Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Điện Gia Lai hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận năm, cổ đông ngoại thoái vốn
T.V - 19/05/2022 09:10
 
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, Công ty: mã chứng khoán: GEG) vừa công bố BCTC hợp nhất kiểm toán quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng.

Các loại hình năng lượng tái tạo mang lại hiệu quả tích cực

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2022 đạt 183 tỷ đồng và 174 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 123% và 126%, hoàn thành 53% và 63% kế hoạch năm.

Nếu so sánh với kế hoạch phấn đấu 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2022 đã được báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên vào ngày 26/4/2022 thì số liệu quý I/2022 cũng đạt được 46% kế hoạch. Biên lợi nhuận ròng có sự cải thiện đáng kể khi đạt 30%, cao hơn 6% so với cả năm 2021 và cao hơn trung bình ngành đang ở mức 28%.

Biên EBIT (thu nhập trước lãi và thuế) và Biên EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao) của Công ty đạt 58% và 86%, tiếp tục ghi nhận tăng so với quý I2021, thể hiện hoạt động hiệu quả và kiểm soát tốt chi phí hoạt động. 

Đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Công ty quý đầu năm nay gồm có: 3 dự án điện gió 130 MW cộng hưởng cùng việc vận hành hiệu quả 12 nhà máy thủy điện - 81 MW, 5 nhà máy điện mặt trời và hệ thống áp mái - 300 MWp đã thúc đẩy sản lượng điện toàn hệ thống tăng gần 2 lần so với cùng kỳ, đạt 267 triệu kWh; đồng thời góp phần giảm phát thải 225.000 tấn CO2, chiếm 27% dự kiến cả năm.

Lượng giảm phát thải CO2 mà Công ty đóng góp đến hiện nay vào khoảng 8,7 triệu tấn. Nhân tố mới đó là điện gió tại miền Tây và Gia Lai đã đóng góp 125 triệu kWh sản lượng điện và 268 tỷ đồng doanh thu - chiếm 47% sản lượng.

Điện mặt trời và áp mái tại miền Nam, miền Trung và miền Tây ghi nhận 98 triệu kWh tương đương 210 tỷ đồng doanh thu - chiếm 37% sản lượng, tăng 2% so với cùng kỳ. Thủy điện đóng góp 44 triệu kWh sản lượng điện tương ứng 79 tỷ đồng doanh thu  - chiếm 17% Sản lượng, vượt 57% và 38% kế hoạch lần lượt cho Sản lượng và doanh thu. 

3 dự án điện gió vận hành hiệu quả đã đưa doanh thu thuần hợp nhất đạt 570 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ với sự đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán điện.

Trong cơ cấu sản lượng điện và doanh thu quý đầu tiên của năm 2022, điện gió duy trì tỷ trọng cao nhất với 47%-48%; tiếp đến là điện mặt trời và áp mái đạt tỷ trọng 37%-38% và phần còn lại là thủy điện đạt tỷ trọng 16%-14%.

So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này là 68%-72% đối với điện mặt trời và áp mái và 32%-28% của thủy điện.  Giá vốn hàng bán tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu thuần, đã đưa biên lợi nhuận gộp tăng 4 điểm % lên 61%, cao hơn mức 39% của trung bình ngành.

Trong đó, biên lợi nhuận gộp của các nhà máy điện gió và điện mặt trời lần lượt đạt mức cao trên 63% và 57%. Nhờ vào sự tiết giảm chi phí hiệu quả nên tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp/doanh thu thấp hơn 3% so với quý I/2021. 

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của GEC đạt 12.600 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu năm, đến từ sự tăng trưởng 16% của tài sản ngắn hạn. Tổng nợ vay tính đến cuối quý I/2022 ghi nhận 7.113 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời trong chiến lược mở rộng danh mục năng lượng tái tạo của GEC đặc biệt là điện Gió.

GEC đang phối hợp làm việc với  nhà đầu tư mới

Hiện nay, hai cổ đông lớn nước ngoài (IFC, AVH Pte. Ltd) đang tiến hành các thủ tục thoái vốn sau khi đã tìm được nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của GEC.

Hai cổ đông lớn nước ngoài đã hoàn thành chu kỳ đầu tư và cần thoái vốn theo quy chế đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận sau 6 năm đầu tư vào cổ phiếu GEG, hoàn thành việc hỗ trợ GEC mở rộng danh mục cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại thị trường Việt Nam.

Điện Gia Lai cho biết, hiện Công ty đang phối hợp làm việc với các nhà đầu tư mới để thực hiện các bước hỗ trợ cần thiết nhằm hoàn tất việc thoái vốn của cổ đông cũ và tham gia của nhà đầu tư mới.

Vì vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, hai cổ đông lớn nước ngoài đề xuất bổ sung thêm tờ trình chấp thuận cho Công ty AVH Pte. Ltd, nhận chuyển nhượng cổ phần từ IFC và một cá nhân để nâng tỷ lệ sở hữu lên 35,1% mà không cần thực hiện chào mua công khai. Sau đó, hai cổ đông ngoại này sẽ chuyển nhượng lại vốn cho một cổ đông ngoại mới.

Nhằm hỗ trợ cho việc thoái vốn của hai cổ đông lớn diễn ra thuận lợi cùng với tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới, Đại hội đã chấp thuận vấn đề nêu trên.

Được biết, cổ đông mới sẽ tham gia vào GEC là đơn vị phát triển năng lượng chuyên nghiệp, có uy mô và uy tín trên thị trường năng lượng khu vực và toàn cầu.

Theo GEC, Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại hình năng lượng tái tạo. Trong đó nguồn tài nguyên gió rộng lớn là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho hay, hơn 39% Khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 m/s, tương đương công suất 512 GW, 9% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại Điện Gió lớn.  

GEC cũng là Công ty năng lượng niêm yết duy nhất hoạt động thuần về năng lượng tái tạo với danh mục đa dạng các loại hình. 

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay duy trì ở mức 2 lần đảm bảo khả năng trả lãi của Công ty. Ngoài ra, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu đã cải thiện đáng kể khi giảm 4% so với đầu năm.

Khả năng thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh đạt 1,7 và 1,6 lần, lần lượt ghi nhận mức tăng 16% và 17% so với đầu kỳ thể hiện khả năng thanh toán liên tục được cập nhật tốt hơn.  

Theo Báo cáo của VNDirect, tính đến tháng 11/2021, thị phần Năng lượng tái tạo của GEC hiện đang chiếm 0,6% về công suất phát điện tại Việt Nam.

VNDirect kỳ vọng với đà phát triển danh mục hiện nay của GEC, đến năm 2030, thị phần GEC sẽ tăng lên đến 5%, gấp hơn 8 lần so với hiện nay và hệ thống danh mục tăng trưởng khoảng 3 lần.

ĐHĐCĐ 2022 của GEC thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 là 2.073 tỷ đồng - tăng 37% so với thực hiện năm 2021.

Riêng lợi nhuận trước thuế, Công ty đặt kế hoạch khiêm tốn là 345 tỷ đồng do sự thận trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều biến động và lãi suất có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên để đảm bảo tính tăng trưởng ổn định qua các năm với CAGR 2017-2021 là 10%, Ban Lãnh đạo đã đưa ra kế hoạch phấn đấu là 400 tỷ đồng năm 2022, tăng 25% so với kế hoạch năm 2021.

Đồng thời, Đại hội lần này của Công ty cũng thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 6% bằng cổ phiếu; phát hành cổ phiếu ESOP (3% của Vốn Điều lệ hiện hữu) và chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:10 (10% của vốn điều lệ hiện hữu) với giá bán 14.000 đồng/cổ phần.

Tổng số tiền thu dự kiến là 526 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 3.614 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm và cao hơn 51% trung bình Ngành. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để hoàn thiện Dự án đang triển khai dự kiến vận hành trong năm 2022 và bổ sung nguồn vốn lưu động cho Công ty.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEG cũng là cổ phiếu duy nhất thuộc ngành Năng lượng được lựa chọn vào Rổ Chỉ số VNSI 20 - 20 cổ phiếu Xanh hoạt động tại HOSE.

Giá cổ phiếu GEG đang giao dịch trong phiên sáng ngày 19/5 ở mức 20.700 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với 2 phiên trước đó ở mức hơn 18.000 đồng/cổ phiếu. 

Điện Gia Lai: Lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 20% chủ yếu đến từ bán điện
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC, mã CK: GEG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 369 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư