Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Du lịch Hà Nội khẳng định thương hiệu để cất cánh
Hồ Hạ - 27/09/2020 18:41
 
Đại dịch Covid-19 “đánh bồi” khiến ngành kinh tế xanh Thủ đô chạm đáy hình sin, nhưng cũng tạo sức ép để những người làm du lịch Hà Nội nỗ lực bật dậy, khẳng định thương hiệu và cất cánh.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư: "Đại dịch Covid-19 “đánh bồi” khiến ngành kinh tế xanh Thủ đô chạm đáy hình sin, nhưng cũng tạo sức ép để những người làm du lịch Hà Nội nỗ lực bật dậy, khẳng định thương hiệu và cất cánh".


Chạm đáy hình sin

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao. Covid-19 khiến du lịch Hà Nội chịu những tổn thương như thế nào, thưa ông?

Covid-19 ập đến, ngành kinh tế xanh toàn cầu lập tức bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất. Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng cũng không phải ngoại lệ. Liên tiếp bị đại dịch giáng đòn, từ gần 29 triệu lượt khách tới Thủ đô năm 2019, 8 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt 6,29 triệu lượt khách, giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,02 triệu lượt, giảm 75,6%; khách du lịch nội địa ước đạt 5,27 triệu lượt, giảm 65%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 22.754 tỷ đồng, giảm 65,8% (giảm 43.699 tỷ đồng).

Nếu như các năm trước, thời điểm này, Hà Nội bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch, với lượng khách trong và ngoài nước tăng đột biến; thì tháng 8/2020, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh do tiếp tục ảnh hưởng của dịch Covid-19, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 12.2%, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. 8 tháng năm 2020, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn chỉ đạt khoảng 29,6%, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 8, không khí ảm đạm chưa từng có bao trùm lên tất cả các điểm đến hàng đầu ở Hà Nội trước dịch vốn nườm nượp khách Tây, khách ta như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội - Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn hay các điểm di sản thế giới và di tích cách mạng của Thủ đô như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long...

Tính đến ngày 31/8, Hà Nội có khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động, gần 16.000 lao động tạm thời thất nghiệp. Phân khúc khách sạn cao cấp 3 - 5 sao khủng hoảng trầm trọng do lượng khách quốc tế giảm mạnh.

Có thể nói, Covid-19 đánh bồi đã khiến ngành kinh tế xanh Hà Nội chạm đáy hình sin, tạo sức ép để những người làm du lịch nỗ lực bật dậy trong tương lai.

Thưa ông, trước những tổn thương nặng nề đó, thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã chuẩn bị những gì để sẵn sàng phục hồi hoạt động ngay khi Covid-19 được đẩy lùi?

Sau cơn choáng váng ở giai đoạn đầu tiên của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Thủ đô luôn chủ động tìm hướng đi “bình thường mới”. Sở Du lịch Hà Nội tiến hành tập hợp, cùng với các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành, khách sạn trên địa bàn, phối hợp với các Ban quản lý, trung tâm di sản lớn của Hà Nội để thúc cỗ máy du lịch kiên cường hoạt động.

Trước mắt, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Dù triển khai các hoạt động kích cầu, sẵn sàng đón du khách, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là không chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19. Các biện pháp phòng, chống dịch được triển khai thường xuyên, ở mọi lúc, mọi điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú... để bảo đảm điều kiện cho ngành du lịch Thủ đô phát triển bền vững; đồng thời thực hiện chương trình kích cầu “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động.

Ngành du lịch Thủ đô đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, trong đó, đáng chú ý là đã ký biên bản hợp tác với 3 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air về triển khai các chương trình kích cầu cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nội. Từ tháng 7 đến tháng 9/2020, Vietnam Airlines giảm giá vé 10 - 40% cho các chặng bay nội địa. Hơn 20 khách sạn trên địa bàn Thành phố giảm bình quân 30% giá các dịch vụ.

Mới đây, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc họp 3 bên giữa lĩnh vực lữ hành, lưu trú, điểm đến để bàn về các chính sách kích cầu hiệu quả, tạo sức hút mới cho du lịch Thủ đô. Các đơn vị đã có chung tiếng nói, thống nhất chính sách kích cầu, giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng những tour trải nghiệm hợp lý, góp phần tạo sức bật rõ nét cho du lịch Hà Nội vào thời điểm mùa thu và cuối năm nay.

Tại cuộc họp, 14 đơn vị điểm đến và 11 khách sạn trên địa bàn Hà Nội đã cam kết tham gia kích cầu du lịch Hà Nội với các gói giảm giá sâu đến 30%. Thậm chí, có đơn vị giảm giá 60% như Công ty cổ phần Tuần Châu - Hà Nội giảm giá vé chương trình Tinh hoa Bắc bộ hạng Bạc và Vàng từ 300.000 - 400.000 đồng/vé, xuống còn 200.000 đồng/vé.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Hà Nội thực hiện giảm giá phòng từ 40% đến 60% và tung ra nhiều chương trình ưu đãi. Cụ thể, dịp Lễ Quốc khánh 2/9, khách sạn Pan Pacific giảm giá thuê phòng xuống mức 1,9 triệu đồng/đêm; khách sạn InterContinental Hanoi Landmark 72 giảm giá thuê phòng còn 4 triệu đồng/đêm, tặng khách phiếu ăn tự chọn dành cho 2 người; khách sạn Sofitel Legend Metropole giảm giá phòng còn hơn 1,1 triệu đồng/đêm…

Ngoài chính sách giảm giá, kích cầu, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng thành công một số sản phẩm du lịch mới, như tour du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour khám phá Hoàng thành Thăng Long với nội dung trải nghiệm mới; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề...

Chỉ còn nửa tháng nữa, Hà Nội bước vào cao điểm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao quy mô lớn như: Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ hội đường phố "Dấu ấn Hà Nội"; Lễ hội bơi chải thuyền Rồng Hà Nội mở rộng năm 2020; Triển lãm và liên hoan thư pháp Thăng Long - Hà Nội; Liên hoan múa rồng… Ngành Du lịch sẽ tận dụng cơ hội “vàng” này để đẩy mạnh quảng bá du lịch Thủ đô, giới thiệu chương trình kích cầu. Chiến dịch quảng bá này phải làm nổi bật được vị thế của Hà Nội - điểm đến hấp dẫn và an toàn.

Thời gian qua, các điểm đến tại Hà Nội đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng sản phẩm mới để thu hút khách trở lại. Nhiều di tích, điểm tham quan, vui chơi giải trí đã chỉnh trang cảnh quan môi trường, bố trí thêm các khu nghiên cứu, khu vui chơi, tổ chức nhiều dịch vụ mới… nhằm tạo sự hài lòng cho du khách. Mọi người đều tin tưởng lượng khách du lịch, trước mắt là khách nội địa, sẽ có những khởi sắc trong thời gian tới.

“Át chủ bài” hậu Covid-19

Xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm là giải pháp được nhiều điểm đến bắt tay với doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội triển khai nhằm thu hút, níu chân và khiến du khách “rút hầu bao” nhiều hơn. Đây có được xem là “át chủ bài” giúp du lịch Thủ đô bứt phá hậu Covid-19, thưa ông?

Đúng vậy, Covid-19 đánh bồi, các điểm đến, doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội không hề thúc thủ đầu hàng mà càng quyết tâm bắt tay nhau để cùng tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, chất lượng. Việc đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm tạo cơ hội cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, góp phần tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

Mở màn đầy ấn tượng là tour “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” vào các tối cuối tuần, chạy chính thức từ tháng 7 do Hanoitourist phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện. Sau 45 phút trải nghiệm, “món ăn” mới lạ này lập tức tạo được dấu ấn với du khách. Trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 hồi cuối tháng 7, hầu như đêm nào tour cũng cháy vé. Điều đó mở ra hướng đi mới hứa hẹn nhiều thành công cho các di tích, danh thắng khác trên địa bàn Thủ đô.

Hiện, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch đêm bằng cách kết hợp hình thức chiếu ánh sáng công nghệ cao với chương trình thực cảnh.

Không chịu kém cạnh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đang phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, dự kiến ra mắt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Câu chuyện hấp dẫn về các triều đại tại Hoàng thành, mang đến sự khác biệt so với sản phẩm trước đây.

Đặc biệt, tiếp nối thành công sau 4 năm thí điểm và tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và lùi giờ hoạt động của phố đi bộ đến 2 giờ sáng hôm sau, quận Hoàn Kiếm đã có đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào buổi tối để thu hút du khách.

Dự kiến, hoạt động kinh tế đêm tại quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu đề xuất sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng… không giới hạn thời gian, tất cả các ngày trong tuần. Các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần. Còn các điểm di tích, di sản mở cửa đến 22 giờ hàng ngày.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng đa dạng các sản phẩm du lịch như chơi golf, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới tập trung ở Ba Vì, Thạch Thất, Thường Tín. Các điểm thăm quan đã được kết nối, dễ tiếp cận bởi các tuyến buýt du lịch 2 tầng “Hà Nội City tour Hop on - Hop off” và “Thăng Long - Hà Nội City tour”, xe điện du lịch, xe xich lô du lịch.

Các điểm đến của Hà Nội không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng nhiều sản phẩm mới. Thành phố đã công nhận 15 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố. Một số điểm được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan.

Hà Nội vừa là điểm đến, vừa là một trong những thị trường nguồn tỏa đi các điểm du lịch lớn khắp mọi miền. Với vai trò đầu tàu, Hà Nội đã làm gì để cùng các địa phương phục hồi du lịch hậu Covid-19, thưa ông?

Để phát huy vai trò đầu tàu, việc tăng cường kết nối với các địa phương trong cả nước, nhất là xây dựng sản phẩm liên vùng không chỉ được Sở Du lịch Hà Nội chú trọng trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 mà là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi từ khi tái thành lập năm 2015.

Hà Nội hiện nay đã ký hợp tác phát triển du lịch với 40 tỉnh thành trên cả nước, để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội xây dựng sản phẩm liên kết vùng nhằm kéo dài ngày lưu trú của du khách tại Thủ đô hơn nữa. Dự kiến, quý 4 năm nay, Hà Nội cùng TP. HCM phối hợp với 5 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Bình Định) mở diễn đàn liên kết phát triển du lịch. Không chỉ chú trọng phát triển du lịch nội đô, Hà Nội ngày càng quan tâm tới liên kết vùng như trải nghiệm Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hoặc con đường di sản gắn kết các kinh đô Việt cổ từ miền Trung ra kinh đô Thăng Long - Hà Nội.

Đặc trưng của du lịch Hà Nội là sản phẩm du lịch văn hóa, chiếm đến 90% và cả nước không có nơi nào có các tài nguyên về các điểm văn hóa và điểm vui chơi du lịch lớn như Hà Nội. Không chỉ đối với khách quốc tế, mà khách trong nước thì Hà Nội vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn. Từ yếu tố này, Hà Nội đã “bắt tay” với nhiều địa phương hình thành chuỗi liên kết vùng trong hoạt động du lịch, như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình; Hà Nội - Sa Pa (Lào Cai)-Lai Châu; Hà Nội - Cao Bằng - Bắc Kạn; Hà Nội - Sơn La- Điện Biên; Hà Nội- Hà Giang; Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh- Quảng Bình…

Trong năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành Thủ đô đã tổ chức hàng chục hoạt động liên kết du lịch trong nước và quốc tế, trong đó có hoạt động đón 3 đoàn famtrip (khảo sát du lịch) của Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Có thể ghi nhận rất hiệu quả khá rõ nét từ việc liên kết phát triển du lịch trong nhiều năm qua.  Do vậy, năm 2020, ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng ngay khi hoạt động kích cầu du lịch nội địa trở lại từ đầu tháng 5, ngành Du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương, như Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình…

Một số chùm tour du lịch mới được xây dựng và bước đầu triển khai thành công trong thời gian Covid-19 hoành hành như: Sở hỗ trợ CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức đoàn farmtrip khảo sát và đề xuất tour kích cầu đường sắt Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Lào Cai, Lai Châu. Một số doanh nghiệp phối hợp để đưa ra tour kết nối Hà Nam - Hà Nội với tên gọi Lung linh Hà Nội, nhằm xây dựng hành trình từ khu du lịch Tam Chúc tới Thủ đô. Trong số các sản phẩm kết nối mới được xây dựng này đáng chú ý có tour “Đêm trước dời đô” do Hanoitourist phối hợp với các đơn vị du lịch Ninh Bình và Hà Nội xây dựng.

Việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước không chỉ giúp phát huy lợi thế của mỗi địa phương, mà còn cùng nhau mở rộng thị trường khách nội địa, sớm bật dậy sau khoảng lặng do Covid-19.

Triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp Ngành du lịch Hà Nội dự báo thị trường sẽ phục hồi như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Mặc dù kế hoạch trong tháng 9, Việt Nam sẽ mở cửa một số đường bay ra nước ngoài nhưng thời gian tới sẽ chưa thể đón khách du lịch quốc tế mà chủ yếu là khách công vụ. Thị trường khách quốc tế phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của các quốc gia trên thế giới, nhất là các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Ngành du lịch Thủ đô phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 đón lượng khách quốc tế bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 50-60% so với cùng kỳ năm 2019. Cả năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 8 triệu lượt khách nội địa.

Chúng tôi kỳ vọng một kịch bản phục hồi sớm và đặt mục tiêu năm 2021 đón 70-100% khách nội địa, 50-70% khách quốc tế so với năm 2019. Đến 2025, lượng khách cơ bản tăng trưởng ổn định với mức tăng từ 8 -9%/năm...

Với mục tiêu, kỳ vọng như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chắc hẳn, ngành du lịch Thủ đô đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai đồng bộ trong thời gian tới, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu trên, ngành du lịch Thủ đô đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi tăng trưởng sau dịch bệnh Covid-19, tập trung nâng cao chất lượng điểm đến trên 3 nội dung: sản phẩm dịch vụ, nhân lực và môi trường hoạt động.

Sở Du lịch cũng tiếp tục tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ để các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp cho du khách các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, nhân lực du lịch có trình độ, thân thiện và chuyên nghiệp, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung khai thác giá trị di sản văn hóa ngàn năm văn hiến của Hà Nội, bổ sung nhiều sản phẩm du lịch gắn phát triển kinh tế đêm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong du lịch sắp tới chính là cú hích để phát triển ngành công nghiệp không khói. Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế để phát triển nhanh, bền vững cũng là một trong những điểm mấu chốt để phát triển du lịch. Sở tham mưu cho Thành phố thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư vào du lịch, người dân và du khách đến Hà Nội được thụ hưởng nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng, hấp dẫn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ hình ảnh du lịch Hà Nội an toàn; là điểm đến với nhiều di sản và danh thắng nổi tiếng để du khách trải nghiệm, khám phá; là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn trong dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội… đến các thị trường trong nước và quốc tế ngay khi có điều kiện. Hà Nội đã có một chuỗi các sự kiện từ nay đến cuối năm, không chỉ riêng các điểm du lịch lớn mà còn có sự kết hợp với các địa phương để tổ chức. Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng nhiều đơn vị khác xây dựng thêm chương trình quảng bá văn hóa, du lịch tại các điểm đến. Ngoài ra, Sở cũng hỗ trợ các điểm đến quảng bá sản phẩm du lịch mới bằng hình thức trực tuyến.

Tôi cho rằng, chất lượng điểm đến được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu, vì khi quảng bá tốt, nhưng không có chất lượng dịch vụ tốt và không an toàn thì sẽ không bền vững. Vì thế, trong chiến lược chung, Sở Du lịch Hà Nội chú trọng đào tạo đội ngũ làm du lịch. Sau khi hết giãn cách nhưng từ tháng 5, chúng tôi đã khởi động lại toàn bộ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho hướng dẫn viên; đến nay chúng tôi đã tổ chức được 2 lớp hơn 300 học viên, tiếp tục tổ chức đào tạo theo kế hoạch vào giai đoạn cuối năm tại địa phương để người dân có thể làm du lịch đón khách, phát triển các dịch vụ cộng đồng.

Chúng tôi hy vọng với sự vào cuộc của tất cả các ngành các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Hà Nội, cũng như sự hưởng ứng của người dân, chính là những khách hàng thì ngành du lịch sẽ sớm được phục hồi tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu đặt ra trong năm nay. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch biến thách thức thành cơ hội, tạo ra nền tảng phát triển vững chắc trong tương lai.

Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn về đêm: “Át chủ bài” của du lịch Thủ đô hậu Covid-19
Xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm là giải pháp được nhiều điểm đến tại Hà Nội đã và đang triển khai nhằm thu hút cũng như níu chân và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư