Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả: Báo động đỏ với khoản tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng
Bảo Như - 23/07/2020 13:38
 
Khoản tín dụng hơn 10.000 tỷ đồng để đầu tư Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả có nguy cơ trở thành nợ xấu, tạo áp lực lớn cho nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn.
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng phương án tài chính và trả nợ đang có nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh: Đ.T
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, nhưng phương án tài chính và trả nợ đang có nguy cơ bị phá vỡ. Ảnh: Đ.T

Tới hạn chịu đựng

Sự căng thẳng liên quan đến số phận Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả là điều có thể thấy rõ, nếu chiểu theo nội dung Công văn số 6428/BGTVT-ĐTCT về phương án trả nợ công trình vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi tới Ngân hàng Nhà nước và nhà tài trợ vốn trong nước.

Cụ thể, Bộ GTVT chính thức đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, có ý kiến đồng thuận để nhà tài trợ vốn thực hiện cơ cấu nợ theo hướng giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khẳng định, đây là việc cần thiết để tránh toàn bộ khoản vay tín dụng trị giá hơn 10.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp dự án vay ngân hàng không bị đưa vào dạng nợ xấu, trong khi chờ các cơ quan chức năng xử lý các vướng mắc tại Dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả.

Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty CP Đầu tư Đèo Cả và Bộ GTVT, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và Hải Vân) có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (23,53%).

Trên cơ sở sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Dự án được phép sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, gồm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân. Hiện nay, các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng Dự án thành phần Mở rộng hầm Hải Vân 2 đang được nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2020.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của cả nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đã phát sinh một loạt yếu tố khách quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính cũng như phương án trả nợ các khoản vay cho tổ chức tín dụng trong nước.

Được biết, trong số các nguyên nhân làm lệch phương án tài chính tại công trình hạ tầng BOT có quy mô vốn lớn nhất được triển khai trên trục Bắc - Nam, đáng kể nhất là việc thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan chưa thể thực hiện được như hợp đồng đã ký, do thay đổi cơ chế chính sách; phần vốn Nhà nước (1.180 tỷ đồng, trong số 5.048 tỷ đồng đã cam kết) tham gia Dự án chưa được giải ngân do thay đổi về kế hoạch phân bổ nguồn vốn từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm trong khu vực như: Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô, Khu kinh tế Vân Phong, Nhà máy Lọc dầu Nhơn Hội… chưa thể triển khai cũng khiến lưu lượng xe thực tế hụt sâu so với phương án tài chính.

“Những vướng mắc nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư này đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhận diện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm phương án tài chính theo hợp đồng đã ký.

Trên thực tế, để khắc phục một phần khó khăn, thời gian qua, Công ty CP BOT Đèo Cả đã huy động vốn tự có để bổ sung chi trả lãi vay nhằm đảm bảo nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, cũng như chi phí vận hành khai thác công trình. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, nhà đầu tư không thể tiếp tục bù đắp trong thời gian dài. “Trường hợp phát sinh nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp và khả năng hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng”, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Về phía Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, lãnh đạo Công ty cho biết, họ ghi nhận sự đồng hành của Bộ GTVT, nhưng việc chậm xử lý dứt điểm các vướng mắc tại Dự án, đặc biệt là Nhà nước chưa tham gia đủ phần vốn góp đã khiến dư nợ tín dụng tăng thêm 954 tỷ đồng và phát sinh 110 tỷ đồng lãi vay trong thời gian xây dựng. Đây là áp lực rất lớn, chạm ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Dự án đang bị mất nguồn thu do chậm trễ đưa vào thu phí trạm La Sơn - Túy Loan.

Cấp bách gỡ vướng

Liên quan đến 1.180 tỷ đồng chưa cấp đủ cho Dự án, trong văn bản vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phương án bố trí ngay 50 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung và nguồn dự phòng 10%. Phần vốn còn lại, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cân đối trong năm 2020, 2021 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, khoản tiền này không nằm ngoài phần vốn mà Nhà nước cam kết bố trí cho Dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ký hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 439/NQ-UBTVQH, ngày 30/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng, khiến phần vốn nhà nước tham gia chỉ còn 3.868 tỷ đồng, tương đương 17,89% tổng mức đầu tư toàn Dự án. Đây là khoản tham gia hỗ trợ của Nhà nước rất thấp so với các dự án BOT có quy mô tương tự, được triển khai cùng thời điểm và chỉ bằng 1/3 so với 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.

Để đảm bảo tính khả thi của Dự án, trong hơn 1 năm qua, Bộ GTVT đã liên tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục bố trí 1.180 tỷ đồng đã cam kết trong hợp đồng BOT.

Tháng 1/2020, tại Thông báo số 02/TB-VPCP, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát lại hợp đồng Dự án, Nghị quyết số 84/2019/QH14, trên cơ sở đó, chủ trì phối hợp với các bộ liên quan và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất phương án xử lý tổng thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền và hài hòa lợi ích, trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư.

Sau khi rà soát, cập nhật tổng vốn đầu tư theo giá trị quyết toán, giá trị kiểm toán; cập nhật doanh thu thu phí thực tế, Bộ GTVT xây dựng 2 kịch bản xử lý phần vốn góp của Nhà nước trị giá 1.180 tỷ đồng.

Theo đó, trường hợp bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước để bảo đảm mức tham gia của Nhà nước là 5.068 tỷ đồng theo hợp đồng đã ký, thời gian hoàn vốn Dự án từ 27 năm 5 tháng sẽ tăng lên 30 năm 3 tháng, do doanh thu thu phí thực tế giảm và việc bổ sung phần vốn nhà nước chậm so với dự kiến. Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn nhà nước, thời gian hoàn vốn Dự án sẽ tăng từ 27 năm 5 tháng lên 32 năm 2 tháng.

“Trường hợp không được bổ sung 1.180 tỷ đồng vốn Nhà nước, có thể ảnh hưởng đến phương án trả nợ theo quy định hợp đồng tín dụng đã ký, nguy cơ phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ của Nhà nước cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hút vốn đầu tư tư nhân”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Ngoài phần vốn góp của nhà nước bị thu hồi, theo Bộ GTVT, Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả còn đang phải đối diện với một nút thắt lớn khác, uy hiếp trực tiếp tới phương án tài chính của Dự án, khi đến thời điểm này, việc có được thu phí trạm thu phí La Sơn - Túy Loan hay không vẫn là ẩn số.

Để xử lý vướng mắc liên quan đến số phận của trạm La Sơn - Túy Loan, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 7087, ngày 9/8/2019 giao Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phương án phù hợp. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước và kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 14633 ngày 3/12/2019 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án cân đối vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của Dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu bổ sung phương án tăng mức phí, kết hợp kéo dài thời gian thu phí của Dự án.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, do các trạm Đèo Cả, Bắc Hải Vân, Cù Mông đặt trên đường dẫn vào hầm, các phương tiện có thể đi theo đường Quốc lộ 1 (cũ) qua đèo để không mất phí. Vì vậy, việc tăng mức thu phí tại các trạm này sẽ dẫn đến tỷ lệ phân lưu tăng lên, các phương tiện sẽ lựa chọn đi theo đường Quốc lộ 1 qua đèo để không mất phí, doanh thu thu phí để hoàn vốn cho Dự án sẽ ngày càng giảm.

Với những lý do trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét 2 phương án.

Phương án thứ nhất, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả theo chủ trương đã được chấp thuận và hợp đồng dự án đã ký kết.

Phương án thứ hai, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét triển khai theo kiến nghị của Bộ Tài chính: giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án cân đối vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của Dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

“Với thời gian hoàn vốn hiện nay đã gần 30 năm, nhà đầu tư gần như không còn đường lùi. Nếu việc xử lý các vướng mắc tiếp tục kéo dài, thì sẽ phá vỡ phương án tài chính ngay cả khi Dự án đã được cấp đủ 5.048 tỷ đồng”, Bộ GTVT nhận định.

Tuyến La Sơn - Túy Loan đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sử dụng để thu phí hoàn vốn cho Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả và đã được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Trên cơ sở pháp lý nói trên, nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng VietinBank để giải ngân vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên, phương án này đang bị treo, do vướng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Theo Bộ GTVT, trường hợp không thu phí trạm La Sơn - Túy Loan, lưu lượng xe trên Quốc lộ 1 sẽ phân lưu sang tuyến La Sơn - Túy Loan (theo tính toán sơ bộ của tư vấn, sẽ phân lưu khoảng 51%), gây sụt giảm doanh thu tại trạm Bắc Hải Vân trên Quốc lộ 1. Nếu không bổ sung hỗ trợ của Nhà nước (khoảng 2.280 tỷ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước), thời gian hoàn vốn của Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả tăng đến khoảng 41 năm, phá vỡ phương án tài chính cũng như hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Xem xét giảm giá dịch vụ tại trạm Bàn Thạch Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả
Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định giảm giá dịch vụ cho khoảng 500 xe ô tô qua lại thường xuyên trạm Bàn Thạch, hoàn vốn cho Dự án BOT hầm đường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư