Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên: ACV quyết không buông, mặc cho hiệu quả tài chính thấp
Bảo Như - 20/08/2020 14:19
 
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV) chấp nhận phân kỳ, giảm quy mô đầu tư để nâng tính khả thi tài chính với mục tiêu giữ bằng được Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên.
Quy mô Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên được co gọn nhằm nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.
Quy mô Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên được co gọn nhằm nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng.

Co gọn quy mô

Sự quyết tâm giữ cảng hàng không Điện Biên tiếp tục nằm trong hệ thống 21 cảng hàng không do ACV quản lý thể hiện rất rõ trong Văn bản số 268/HĐQT tiếp thu và giải trình các ý kiến đối với Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên (gọi tắt là Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên) vừa được đơn vị này gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Cụ thể, ACV đề nghị Bộ GTVT trong vai trò cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên và làm việc với UBND tỉnh Điện Biên để tính toán bổ sung phương án giải phóng mặt bằng, xử lý khu bay hiện hữu (hiện vẫn tính là tài sản công) đảm bảo giao đất sạch để thực hiện đầu tư Dự án.

Bên cạnh đó, ACV còn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư công trình quản lý bay đồng bộ theo quy hoạch đảm bảo khai thác và xem xét thuê tổ chức quốc tế có đủ năng lực để nghiên cứu, tính toán phương thức bay, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay tại cảng hàng không Điện Biên trong mọi tình huống.

Đây là những thông tin không mới so đề xuất trước đó của ACV - đơn vị không giấu tham vọng tiếp tục được giao đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên, bất chấp việc sân bay này có sản lượng khai thác thấp nhất trong số 22 sân bay dân dụng trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, để có thể nhận được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng, quy mô Dự án đã được co gọn đáng kể.

Cụ thể, thay vì đầu tư một nhà ga hành khách mới, quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm, ACV cho biết sẽ tận dụng nhà ga hành khách hiện hữu có công suất khoảng 300.000 lượt hành khách/năm để cải tạo, mở rộng, đảm bảo khai thác khoảng 500.000 lượt hành khách/năm. Cách làm tương tự cũng được đơn vị đang khai thác cảng hàng không Điện Biên áp dụng cho Nhà điều hành cảng với mục tiêu thiết thực là kéo giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, sân đỗ máy bay cũng được tiết giảm đáng kể quy mô khi ACV chỉ thiết kế 1 vị trí đỗ tàu bay ATR72 và 2 vị trí đỗ tàu bay A320/A321.

Với quy mô đã được co gọn rất nhiều như trên, tổng mức đầu tư mới của Dự án Mở rộng Cảng hàng không Điện Biên chỉ còn 1.539 tỷ đồng, trong đó, chi phí đầu tư khu bay là 999,4 tỷ đồng, chi phí khu hàng không dân dụng là 256 tỷ đồng; phần còn lại là dự phòng phí.

Về cơ chế đầu tư, ACV muốn đầu tư toàn bộ khu bay và khu hàng không dân dụng bằng vốn doanh nghiệp trên cơ sở đất sạch được UBND tỉnh Điện Biên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho Cảng vụ Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) để triển khai các thủ tục giao đất, thuê đất cho ACV triển khai Dự án.

Cần phải nói thêm rằng, theo đề xuất sơ bộ của ACV gửi tới các cơ quan chức năng vào cuối năm 2019, sân bay Điện Biên sẽ được xây dựng mới đường cất - hạ cánh kích thước 2.400 m x 45 m, 2 đường lăn kết nối có khả năng đón được tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; 1 nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ với 6 vị trí đỗ tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; đài kiểm soát không lưu kết hợp trung tâm điều hành chỉ huy bay; đài dẫn đường VOR/DME.

Khái toán tổng mức đầu tư Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên là 4.787 tỷ đồng, trong đó các hạng mục khu bay là 1.400 tỷ đồng; các hạng mục hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng; các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến 155 tỷ đồng; chi phí GPMB 1.532 tỷ đồng do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện. Tổng cộng phần vốn mà ACV tham gia trực tiếp vào Dự án khoảng 3.091 tỷ đồng.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, việc đầu tư, mở rộng cảng hàng không Điện Biên để đón được tàu bay A320/321 đang được coi là mục tiêu kép khi vừa giúp Tổng công ty nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa giúp chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chính trị và tạo động lực phát triển kinh tế.

“Việc cảng hàng không Điện Biên chỉ khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR72 với các chặng bay ngắn, không mở được các đường bay thẳng trực tiếp đến các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, kết nối quốc tế là nguyên nhân khiến lưu lượng hành khách qua cảng hàng không này liên tục sụt giảm”, ông Thanh nói.

Cái lý của ACV

Theo Quy hoạch tổng thể GTVT hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, cảng hàng không Điện Biên là sân bay cấp 3C; giai đoạn đến năm 2020, công suất 0,3 triệu lượt hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2030 là 2 triệu lượt hành khách/năm. Đây cũng chính là cơ sở để ACV xây dựng phương án đầu tư cảng hàng không Điện Biên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào cuối năm 2019.

Lý giải việc co gọn quy mô đầu tư, ACV cho rằng, sau khi đánh giá lại quy mô, tăng trưởng của thị trường, năng lực khai thác, phát triển các tuyến, mạng đường bay đi và đến Điện Biên, có thể thấy, việc đầu tư ngay nhà ga công suất 2 triệu lượt khách/năm theo quy hoạch là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mạnh quy mô, cấu trúc, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, do đó đơn vị tư vấn đề xuất, trước mắt chưa xây dựng nhà ga mới theo quy hoạch.

Tuy nhiên, đây chưa phải là nguyên nhân chính khiến ACV thay đổi quan điểm đầu tư tại dự án này. Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) - đơn vị chủ quản phần vốn nhà nước tại ACV đã nhiều lần quan ngại về việc ACV tham gia đầu tư, do dự án này có tính khả thi tài chính rất thấp.

ACV đang là hy vọng lớn nhất của cả UBND tỉnh Điện Biên và Bộ GTVT tại Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên.

Trước đó, Vietjet cũng từng đề xuất tham gia đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Điện Biên. Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Trong 2 năm trở lại đây, ngoài một bản đề xuất tóm tắt, Vietjet không tiến thêm một bước nào để cụ thể hóa đề xuất triển khai dự án khó khăn này”.

Trong Công văn số 1121/UBQLV-CNHT gửi người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV vào tháng 7/2020, CMSC đề nghị nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV phải đề nghị Bộ GTVT làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay của cảng hàng không Điện Biên. Đối với phần đầu tư nhà ga theo quy mô mới, phải nêu rõ theo tính toán hiện nay sẽ không sử dụng hết công suất; đặc biệt là việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính.

“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ACV đầu tư cảng hàng không Điện Biên, Bộ GTVT cần làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý đối với việc giao ACV thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ đầu tư khu bay, trong đó nêu rõ việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính của doanh nghiệp; không phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo toàn vốn và phát triển nguồn vốn”, công văn do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC ký nêu rõ.

Liên quan quy mô đầu tư Nhà ga cảng hàng không Điện Biên, CMSC cho biết, công suất nhà ga hiện hữu là 300.000 hành khách/năm, số hành khách hàng năm cao nhất là 81.804 hành khách vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm dần, trong đó năm 2019 chỉ còn 57.339 hành khách (tương đương 20% công suất).

Vì vậy, CMSC đánh giá, việc ACV đề xuất công suất nhà ga 2 triệu hành khách/năm, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ GTVT quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Điều đáng quan ngại nhất, theo CMSC, là hiệu quả tài chính của Dự án với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với các hạng mục do ACV đầu tư chỉ đạt 6%; giá trị hiện tại ròng (NPV) chỉ đạt 321 triệu đồng cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn hơn 50 năm, cho thấy công trình không có hiệu quả tài chính.

Đáng nói là, tại Văn bản số 268, ACV thừa nhận, ngay cả khi chấp nhận giảm quy mô, giảm tổng mức đầu tư từ 4.500 tỷ đồng xuống còn khoảng 1.500 tỷ đồng, Dự án Mở rộng cảng hàng không Điện Biên vẫn không đạt hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, ACV cho rằng, việc đưa cảng hàng không Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp, vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến/đi và mang lại lợi ích cho nhau. Trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Trên thực tế, trong số 21 cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác, chỉ có 7 cảng có lãi. Đơn vị chủ cảng phải bù đắp, san sẻ lợi nhuận cho các cảng có ý nghĩa về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Ủy ban Quản lý vốn chưa muốn ACV đầu tư cảng hàng không Điện Biên
Thời gian hoàn vốn kéo dài, không khả thi tài chính là lý do chính khiến Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa muốn ACV triển khai Dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư