Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân: Tê liệt, trơ cốt thép
Anh Minh - 18/11/2015 09:05
 
Thi công dang dở, nên nhiều khả năng Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ tiếp tục phải “đóng gói” trong nhiều năm nữa.
TIN LIÊN QUAN

Chưa thể khởi động lại

“Mặc dù còn phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, nhưng với hàng loạt yếu tố không thuận về vốn và điều kiện khai thác, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân (sử dụng vốn trái phiếu chính phủ) sẽ khó có thể được khởi động lại ít nhất trong ngắn hạn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

Nhận định trên là có cơ sở bởi các ý kiến phúc đáp Công văn số 7887/VPCP – KTN của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Dự án từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Tài chính đều đồng thuận với đề xuất tiếp tục giãn tiến độ công trình này. “Việc phân kỳ đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thành Dự án theo khả năng cân đối vốn là phương án cần được ưu tiên”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá.

Cầu Phả Lại nằm trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân
Cầu Phả Lại nằm trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Trước đó, vào cuối tháng 9/2015, Bộ GTVT (chủ đầu tư Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân) đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận tạm dừng đầu tư Dự án để tập trung cân đối vốn cho các dự án khác của ngành GTVT; đồng thời cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành về sau năm 2020. “Khả năng cân đối vốn từ 2016-2020 rất khó khăn nên tuyến đường sắt này khó hoàn thành vào năm 2020 như mục tiêu quy hoạch phát triển GTVT đường sắt của Thủ tướng”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, đây chưa phải là lý do duy nhất khiến Dự án từng được khởi công cách đây 10 năm, nhưng hiện mới hoàn thành được phân đoạn nhỏ, tiếp tục lâm vào tình thế “đình hoãn, giãn tiến độ”.

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 131 km với tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 để nâng cao năng lực vận tải đường sắt từ Hà Nội đến Quảng Ninh.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt mới này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1m) sử dụng ray hàn liền, có hệ thống thông tin tín hiệu hiện đại và các nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để đạt tốc độ 120 km/h cho tàu khách và 80 km/h cho tàu hàng. Nếu tuyến đường này hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên lên Kép và hành trình chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5-2 giờ (với tàu khách),  3-4 giờ (với tàu hàng).

Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ, công trình rơi vào tình trạng “lê liệt” suốt hơn 5 năm trở lại đây.  Hiện, ngoài tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân (tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng) được hoàn thành, 3 tiểu dự án còn lại đang thực hiện dở dang, nhiều hạng mục phải “đắp chiếu” bảo quản.

Theo Bộ GTVT, đến nay, Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã được bố trí 4.536 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng được phê duyệt.  Nhưng để tiếp tục hoàn thành Dự án cần phải bố trí thêm 6.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2020 để làm xong 3 tiểu dự án còn lại do thay đổi tỷ giá về nguyên vật liệu, đơn giá nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng... Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án hiện đã vọt lên khoảng 10.754 tỷ đồng.

“Đây là khoản kinh phí quá lớn vượt quá khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đánh giá.

 

Làm rõ hệ lụy đình hoãn

Trong văn bản gửi Thủ tướng, đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cần làm rõ việc tạm dừng Dự án trong điều kiện dở dang như trên có ảnh hưởng gì đến hiệu quả khai thác công trình, việc khai thác công trình hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

“Chủ đầu tư cần phân tích rõ các mặt tích cực và tiêu cực nếu tiếp tục thực hiện hoặc dừng dự án tại thời điểm hiện nay nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận”, ông Hải nói.

Theo thông tin của Bộ Tài chính, tính đến năm 2015, tổng số vốn trái phiếu chính phủ đã bố trí cho 4 tiểu dự án là 4.536 tỷ đồng, tương đương 59,1% tổng mức đầu tư được duyệt. Thế nhưng, sau khoảng thời gian 10 năm, đến nay, toàn tuyến vẫn chưa được đầu tư hoàn thành đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư theo mục tiêu ban đầu.

Trên thực tế, công trường tuyến đường sắt này đã hoang lặng, vắng tiếng máy; lán trại mục nát từ rất lâu, nhiều trụ cầu chưa thi công đến điểm dừng kỹ thuật, trơ cốt thép han gỉ rất lãng phí.

Hiện có không ít ý kiến cho rằng, việc đình hoãn công trình trong thời gian qua cũng có điểm tích cực riêng, bởi ngay cả khi tiếp tục dồn vốn đầu tư hoàn tất Dự án, thì đường sắt cũng khó cạnh tranh với đường bộ khi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng – Hạ Long hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách từ Hà Nội xuống Hạ Long còn 130 km.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Đông, về lâu dài, đường sắt vẫn có ưu thế vận tải hàng khối lượng lớn, đường bộ chỉ vận chuyển được một phần. Nếu Cảng Cái Lân phát huy hết hiệu quả thì khả năng vận chuyển của Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân  vẫn đảm bảo bảo.

Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi Tiểu dự án Hạ Long – Cảng Cái Lân (5,6 km) hoàn thành vào tháng 10/2014, hiệu quả khai thác là rất hạn chế do phải đấu nối với tuyến đường sắt cũ khổ 1,435 m từ Hạ Long về Kép (Bắc Giang) có tốc độ chưa cao. Do đó, tàu từ Hạ Long về Yên Viên (Hà Nội) vẫn phải chạy trên đường sắt Kép – Hạ Long, vừa chậm, vừa khó kết nối với các tuyến đường khổ 1 m khác, khiến đường sắt từ Hạ Long tới Hà Nội lâm vào cảnh thiếu khách, đói hàng.

Ga Hạ Long (phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được hoàn thành được đưa vào khai thác từ tháng 10/2014 theo tiểu dự án Hạ Long - Cảng Cái Lân. Nhà ga được xây mới có năng lực đón, gửi 6 - 7 đôi tàu khách/ngày đêm cho giai đoạn hiện nay và 10 - 11 đôi tàu /ngày đêm cho giai đoạn 2015 – 2020. Mặc dù vậy, mỗi ngày ga chỉ đón - tiễn đôi tàu hỗn hợp khách - hàng ký hiệu R157/R158 với khoảng 40 - 50 hành khách, chủ yếu là người buôn bán hàng nông sản từ các huyện, thị về TP. Hạ Long như tàu chợ ngày trước.

Thời gian còn lại, từ phòng bán vé đến sân ga đều vắng bóng người qua lại. Hiện nay, các căn phòng chức năng trong ga đều trống trơn, bụi phủ đầy, hàng ghế dành cho hành khách gỉ sét, xuống cấp. Hệ thống đường ray bên ngoài cũng đã gỉ sét do không có tàu chạy thường xuyên.

Ông Nguyễn Đức Đại, Trưởng ga Hạ Long cho biết, do Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân chưa hoàn thành, đoạn từ Phả Lại về Yên Viên chưa xây dựng xong, nên tàu từ Hạ Long về Yên Viên vẫn phải đi vòng qua ga Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) rồi theo đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn về Yên Viên.

“Đoạn đường này khổ 1,435 m, nhiều chỗ đã xuống cấp, nên quãng đường 165 km từ Hạ Long về Yên Viên tàu chạy hết hơn 7,5 tiếng, không thể cạnh tranh được với đường bộ”, ông Đại nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư