây. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt hơn 16.399 tỷ đồng, giảm 2,7% so với phiên hôm qua. Hàng loạt cổ phiếu giá thấp ở vùng VN-Index dưới 1.200 điểm giao dịch hôm thứ 6 tuần trước đã về tài khoản nhà đầu tư. Tuy nhiên, lực bán chốt lời không quá lớn.

Trên ba sàn, khối ngoại mua ròng 198 tỷ đồng, tập trung mua nhiều nhất cổ phiếu GAS (57 tỷ đồng), VNM (43 tỷ đồng), KBC (37 tỷ đồng). Trong khi đó, SSI bị khối ngoại bán ra khá mạnh (129 tỷ đồng).

Các nhà đầu tư cá nhân và khối ngoại là bên mua chính trong phiên hôm nay. Theo số liệu thống kê giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE của Fiingroup, các cá nhân đã mua ròng gần 670 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân ròng hơn 227 tỷ đồng. Trong khi đó, bên bán là các nhà đầu tư tổ chức. Khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 624 tỷ đồng trên sàn HoSE qua các giao dịch khớp lệnh. Các tổ chức khác cũng bán ròng 273 tỷ đồng.

Đã có số liệu nợ xấu trái phiếu, BOT, chứng khoán
Những số liệu này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cập nhật trong báo cáo vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư