Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Đủ 36 tháng kinh nghiệm mới được cung cấp dịch vụ làm thủ tục thuế
Mạnh Bôn - 11/03/2021 16:41
 
Thay vì chỉ cần bằng cao đẳng và 24 tháng kinh nghiệm, muốn thi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, cá nhân phải có bằng đại học và tối thiểu 36 tháng kinh nghiệm.

 

Đại lý thuế cung cấp dịch vụ đăng ký, khai, nộp, quyết toán thuế; lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay người nộp thuế
Đại lý thuế cung cấp dịch vụ đăng ký, khai, nộp, quyết toán thuế; lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay người nộp thuế

Kể từ ngày 12/3/2021, người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có  bằng tốt nghiệp đại học trở lên và phải có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng.

Đặt điều kiện hành nghề ngặt nghèo hơn hiện hành

Theo hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế vừa được Bộ Tài chính ban hành thì kể từ ngày 12/3/2021, người dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật. Đặc biệt, người muốn thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên.

Cũng kể từ ngày 12/3/2021, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế) phải có ít nhất 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp; và có ít nhất một nhân viên đại lý thuế có chứng chỉ kế toán viên làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp đối với trường hợp đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

So với hiện hành (Thông tư 117/2012/TT-BTC và Thông tư 51/2017/TT-BTC) thì quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế ngặt nghèo hơn rất nhiều.

Cụ thể, hiện tại, muốn dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế, người dự thi chỉ cần có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên thuộc các ngành kinh tế, thuế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ đủ hai 2 năm (24 tháng) trở lên. Đại lý thuế chỉ cần đáp ứng điều kiện có ít nhất hai 2 nhân viên được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đã được kinh doanh dịch vụ làm thủ tục thuế.

Còn kể từ 1/5/2021, yêu cầu về thẩm định giá cũng khắt khe hơn rất nhiều theo Nghị định 12/2021 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính. Theo đó, để được cung cấp dịch vụ thẩm định giá, thẩm định viên phải đáp ứng các quy định hiện hành, trong đó cớ yêu cầu phải có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên, thẩm định viên về giá hành nghề còn phải đáp ứng điều kiện ký ít nhất 10 bộ chứng thư thẩm định giá. Đến hết ngày 15/12 của năm hành nghề, thẩm định viên về giá đã hành nghề từ 6 tháng trong năm trở lên không ký đủ 10 bộ chứng thư thẩm định giá sẽ không được đăng ký hành nghề trong năm liền kề tiếp theo.

Người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá ngoài đáp ứng các điều kiện hiện hành phải có ít nhất 36 tháng là thẩm định viên về giá hành nghề.

Có kinh nghiệm chưa chắc đã hơn doanh nghiệp khởi nghiệp

Theo TS. Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tinh thần của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư nói chung, đặc biệt là Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2020 vừa có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 là phải “làm sạch” điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng văn bản hướng dẫn các luật chuyên ngành tăng thêm điều kiện kinh doanh theo hướng ngặt nghèo hơn diễn ra khá phổ biến.

Một trong những cải cách rất mạnh mẽ của Luật đầu tư năm 2020, theo ông Hiếu là đã bỏ được 40 điều kiện kinh doanh (từ 267 xuống còn 227), nhưng Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ quy định loại hình, ngành nghề kinh doanh và từ loại hình, ngành nghề được quy định chung này, văn bản hướng dẫn các luật chuyên ngành khác “chẻ” ra rất nhiều điều kiện kinh doanh, thậm chí có những điều kiện rất… ngớ ngẩn gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Hiếu cho biết, văn bản hướng dẫn các luật chuyên ngành về điều kiện kinh doanh đều ấn định người muốn hành nghề phải có đủ 36 tháng kinh nghiệm trở lên. Sau khi bị cộng đồng doanh nghiệp phản ứng, nhiều bộ ngành đã “mạnh dạn hạ chuẩn” xuống còn 24-30 tháng kinh nghiệm.

“Không hiểu sao ngành nghề nào cũng đòi hỏi tổ chức, cá nhân muốn tham gia phải có kinh nghiệm. Quy định này đã hạn chế cơ hội tìm việc làm, tham gia vào thị trường của các tân cử nhân, kỹ sư và doanh nghiệp mới khởi nghiệp vì đối tượng này “không biết đào đâu ra” cho đủ 36 tháng kinh nghiệm. Hơn nữa quy định này cũng hết sức ngớ ngẩn vì trong cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, người có kinh nghiệm, doanh nghiệp có “thâm niên” chắc gì đã hơn gì người mới làm việc, doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Thậm chí càng có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động càng kém hiệu quả vì cách làm việc đã vào lối mòn, không có sáng tạo; ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ chắc không thể bằng sinh viên mới ra trường và doanh nghiệp khởi nghiệp. Cá nhân, doanh nghiệp có tối thiểu 36 tháng kinh nghiệm không lấy gì chắc chắn là làm tốt hơn cá nhân, doanh nghiệp chỉ có dăm ba tháng kinh nghiệm, vậy tại sao hướng dẫn các luật chuyên ngành, các bộ ngành không mạnh dạn giảm điều kiện về thời gian kinh nghiệm xuống còn 6-12 tháng mà cứ yêu cầu phải đủ 36 tháng”, ông Hiếu bức xúc.

Đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh… ngớ ngẩn

Không chỉ có đặt điều kiện về thời gian làm việc, ông Hiếu cho biết, rất nhiều văn bản hướng dẫn luật đã đặt ra những điều kiện hết sức ngớ ngẩn, là lực cản đáng kể trong việc thực thi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.

“Muốn cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải có trụ sở ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm là điều kiện hết sức ngớ ngẩn vì trong cơ chế thị trường, rất nhiều doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại trong vòng 6 tháng mà lại yêu cầu phải thuê trụ sở ổn định tới 2 năm. Điều kiện phải có đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng hết sức ngớ ngẩn vì kiểm định chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng là bằng… cái đầu chứ không sử dụng được bất cứ thiết bị công nghệ nào”, ông Hiếu phân tích.

“Điều kiện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải có ít nhất 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian rất phi thị trường vì nhiều doanh nghiệp cả năm mới ký được vài ba hợp đồng kiểm định thì chỉ cần cần 1-2 kiểm định viên là đủ, nếu thiếu doanh nghiệp có thể đi thuê ngoài, nhưng bắt doanh nghiệp thuê đủ 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian thì 8 kiểm định viên thì 8 kiểm định viên còn lại chỉ ngồi chơi xơi nước và hưởng lương”, ông Hiếu đưa ra dẫn chứng về những điều kiện kinh doanh được coi là ngớ ngẩn và phi lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư