Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Dù gặp khó khăn, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ
Mạnh Bôn thực hiện - 10/04/2022 15:02
 
Khu vực nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế, bất chấp những khó khăn đang phải đối mặt.
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp (Tổng cục Thống kê)

Nông nghiệp hầu như tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế và tỷ trọng đóng góp vào GDP ngày càng giảm. Thưa ông, làm sao khu vực kinh tế này có thể làm bệ đỡ cho cả nền kinh tế?

Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp thấp hơn công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ, tỷ trọng đóng góp vào GDP ngày càng giảm đã phản ánh đúng đường lối, chủ trương phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước.

Phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp hoặc dịch vụ, hoặc cả công nghiệp và dịch vụ là xu hướng chung của thế giới, ngay cả các nước có nền nông nghiệp phát triển thì tốc độ tăng trưởng của khu vực này cũng thấp hơn mức tăng trưởng chung và tỷ trọng đóng góp vào GDP ngày càng giảm. Đối với Việt Nam, mặc dù tỷ trọng đóng góp vào GDP ngày càng giảm và tốc độ tăng trưởng hầu như năm nào cũng thấp hơn mức tăng trưởng chung, nhưng về giá trị tuyệt đối thì đóng góp của khu vực nông nghiệp ngày càng tăng.

Nông nghiệp là bệ đỡ, bởi sản phẩm nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn là nguyên liệu đầu vào cho thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến; tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động.

Trên thực tế thì khu vực này không hấp dẫn nhà đầu tư, cụ thể là số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư cả trong nước lẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp hàng năm không bằng số lẻ của khu vực kinh tế khác?

Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh bùng phát và chưa được kiểm soát, dẫn đến dù có nhiều chính sách thu hút, nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất thấp. Hiện có khoảng 6.500 doanh nghiệp trong khu vực này hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh. Đây là con số rất khiêm tốn.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 150/QĐ-TTg (ngày 28/1/2022) phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Quyết định 150/QĐ-TTg cũng xác định gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ; giữa các địa phương; giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, hộ nông dân với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Nhưng thưa ông, Quyết định 150/QĐ-TTg chưa kịp triển khai thì khu vực nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn. Đó là đầu vào sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi tăng rất mạnh một phần do hậu quả của chiến sự Nga - Ukraine?

Hiện nay, giá thành các nguyên liệu nhập khẩu dùng cho sản xuất nông nghiệp đang tăng rất cao do ảnh hưởng từ nhiều biến động, sự kiện trên thế giới. Không chỉ xung đột Nga - Ukraine mới ảnh hưởng đến các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp, mà bất kỳ biến động đột xuất nào cũng đều có thể tác động tiêu cực.

Mặc dù doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực, nhưng phân DAP trong nước mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi đó phân kali và phân SA phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, nên bất cứ biến động nào từ thị trường nhập khẩu, ngành nông nghiệp cũng đều gặp khó.

Để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể, định hướng phát triển bền vững và lâu dài. Trong đó phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước duy trì tối đa công suất, cung ứng kịp thời, ưu tiên cung ứng phân bón phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, lên nhiều kịch bản ứng phó với biến động của thị trường thế giới.

Giá bán lẻ xăng dầu đã tạm hạ nhiệt sau khi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường kể từ 1/4/2022, nhưng sẽ khó giữ được mức giá như hiện nay nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài. Ông đánh giá thế nào về tác động của xăng dầu đến lĩnh vực thủy sản?

Điều rất mừng là tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I vừa qua đạt 2,41 tỷ USD, tăng 38,7%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng.

Phải khẳng định là giá xăng dầu tăng do chiến sự Nga - Ukraine hay bất cứ lý do nào cũng chỉ ảnh hưởng rất thấp đến hoạt động xuất khẩu thủy sản, vì thủy sản xuất khẩu chủ yếu là nuôi trồng, trong đó mặt hàng tôm và cá tra là chủ lực. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ khai thác chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá xăng dầu tác động không nhiều.

Mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng khai thác thủy sản đang thu hút hàng trăm ngàn lao động. Xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay đã và đang tác động tiêu cực đến hoạt động ra khơi bám biển, thưa ông?

Chi phí xăng dầu chiếm 60-75% tổng chi phí khai thác thủy sản. Theo tính toán, giá dầu diesel (tàu khai thác thủy sản chủ yếu sử dụng diesel) ở mức 21.000 đồng/lít, thì ngư dân yên tâm bám biển.

Hiện tại, giá bán lẻ dầu diesel là 25.080 đồng/lít. Để giảm bớt khó khăn cho hoạt động khai thác thủy sản, tôi cho rằng, nên giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%; giảm hoặc miễn 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng diesel dùng cho hoạt động khai thác thủy sản.

            

Tạo sức bật thương hiệu cho ngành nông nghiệp ĐBSCL
Đó là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại buổi gặp mặt Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 13...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư