Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Dự án gây nhiều tranh cãi tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội): Biến tướng từ một chủ trương đúng (bài 3)
Nhất Nam - 13/08/2017 08:50
 
Sau hơn 10 năm triển khai, đã xuất hiện những câu hỏi khó cho Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy (Dự án) và tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Hưng - Yên Duyên (Hà Nội) của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng.
TIN LIÊN QUAN

Bài 3: CHÍNH QUYỀN ƯU ÁI CHO CÔNG TY VĨNH HƯNG: NGUYÊN NHÂN GÂY KHIẾU KIỆN KÉO DÀI?

Mặc dù các thủ tục pháp lý về đầu tư còn thiếu căn cứ, nhưng Công ty Vĩnh Hưng lại được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thực hiện dự án một cách khó hiểu gây bức xúc, khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài. 

UBND Thành phố vào cuộc

Phản ánh việc chính quyền quận Hai Bà Trưng “mập mờ” về vị trí thu hồi đất thuộc Dự án, nhiều người dân cho rằng, chính quyền sở tại và chủ đầu tư đã “tiện tay dắt dê”, “vẽ” dự án trùm lên cả khu đất của dân đang sinh sống lâu nay.

Dù là đất được quy hoạch là đất ở đô thị lâu dài, nhưng khu phố này vẫn rơi vào diện bị thu hồi cho Dự án. Ảnh: K.Đ
Dù là đất được quy hoạch là đất ở đô thị lâu dài, nhưng khu phố này vẫn rơi vào diện bị thu hồi cho Dự án. Ảnh: K.Đ

Chưa dừng lại ở đó, theo phản ánh của ông Phạm Khắc Miễn, Tổ trưởng Tổ dân phố 18E, phường Vĩnh Tuy và một số người dân sở tại, thì Công ty Vĩnh Hưng còn chưa có giấy phép đầu tư Dự án, nhưng không hiểu vì sao, chính quyền sở tại lại “cầm đèn chạy trước ô tô”, ưu ái cho Công ty Vĩnh Hưng bằng việc ra thông báo thu hồi đất của người dân, nhưng lại thiếu minh bạch trong diện tích, vị trí thu hồi. 

“Chúng tôi đã nhiều lần có kiến nghị trong các buổi tiếp công dân của phường Vĩnh Tuy. Cũng chất vấn nhiều trong các buổi tiếp xúc cử tri của phường về những khuất tất tại dự án này. Trong đó, có việc tại sao Công ty Vĩnh Hưng chưa được cấp giấy phép đầu tư xây dựng Dự án, mà chính quyền đã ra thông báo thu hồi đất của người dân. Tuy nhiên, đại diện UBND phường Vĩnh Tuy chỉ xác nhận sự việc đó, còn vì sao và sẽ thế nào, quận Hai Bà Trưng sẽ có văn bản trả lời”, ông Miễn cho biết.

Theo những thông tin được người dân sở tại cung cấp, Công ty Vĩnh Hưng chỉ mới được Thành phố chấp thuận về chủ trương đầu tư, xây dựng Dự án.

Về việc này, Văn bản số 9236/UBND - XDGT ngày 25/11/2014 nêu rõ: “Đồng ý về chủ trương với đề nghị của UBND quận Hai Bà Trưng tại Tờ trình số 75/TTr - UBND ngày 29/10/2014; đồng thời giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng và nhà đầu tư lập phương án cụ thể, thẩm tra, đề xuất và báo cáo UBND Thành phố”.

Ba năm sau, ngày 13/2/2017 UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 1082/QĐ - UBND về việc phê duyệt đề xuất Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 theo hình thức hợp đồng BT). Tại quyết định này, UBND TP. Hà Nội đồng ý để Công ty Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư. Cũng theo quyết định này, các ô đất thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng Kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy được UBND TP. Hà Nội giao cho Công ty Vĩnh Hưng là nhà đầu tư. Tuy nhiên, Công ty Vĩnh Hưng phải liên hệ với các sở, ban, ngành hữu quan và UBND quận để được hướng dẫn các bước đúng quy định.

Nhưng không hiểu tại sao, trước đó, ngày 24/9/2015, khi chưa được phê duyệt đầu tư, Công ty này đã có Văn bản số 58/CV - VH gửi UBND phường Vĩnh Tuy về việc xin ý kiến cộng đồng dân cư Đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng Dự án, bà Hoàng Thị Tố Hằng (người dân tổ 18E) cho biết.

Trước phản ánh của người dân tổ 18E, ngày 8/5/2017, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp xem xét, chỉ đạo giải quyết vướng mắc tại Dự án.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành hữu quan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra, xác nhận về việc thay đổi tên các tổ dân phố của phường Vĩnh Tuy, đồng thời công bố công khai cho người dân khu vực biết. Ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu quận Hai Bà Trưng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. Hà Nội rà soát về trình tự, thủ tục trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án này tại tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và điều chỉnh, bổ sung nội dung còn thiếu (nếu có) sau đó công khai cho người dân biết.

Người dân tiếp tục khiếu nại

Trong quá trình tiếp cận và giải quyết đơn thư khiếu nại, trước sức ép của dư luận và người dân sở tại, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã phải thu hồi Thông báo số 111/TB - UBND ngày 13/3/2017 một cách vô điều kiện.

Tưởng rằng, mọi việc đã dừng lại ở đó, nhưng mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận đơn thư khiếu nại của người dân sở tại về một số vấn đề liên quan đến Dự án. trong đó có nội dung: tại Quyết định số 2483/QĐ-UBND, ngày 29/6/2017 của UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, vị trí thu hồi đất tại Thông báo số 111/TB - UBND ngày 13/3/2017 của quận Hai Bà Trưng là phù hợp.

Qua tiếp cận hồ sơ và những phản ánh khách quan từ người dân, việc này là sai với quy định của pháp luật, các quy định của UBND TP. Hà Nội. Bởi, nội dung tại 5 văn bản liên quan đến Dự án (Tờ trình số 98/TT - UB, ngày 15/3/2005 của UBND quận Hai Bà Trưng; Văn bản số 1103/UB - KH&ĐT ngày 13/3/2005; Quyết định 4481/QĐ - UB ngày 18/7/2005; Quyết định 4381/QĐ - UBND ngày 5/11/2007; Quyết định số 16/2000/QĐ - UB ngày 14/2/2000 của UBND TP. Hà Nội) đều khẳng định các điều sau: Thứ nhất, tên dự án là “Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu di dân tại tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng”; Thứ hai, địa điểm xây dựng: tại tổ 24, 25; diện tích đất chiếm dụng: 8,07 ha; Thứ ba, loại đất để làm dự án tổ 24, 25 trong diện tích 8,07 ha là đất nông nghiệp, đất ao, đất giao thông.

Trong khi đó, theo điều tra và tư liệu của chúng tôi, loại đất của người dân tổ 18E là đất ở do cha ông để lại nhiều đời nay. Đất đai được đo đạc và ghi nhận tại bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2.000 năm 1996 là đất ở đô thị lâu dài.

Hơn nữa, tại Tờ trình số 98/TT - UB ngày 15/3/2005 của UBND quận Hai Bà Trưng cũng nêu rõ: “Hiện nay, tại khu vực tổ 24, 25 phường Vĩnh Tuy còn một diện tích đất nông nghiệp khoảng 80.700 m2 (do Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành, quận Hai Bà Trưng, Hợp tác xã nông nghiệp Mai Động, quận Hoàng Mai quản lý và một phần đất nông nghiệp, ao tư nhân đang bị dân lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất). Theo quy hoạch sử dụng đất quận Hai Bà Trưng tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 16/2000/QĐ-UBND ngày 14/2/2000, thì diện tích đất trên nằm trong quy hoạch đất ở, đường giao thông, công viên cây xanh, hồ điều hòa và một phần đất công cộng”.

Tuy nhiên, điều khó hiểu, theo phản ánh của người dân và trong quá trình điều tra của chúng tôi là, sau Quyết định 4481/QĐ - UB ngày 18/7/2005 và Quyết định 4381/QĐ-UBND ngày 5/11/2007 của UBND TP. Hà Nội, thì chính quyền Thành phố hoàn toàn không ban hành bất cứ quyết định nào có nội dung cho phép điều chỉnh, hay thay đổi vị trí và tăng diện tích từ 8,07 ha lên 11,29 ha của Dự án.

Như vậy, việc UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định phê duyệt Dự án tăng lên 11,29 ha tại Quyết định số 2510/QĐ - UBND ngày 28/10/2009 là đi ngược với các quyết định trên và đã trùm lên cả diện tích khu dân cư tổ 18E. Có thể khẳng định, đây là nguyên nhân khiến tình trạng khiếu kiện kéo dài suốt thời gian qua.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Khắc Miễn cho biết: “Từ năm 2005 đến năm 2016 khi có quyết định phê duyệt về xây dựng khu dân phố tổ 24, 25 thì chúng tôi vẫn đinh ninh là không liên quan gì đến tổ mình, vì chúng tôi không được thông báo hay tham gia bất cứ việc gì về ý kiến thay đổi quy hoạch hay các vấn đề liên quan đến Dự án. Cho đến khi nhận được thông báo thu hồi đất, chúng tôi bị bất ngờ và không hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền quận, phường, nhưng vẫn xử lý theo kiểu “mèo lại hoàn mèo”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư