Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
Du lịch sông Hồng cần một lực đẩy
Tuệ Minh - 09/07/2024 14:19
 
Sông Hồng là tuyến đường thủy huyết mạch chảy qua địa phận Hà Nội, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc trị thủy, mà còn là dòng sông có bề dày văn hóa - lịch sử, sở hữu tiềm năng du lịch dồi dào.
Tuyến du lịch sông Hồng hấp dẫn nhiều du khách, song chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
Tuyến du lịch sông Hồng hấp dẫn nhiều du khách, song chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Tuyến du lịch đường thủy độc đáo

Hành trình khám phá sông Hồng bắt đầu từ bến Chương Dương Độ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến với vùng đất Ninh Sở (huyện Thường Tín) giàu truyền thống văn hóa và bề dày lịch sử. Nơi đây sở hữu Di tích quốc gia đền Đại Lộ, chùa Công Minh, đền Mẫu Cửu Trùng Thiên, đền Dầm...

Rời bến Đại Lộ, chỉ mất khoảng 30 phút, du khách tiếp tục đến với đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Đây là nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử - một trong “tứ bất tử” của người Việt, cùng nhị vị phu nhân. Tại điểm dừng chân cuối cùng, du khách sẽ đến với làng nghề gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), tham quan Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt - một công trình kiến trúc ấn tượng, mang đậm dấu ấn đặc trưng của làng nghề có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi. Ngoài việc chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm tinh xảo, du khách còn được tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc ánh sáng độc đáo để thấy sức sáng tạo đầy nội lực của người dân Bát Tràng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng, Thành phố cần quan tâm hơn đến việc quy hoạch lại khu vực sinh sống cho người dân làng chài ven sông cũng như cộng đồng dân cư hai bên bờ sông Hồng, nhằm đảm bảo an sinh, chia sẻ lợi ích để người dân được hưởng lợi từ du lịch.

Ngoài ra, cần xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí trên sông như chèo thuyền kayak, chèo SUP, cắm trại; xây dựng khu trải nghiệm nông nghiệp ven sông; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm đời sống văn hóa Đồng bằng sông Hồng, trải nghiệm nghề truyền thống tại các làng nghề...

Nhiều năm qua, Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng đã xây dựng và khai thác các tuyến du lịch trên sông Hồng bằng tàu thủy với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, giúp du khách khám phá, cảm nhận được vẻ đẹp của hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể đa dạng của Hà Nội và các địa phương lân cận.

Ngoài tuyến du lịch truyền thống kể trên, đơn vị này còn xây dựng chương trình tham quan di tích, làng nghề nằm dọc  sông Hồng tại các địa phương lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.

Nói về tiềm năng phát triển tuyến du lịch sông Hồng, ông Trần Lịch, một chuyên gia có nhiều năm gắn bó với sản phẩm này đánh giá: “Tuyến du lịch sông Hồng là một sản phẩm hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước, mà cả khách quốc tế. Nếu biết cách làm, sản phẩm này có nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài lớn tuổi đến từ thị trường châu Âu. Họ rất thích những trải nghiệm hướng đến các cảnh quan thiên nhiên và các hoạt động khám phá văn hóa bản địa. Tuy nhiên, hạ tầng bến bãi, đường giao thông liên kết các tour tuyến chưa được đầu tư nhiều, nên du lịch sông Hồng chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng”.

Chỉ ra những bất cập do hệ thống bến bãi không đáp ứng được nhu cầu, chuyên gia Nguyễn Chí Thành, Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển cộng đồng cho rằng, để khai thác một cách bài bản tuyến du lịch sông Hồng, cần có 4 bến thủy nội địa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng hiện tại, Hà Nội chỉ có bến Chương Dương Độ đáp ứng được các yêu cầu, còn lại hầu hết đều là bến đò ngang dân sinh, bến tạm, không bảo đảm an toàn cho du khách.

“Hà Nội cần xây dựng các bến thủy nội địa tiêu chuẩn để không chỉ các tàu du lịch trong nước có thể cập bến, mà còn đón các tàu du lịch chất lượng cao của nước ngoài trong tương lai”, ông Thành nói.

Cùng với đó, việc thiếu những hoạt động trải nghiệm gắn kết với các điểm đến, thiếu vắng các mặt hàng lưu niệm, sản vật địa phương và các hoạt động trải nghiệm trên tàu trong suốt hành trình di chuyển... cũng là nguyên nhân khiến du lịch sông Hồng chưa thể thu hút du khách.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Do những bất cập, thiếu tính thực tiễn từ hệ thống chính sách, cơ chế, nên nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc xây dựng, khai thác các bến thủy nội địa, dẫn đến tuyến du lịch đường thủy chưa phát triển. Mặc dù hiện nay, việc quản lý các bến thủy nội địa, bến đò ngang dân sinh đã được phân cấp về các quận, huyện, cũng góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tour đường sông, nhưng hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Cùng với đó là các vấn đề như thiếu sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến...

Để khai thông các điểm nghẽn này, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các sở, ngành, các chuyên gia để xây dựng kế hoạch, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố ưu tiên đầu tư, xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, đề án hai bên bờ sông Hồng và bãi giữa. Xác định cụ thể vị trí, quy mô, công suất của các bến cảng, bến bãi, hệ thống giao thông kết nối, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất này, nhằm tạo điều kiện đón và phục vụ các tàu du lịch lớn, hiện đại.

Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cảng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; có cơ chế tháo gỡ vướng mắc trong quản lý tài sản công để kêu gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vận hành, khai thác hiệu quả các cảng du lịch sẵn có như cảng Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm), cảng Bát Tràng (Gia Lâm)...

Vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, giai đoạn 2024-2025. Trong đó, việc “hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (huyện Thường Tín) - Hưng Yên và tiếp tục mở rộng các sản phẩm du lịch đường sông” là một trong những nội dung nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, chất lượng cao, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thành phố, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hà Nội: Kết nối, phát triển du lịch Đường Lâm
Ngày 2/7, Hiệp hội Du lịch quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình khảo sát các điểm du lịch, dịch vụ tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư