Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Du lịch tan hoang vì Covid-19, cơ quan giám sát "thúc" Quỹ hỗ trợ hoạt động
Nguyễn Lê - 04/08/2021 11:12
 
Đầu năm 2020, Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động ngay đầu quý III/2020, nhưng đến giữa tháng 7/2021 Quỹ vẫn chưa được bố trí vốn.
.
Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều điểm du lịch không thể đón khách.

Luật Du lịch được thông qua ngày 19/6/2017, nhưng sau 1 năm văn bản phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch mới được ban hành, sau 3 năm mới hoàn thiện về nhân sự nòng cốt và đến thời điểm hiện tại Quỹ vẫn chưa đi vào hoạt động.

Đó là một trong số các hạn chế về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch  được Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội chỉ ra trong báo cáo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Luật Du Lịch. Báo cáo hoàn thành giữa tháng 7/2021, được gửi đến Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ nhất vừa qua.

Vô vàn khó khăn

Cơ quan giám sát nhấn mạnh, du lịch Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, du lịch là ngành đầu tiên chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất. Nhìn chung, lượng khách và doanh thu từ du lịch, hoạt động du lịch giảm mạnh. Năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ 2019; khách du lịch nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2021, khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 29 triệu lượt, tổng thu ước đạt 126.400 tỷ đồng, giảm 15,9 % so với cùng kỳ năm 2020.

Theo cơ quan giám sát, cơ sở lưu trú du lịch là phân khúc bị ảnh hưởng đầu tiên, nặng nề nhất do dịch Covid-19. Ở một số địa phương là trung tâm du lịch của cả nước, cơ sở lưu trú du lịch bị ảnh hưởng lớn hơn so với trung bình chung của cả nước, mức suy giảm dao động từ 70-90% .

Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành giảm mạnh. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực tại công ty, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương; có trên 338 doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép. Năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với số cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp) trong khi số doanh nghiệp xin thu hồi tăng gấp 3 lần. Năm 2020 đã có trên 338/2519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa.

Về vận tải khách du lịch: do khách du lịch giảm mạnh nên ngành vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là vận tải bằng đường hàng không.

Đáng chú ý là hiện nay, số lượng lớn nhân lực du lịch bị mất việc làm hoặc làm việc cầm chừng. Việc cắt giảm nhân sự dẫn đến tình trạng lao động dịch chuyển sang các ngành nghề khác. Đây là thách thức đặt ra đối với ngành du lịch trong việc khôi phục lại nhân lực sau đại dịch, cơ quan giám sát cảnh báo. 

Đưa Quỹ vào hoạt động là yêu cầu cấp thiết

Về kết quả thực hiện Luật Du Lịch, đánh giá chung, cơ quan giám sát cho rằng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tuy đã được cải thiện, nhưng còn sáu nhóm chỉ số hạng trung bình thấp và thấp. Gồm: sự bền vững về môi trường; hạ tầng dịch vụ và du lịch; mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; y tế và vệ sinh; hạ tầng mặt đất và cảng; mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông.

Năm 2019, về năng lực cạnh tranh, du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng 4 bậc so với năm 2017; xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh hạn chế 3 năm chưa đưa được Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục còn chỉ ra rằng, một số quy định chưa được hướng dẫn: Khoản 2, Điều 29, Luật Du lịch giao Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia, tuy nhiên đến nay, nội dung này chưa được hướng dẫn.

Hạn chế nữa là một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật như: thời gian tái kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ; vị trí treo biển công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch; một số loại hình du lịch và mô hình kinh doanh lưu trú du lịch mới như mô hình kinh tế chia sẻ, farmstay (du lịch nông nghiệp)…

Dành hẳn một mục riêng tại báo cáo giám sát để nói về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục nêu rõ, các nội dung về Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được quy định từ Điều 70 đến Điều 72, Luật Du lịch. Ngày 12/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ , trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với một số bộ ngành có liên quan để triển khai các quy trình, thủ tục, quy định liên quan để Quỹ đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ mới kiện toàn về nhân sự nòng cốt , các vấn đề liên quan đến phương án hoạt động, tổ chức, bộ máy vẫn đang trong quá trình chờ phê duyệt, vốn điều lệ cho Quỹ chưa được bố trí.

Hiện nay, ngành du lịch đang đối diện với vô vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phải đóng cửa, lao động không có việc làm. Trong tình hình đó, để thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa duy trì hoạt động vừa thúc đẩy du lịch nội địa, sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động là yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan, đặc biệt về việc cấp vốn điều lệ để Quỹ có thể chính thức hoạt động, phát huy vai trò như Luật Du lịch đã quy định. Đồng thời cần đẩy mạnh việc xã hội hóa trong hoạt động của Quỹ nhằm thu hút nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch". báo cáo giám sát nêu rõ. 

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"
Những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại gặp đợt tấn công lần thứ tư từ Covid-19 khốc liệt hơn, khiến những ‘thành trì thép’ của ngành cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư