Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 26 tháng 06 năm 2024,
Dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên “chạy nước rút”
Anh Minh - 17/06/2024 09:51
 
Chỉ còn khoảng 6 tháng để chủ đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp và giải ngân bởi Hiệp định vay vốn với Ngân hàng Thế giới (WB) cho công trình này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2024.
Thi công cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê
Thi công cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê

Khó khăn khó lường

“Quả thật, khi tiến hành khởi công Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên vào tháng 6/2021, chúng tôi đã không thể lường hết được những khó khăn, phức tạp, dù đã từng quản lý, điều hành nhiều công trình đường bộ cao tốc có quy mô vốn lớn gấp nhiều lần”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chia sẻ.

Là một trong những đơn vị quản lý dự án có thâm niên, giàu kinh nghiệm bậc nhất tại Bộ GTVT, nhưng Ban Quản lý dự án 2 đang phải nỗ lực cao độ để tránh nguy cơ “sa lầy” tại Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên.

Được biết, dự án này được khởi công vào tháng 6/2021 với mục tiêu nâng cấp, cải tạo 143 km Quốc lộ 19 (từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Gia Lai) đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Tính đến đầu tháng 6/2024, Dự án đã cơ bản hoàn thành 7/8 gói thầu xây lắp; khối lượng công việc còn lại chủ yếu tại Gói thầu XL01 - thi công đoạn Quốc lộ 19 từ Km50 đến Km67, bao gồm 2 cầu (cầu Bàu Sen và cầu Ba La), có giá trị hợp đồng 569 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C.

Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư: 3.654,4 tỷ đồng (tương đương 155,8 triệu USD), trong đó vốn vay WB là 150 triệu USD (3.518,39 tỷ đồng); vốn đối ứng 3,7 triệu USD (86,79 tỷ đồng); vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 2,1 triệu USD (49,26 tỷ đồng).

Sau tròn 24 tháng thi công, giá trị sản lượng của Gói thầu XL01 đã đạt 64%, giá trị giải ngân ước khoảng 300 tỷ đồng. Mặc dù tiến độ triển khai thi công Gói thầu XL01 đã có chuyển biến trong những tháng gần đây, song vẫn chưa bù lại được tiến độ đã bị chậm, đặc biệt tại vị trí đèo An Khê, khối lượng chưa thi công còn rất lớn, trong khi thời gian còn lại để thi công không còn nhiều.

Mặt khác, mùa mưa tại khu vực này đang đến gần. Tuyến đèo An Khê là tuyến độc đạo, nếu không đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác thảm bê tông nhựa trước ngày 31/8/2024, nguy cơ gián đoạn giao thông trên tuyến này rất cao, ảnh hưởng đến an toàn khai thác của tuyến Quốc lộ 19 nối từ Bình Định đến Gia Lai.

Theo Ban Quản lý dự án 2, đoạn tuyến đèo An Khê là đường găng tiến độ của Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên. Việc thi cộng đoạn tuyến này đang gặp khó khăn vì phải tiến hành phá đá hạ cốt nền đường trong bối cảnh vừa thi công, vừa phải đảm bảo giao thông.

“Do không thể thi công liên tục, nên trung bình mỗi ngày, đơn vị thi công chỉ phá được 1.000 - 1.500 m3 trong tổng số 300.000 m3 đá cần đào và chuyển đổ”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 thông tin.

Trước đó, xác định đoạn đèo An Khê có địa hình, địa chất phức tạp, nên trong quá trình thiết kế kỹ thuật, WB đã đề nghị có các giải pháp kỹ thuật đặc thù để xử lý mái taluy, bảo đảm ổn định, an toàn, khiến việc xem xét, thống nhất phê duyệt thiết kế kỹ thuật kéo dài. Sau khi thiết kế kỹ thuật được phê duyệt, thời gian thực hiện thi công cho đến khi đóng Hiệp định vay vốn chỉ còn 13 tháng.

Chốt tiến độ

Một khó khăn lớn khác đối với Gói thầu XL01 là dù đã trải qua 2 năm thi công, nhưng đoạn Km50 - Km51 vẫn vướng 46 hộ dân thuộc phạm vi cầu Ba La và cầu Bầu Sen.

Đến tháng 5/2024, UBND tỉnh Bình Định mới phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng với tổng kinh phí khoảng 34 tỷ đồng, theo đó đẩy tổng nhu cầu vốn vay WB cho công tác giải phóng măt bằng qua địa bàn tỉnh Bình Định dự kiến khoảng 104,326 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 52,295 tỷ đồng so với giá trị giải phóng mặt bằng đã được duyệt trong tổng mức đầu tư (52,031 tỷ đồng).

Để có kinh phí bổ sung cho công tác giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý dự án 2 phải xin ý kiến nhà tài trợ và Bộ GTVT điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của Dự án.

“Hiện tại, chúng tôi đã chuyển kinh phí bổ sung vào Kho bạc huyện Tây Sơn (Bình Định) 20,5 tỷ đồng. Phần còn thiếu (khoảng 31,795 tỷ đồng) đang phải thực hiện thủ tục cân đối từ nguồn dự phòng trong tổng mức đầu tư của Dự án”, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 cho biết.

Trong chuyến kiểm tra hiện trường Dự án vào cuối tháng 5/2024, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đã chốt tiến độ dự kiến hoàn thành của từng đoạn tuyến thuộc Gói thầu XL01.

Cụ thể, đối với đoạn Km50+00 - Km60+80, đơn vị thi công Gói thầu XL01 phải hoàn thành toàn bộ hạng mục bê tông nhựa, rãnh thoát nước, hệ thống an toàn giao thông và cầu Ba La (trừ nhịp 1) trước ngày 30/6/2024. Riêng đối với nhịp 1 cầu Ba La, yêu cầu nhà thầu chuẩn bị nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu để triển khai thi công ngay sau khi bàn giao mặt bằng, yêu cầu tiến độ hoàn thành khoảng 1 tháng sau khi nhận bàn giao mặt bằng.

Đối với đoạn Km60+800 - Km67+00, nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ hạng mục bê tông nhựa hạt thô trước ngày 30/6/2024 (trừ đoạn Km64+650 - Km65 đào qua đường hiện hữu và đoạn Km65+480 - Km65+680), hạng mục gia cố mái taluy dương hoàn thành trước ngày 15/7/2024.

“Nếu không thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ đã cam kết nêu trên, Bộ GTVT sẽ rà soát, xem xét, xử lý nhà thầu vi phạm theo thẩm quyền đối với tất cả các gói thầu, dự án khác mà nhà thầu đang thực hiện thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho biết, đến đầu tháng 6/2024, đã có 310/400 hộ dân đồng ý với mức chi trả. Đơn vị bảo hiểm cùng nhà thầu thi công đã và đang thực hiện công tác giám định bồi thường. Ban Quản lý dự án 2 đã chỉ đạo nhà thầu ứng trước kinh phí bồi thường theo mức chi trả của cơ quan bảo hiểm để chuyển địa phương, kịp thanh toán cho người dân.

“UBND tỉnh Bình Định sớm chỉ đạo chính quyền địa phương cùng phối hợp, hỗ trợ vận động nhân dân cùng phối hợp trong quá trình giám định nhằm sớm hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do rung chấn trong quá trình thi công, đảm bảo yêu cầu chính đáng của nhân dân, tránh để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện lâu dài, gây bức xúc trong dư luận nhân dân”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.

Thi công Quốc lộ 19: Hàng trăm hộ dân ảnh hưởng, lún, nứt chưa được hỗ trợ
Thi công Dự án mở rộng Quốc lộ 19 - Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Bình Định) khiến hàng trăm nhà dân bị nứt, UBND...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư