Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Dự án cải tạo Quốc lộ 55 (Bình Thuận): Những cấn cá hậu thanh tra
Ngọc Tuấn - 10/08/2020 08:44
 
Sau khi công bố, Kết luận thanh tra Quốc lộ 55 (đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) tạo ra sự ồn ào trong dư luận bởi những ý kiến trái chiều về một vài nội dung.

Nghi ngại chuyện kiểm định lại

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty cổ phần Rạng Đông, nhà thầu thi công gói thầu số 2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 55 nối dài đoạn Km96+300 – Km205+140 (2,13 km) khẳng định: “Chúng tôi không có lỗi, không nhất thiết phải đánh đổi thương hiệu và uy tín một doanh nghiệp hàng đầu cho một vấn đề “nhỏ nhoi”.

Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ 100% vốn, để xử lý nền đường và mặt đường mới 100% dù chuyện tuyến đường xuống cấp không phải lỗi của chúng tôi”.

ggfgfgf
Nhiều nhà thầu nêu ý kiến: Thanh tra chất lượng, kiểm định chất lượng Quốc lộ 55 thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Không có hướng dẫn nào thực hiện kiểm định chất lượng tại thời điểm này để đánh giá chất lượng thi công tại thời điểm cuối năm 2014. Ảnh: Ngọc Tuấn

Đại diện nhà thầu trên khẳng định, về nội dung thực hiện kiểm định lại chất lượng công trình tuyến tránh Quốc lộ 55 là không đúng quy định. Theo nhà thầu thì có 4 luận cứ để chứng minh cho khẳng định trên.

Một là, công trình tuyến tránh Quốc lộ 55 đã thi công hoàn thành vào tháng 12/2014, được nghiệm thu đưa vào sử dụng tháng 12/2015. Với thời gian khai thác đã trên 5 năm, đến nay kết cấu áo đường đã thay đổi cả về các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu; thay đổi về chiều dày mặt đường (hao mòn); độ dốc ngang, độ dốc dọc cũng thay đổi theo thời gian.

Hai là, trong quá trình khai thác, sử dụng tuyến đường này thường xuyên tác động bởi lưu lượng xe lớn, quá tải trọng và nhiều yếu tố bất khả kháng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng kết cấu nền đường và áo đường.

Ba là, theo quy định hiện hành, không có hướng dẫn nào thực hiện kiểm định chất lượng tại thời điểm này (theo tiêu chuẩn áp dụng cho công trình mới), để so sánh, đánh giá chất lượng thi công tại thời điểm cuối năm 2014. Do đó, việc so sánh, đối chiếu này là “vô cùng khập khiễng”.

Bốn là, theo Luật Đường bộ và quy định của Bộ Giao thông - Vận tải: việc tổ chức đầu tư, khai thác, bảo trì bảo dưỡng hệ thống đường Quốc lộ, thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải. Cho nên, việc thanh tra chất lượng, kiểm định chất lượng của tuyến đường Quốc lộ 55 thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông - Vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trước đó, nhà thầu trên cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận nêu ý kiến: “Việc kiểm định lại chất lượng ở thời điểm này là không chính xác, không hợp lý, không khoa học, không đúng thẩm quyền. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, với thời gian đưa vào khai thác sử dụng vừa qua thì tuyến tránh Quốc lộ 55 đã đến kỳ phải trung tu”.

Văn bản này cũng khẳng định thêm rằng, quá trình triển khai thi công gói thầu trên nhà thầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng, được các bên hữu trách kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từng khâu, từng hạng mục. Sau khi thi công hoàn thành, sau thời gian bảo hành, công trình đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, đánh giá đảm bảo chất lượng và đồng ý đưa vào sử dụng.

Khác biệt quan điểm về phí quản lý dự án

Kết luận thanh tra số 2714/LK-UBND nêu chi phí quản lý dự án là cần thiết; việc quản lý, sử dụng được Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận kiểm soát theo quy định và chưa phát hiện yếu tố vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Một mặt khẳng định vừa nêu, mặt khác cơ quan thanh tra tỉnh Bình Thuận lại cho rằng, chủ đầu tư dự án ban hành quyết định phê duyệt chi phí quản lý dự án, theo đó xác định phần chủ đầu tư trực tiếp quản lý, sử dụng (chiếm 15%) và phần của Ban Quản lý dự án Quốc lộ 55 quản lý, sử dụng (chiếm 85%) và việc thực hiện trích chuyển chi phí quản lý dự án này là không có cơ sở.

Căn cứ đưa ra nhận định này là chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án chưa có văn bản phân chia nhiệm vụ cụ thể và hợp đồng phân chia chi phí quản lý dự án, chưa xin ý kiến của UBND tỉnh. Nên việc triển khai thực phê duyệt dự toán, quy định tỷ lệ chi phí quản lý dự án là chưa chặt chẽ.

Tuy nhiên, liên quan đến các quy định về chi phí quản lý dự án, luật sư Nguyễn Hải Vân, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phân tích tại thời điểm thực hiện dự án Quốc lộ 55, căn cứ pháp lý cho việc phân chia nhiệm vụ quản lý dự án và phân chia chi phí quản lý dự án được quy định khá rõ trong Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP (ngày 12/02/2009) và các quy định liên quan.

Cụ thể, Khoản 2, Điều 45 Luật Xây dựng quy định: Căn cứ điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư xây dựng công trình quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình như thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án hoặc trực tiếp quản lý dự án.

Điều 33, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP quy định trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì chủ đầu tư phải thành lập ban quản lý dự án. Còn Điều 34 nghị định này quy định: Chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật… Việc giao nhiệm vụ và ủy quyền cho ban quản lý dự án phải được thể hiện trong quyết định thành lập. Ban quản lý dự án thực hiện nhiệm vụ do chủ đầu tư giao và quyền hạn do chủ đầu tư uỷ quyền.

Cũng cần dẫn giải thêm, Quyết định 957/QĐ-BXD (ngày 29/9/2009) của Bộ Xây dựng về công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình; Điểm 3.4 khoản 3 Điều 4 Mục 1 Chương II Thông tư số 04/2010/TT-BXD (ngày 26/5/2010) của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng nêu: Chi phí quản lý dự án là các chi phí cần thiết cho chủ đầu tư để tổ chức quản lý việc thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đến khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng, bao gồm 16 mục chi phí công việc.

Các Thông tư số 10/2011/TT-BTC (có hiệu lực đến ngày 20/3/2014) và Thông tư số 05/2014/TT-BTC (6/1/2014) của Bộ Tài chính đều có cùng nội dung quy định phân chia chi phí quản lý dự án cụ thể phần do chủ đầu tư, phần do ban quản lý dự án được sử dụng. Tỷ lệ phân chia kinh phí tương ứng với tỷ lệ phân công nhiệm vụ, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Chủ đầu tư quyết định sau khi thỏa thuận thống nhất với ban quản lý dự án trên cơ sở phân công nhiệm vụ được ghi trong quyết định thành lập ban quản lý dự án hoặc văn bản giao nhiệm vụ.

Như vậy, liên quan đến quản lý chi phí quản lý dự án khi thanh tra dự án Quốc lộ 55, cơ quan thanh tra tỉnh Bình Thuận cần xem xét, phải đối chiếu theo các quy định pháp luật liên quan để xác định bản chất sự việc theo đúng quy định, luật sư Hải Vân cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư trên các Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, Sở Giao thông - Vận tải… thì ghi nhận Quyết định số 3613/QĐ-CTUBND (14/10/2005) của UBND tỉnh Bình Thuận về Ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trung tâm quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình giao thông Bình Thuận (thuộc Sở Giao thông - Vận tải) thực hiện quản lý các dự án do này làm chủ đầu tư. Thêm nữa, Quyết định số 326 QĐ/SGTVT-QLGT (ngày 16/3/2006) của Sở Giao thông - Vận tải ban hành quy chế quản lý và phân công trách nhiệm quản lý dự án, quản lý chất lượng các công trình giao thông do sở này làm chủ đầu tư.

Theo quyết định vừa nêu, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đảm nhiệm 33 nhiệm vụ, Trung tâm Quản lý dự án và tư vấn xây dựng công trình giao thông đảm nhiệm 42 nhiệm vụ. Theo đó, trung tâm này có trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trực tiếp của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giao thông - Vận tải đối với phần công việc phối hợp quản lý dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư