Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gia Lai - Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
Du lịch - viên ngọc thô của Gia Lai
Minh Hà - 24/05/2022 21:13
 
Như viên ngọc thô giữa đại ngàn Tây Nguyên, với hàng loạt thắng cảnh và sản phẩm đặc trưng, Gia Lai đang trở thành điểm du lịch mới.
Gia Lai đang trở thành điểm đến với nhiều du khách
Gia Lai đang trở thành điểm đến với nhiều du khách

Đẹp quá Pleiku!

Có lẽ ai cũng từng một lần nghe giai điệu bài hát “Đôi mắt Pleiku”, nhưng thật khó cảm nhận vẻ đẹp của “đôi mắt ấy” như thế nào, nếu chưa đến với Gia Lai, đến với vùng cao nguyên, để nhìn Biển Hồ đầy vơi bên hàng bằng lăng tím, để đắm say theo điệu nhảy cồng chiêng và chiêm ngưỡng những thắng cảnh hoang sơ, hùng vĩ... Du lịch Gia Lai là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và khác biệt.

Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chia sẻ, tiềm năng về du lịch của tỉnh rất phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nhiều di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu và các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo.

Đến Gia Lai, du khách hòa vào không gian xanh mát của Biển Hồ, nghe suối reo ở thác Chín Tầng, thác Ia Nhí, rồi ngắm rừng thông Hà Tam, vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng… Và khi đã thỏa lòng với những thắng cảnh, bước chân của du khách sẽ bị níu giữ bởi các lễ hội dân gian đặc sắc của những dân tộc cư trú lâu đời tại Gia Lai và và không gian văn hóa cồng chiêng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”…

Đến năm 2030, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai

Gia Lai đặt mục tiêu, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 đạt 3-4 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt từ 70.000 lượt trở lên; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc.

Để đạt mục tiêu đó, Gia Lai sẽ hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đa dạng hóa hình thức đầu tư vào các khu du lịch. Thu hút và triển khai các dự án khu đô thị mới, các tổ hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ, mua sắm, chữa bệnh, dưỡng lão. Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm các loại hình du lịch đặc trưng, độc đáo nhất, phù hợp với từng địa phương…

Tiềm năng du lịch Gia Lai được ví như nàng công chúa xinh đẹp, say giấc giữa cánh rừng. Vì vậy, “trải nghiệm Gia Lai” đã trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều của những người đam mê du lịch. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2017-2019, số lượt khách đến Gia Lai tăng bình quân 27,8%/năm, tổng doanh thu du lịch tăng 22,6%/năm. Riêng năm 2019, số lượng du khách đạt 845.000 lượt (khách nội địa 830.000 lượt, khách quốc tế 15.000 lượt), với tổng doanh thu đạt 510 tỷ đồng. Sau 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Gia Lai đang phục hồi ấn tượng, với lượng khách tăng mạnh trong những tháng qua.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư của doanh nghiệp vào du lịch Gia Lai ngày càng nhiều. Địa phương này đã thu hút được 15 dự án đầu tư vào du lịch, với tổng vốn 7.100 tỷ đồng.

Tiềm năng dồi dào, nhưng du lịch Gia Lai như viên ngọc thô chưa được mài giũa, chưa có các dự án du lịch tầm cỡ và những doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nên du lịch chưa đóng góp được nhiều vào tăng trưởng của tỉnh.

Ông Trần Ngọc Nhung cho biết, Gia Lai đã xác định du lịch là một trong những lĩnh vực trọng tâm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,7 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt 16,8%, tổng doanh thu đạt 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,6%. Ngoài ra, tỉnh sẽ thu hút các tổ hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, thể thao…, với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển du lịch của Gia Lai rất rõ ràng, nhưng vấn đề là làm thế nào để đánh thức được tiềm năng đó?

Với nhiều tiềm năng phát triển, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai
Với nhiều tiềm năng phát triển, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai

Sản phẩm đặc thù

Giữa vùng Tây Nguyên tương đồng về tài nguyên du lịch, việc hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có sẽ quyết định sự thành công của ngành du lịch Gia Lai. Hiện nay, nhiều địa phương ở Gia Lai đã hướng đến xây dựng mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp. Với diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2, lớn thứ 2 cả nước, có nguồn rau quả, trái cây, cây dược liệu dồi dào, nông nghiệp đã trở thành nguồn tài nguyên phong phú, đặc trưng để hình thành sản phẩm du lịch Gia Lai.

Xây dựng một trang trại du lịch trên diện tích 17 ha tại xã Đak Krong (huyện Đak Đoa), chị Nguyễn Thị Thu cho biết, mô hình du lịch nông nghiệp “Một ngày làm nông dân” của chị nhận được sự quan tâm của du khách. “Trải nghiệm du lịch xanh, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp khiến du khách rất thích thú. Du lịch kết hợp nông nghiệp sẽ là sản phẩm mới và là lợi thế của nhiều địa phương ở Gia Lai”, chị Thu chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tấn Thành, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, giá trị văn hóa đa dạng, thì Gia Lai còn có nền nông nghiệp dồi dào với các loại nông sản có thể kết hợp để phát triển mô hình du lịch trang trại. Các địa phương trong tỉnh đã bước đầu xác định được lợi thế và định vị thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, như Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), hay “Thung lũng vàng” Phú Thiện với trải nghiệm không gian lúa nước như một “tiểu đồng bằng” trên cao nguyên…

“Tất cả những tiềm năng trên đều có thể trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”, ông Thành chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Nhung cho biết, hình thành các sản phẩm đặc trưng là định hướng quan trọng trong chính sách phát triển du lịch của tỉnh. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ về đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng. Du lịch cũng được lồng ghép trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với việc phát triển mô hình “Làng văn hóa du lịch”.

“Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn - nông nghiệp là những tiềm năng dồi dào của Gia Lai. Vì vậy, tỉnh chú trọng xây dựng sản phẩm mới, khai thác lợi thế về du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, như khám phá thác K50, thác Phú Cường, thác Mơ, du thuyền trên sông Sê San, du lịch nông thôn tại các vườn cây ăn quả, trang trại cà phê, mua sắm sản phẩm nông nghiệp OCOP… Bên cạnh đó, Gia Lai cũng thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, từng bước hình thành những dự án du lịch lớn và khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao. Trước mắt, tỉnh tập trung vào một số dự án trọng điểm, như Dự án sân golf Đak Đoa, Khu phố đi bộ - Chợ đêm Hội Phú, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường; xây dựng TP. Pleiku là điểm đến du lịch trọng điểm. Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, tin tưởng trong tương lai, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Gia Lai”, ông Nhung kỳ vọng.

13 dự án điện gió, điện mặt trời ở Gia Lai chưa vận hành
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án điện gió với tổng công suất 391,2 MW và 7 dự án điện mặt trời tổng công suất 703 MWp chưa được vận hành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư